Lễ hội tôn vinh các giá trị văn hóa của vùng đất Tổ

ANTĐ - Nằm trong chuỗi chương trình kỉ niệm ngày giỗ tổ Hùng Vương năm 2016, lễ hội Văn hóa dân gian đường phố lần đầu tiên được thành phố Việt Trì tổ chức. Chương trình thực sự đã gây được ấn tượng rất tốt trong lòng người dân và du khách thập phương. Đây là một chương trình tôn vinh, phô diễn những nét đẹp giá trị văn hóa truyền thống của vùng đất tổ.

20h ngày 12-4 (tức 6-3 âm lịch), tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, diễn ra lễ hội văn hóa dân gian đường phố năm 2016. 

Hơn ba mươi nghìn người đã kéo về tuyến đường dọc công viên Văn Lang thành phố Việt Trì để tham dự lễ hội. Ai ai cũng nô nức, phấn khởi. Tuy người đông, thời tiết nóng bức nhưng ai cũng trật tự chăm chú xem.
Đây là lần đầu tiên ở Việt Trì một chương trình lễ hội văn hóa dân gian được tổ chức quy mô trên đường phố, lực lượng tham gia biểu diễn chính là những người dân địa phương gắn liền với những địa danh còn dấu tích thời đại Hùng Vương và những tích cổ.

Lễ hội văn hóa dân gian đã tái hiện lại rất nhiều tích xưa, phản ánh nền văn hóa, văn minh của vùng đất tổ. Thể hiện được cái hồn của văn hóa Việt; lý giải cho sự trường tồn, hưng vượng của dân tộc Việt Nam. Đến với lễ hội Văn hóa dân gian đường phố, người dân và du khách đã hiểu hơn về văn hóa truyền thống, hiểu được ý nghĩa tâm linh, tinh thần đoàn kết, hiểu được cách ông cha ta đã dựng nước và giữ nước.

Người Việt Nam có tục thờ cúng tổ tiên, thờ cúng những người có công với đất nước với dân tộc, đây là một truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời nay. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải là một tôn giáo nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống tâm linh người Việt.

Lễ hội tôn vinh các giá trị văn hóa của vùng đất Tổ ảnh 1
Xe mô hình mang biểu tượng Cha Rồng – Mẹ Tiên cùng 50 nam và 50 nữ của các phường, xã Hy Cương, Chu Hóa, Thanh Miếu, Bến Gót trong trang phục việt cổ.

Từ ngàn đời nay, Giỗ Tổ Hùng Vương đã in đậm trong cõi tâm linh của người dân. Dù ở phương trời nào, người Việt Nam đều nhớ về ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất cội nguồn của dân tộc. Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam, là nơi mọi con dân đất Việt tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước và giữ nước. 
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện nền tảng tinh thần đại đoàn kết dân tộc và gắn kết cộng đồng, tạo nên sức mạnh của dân tộc Việt Nam, luôn vượt qua khó khăn, thách thức trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước, chống giặc ngoại xâm. 
Ngày 6/12/2012, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” đã được UNESCO công nhận  là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tính đến thời điểm này, "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương" là di sản duy nhất ở loại hình tín ngưỡng của Việt Nam được UNESCO vinh danh. 
Việc Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận, cho thấy thế giới đánh giá rất cao, đồng thời cũng thừa nhận đời sống tâm linh của người Việt Nam, vốn đã có từ hàng nghìn năm nay.

        “Dù ai đi ngược về xuôi

         Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”,

Lời nhắc nhở mang hồn thiêng sông núi ấy từ lâu đã thấm sâu vào con tim, khối óc của hàng triệu người dân đất Việt, nhắc nhở mỗi chúng ta dù ở bất cứ nơi đâu cũng không quên cội nguồn dân tộc, không quên chúng ta được sinh ra từ cùng 1 bọc trăm trứng. 
Những ý nghĩa và hình tượng thiêng liêng ấy cùng với những truyền thuyết từ huyền sử như: truyền thuyết Lạc Long Quân – Âu Cơ (hay Cha Rồng – mẹ Tiên) thấm đượm ý nghĩa từ bao đời nay đã in đậm trong tâm thức dân tộc Việt; tục làm Bánh chưng, bánh giầy loại bánh tượng trưng cho “Trời tròn - đất vuông” gắn với câu chuyện về lòng hiếu thảo của chàng hoàng tử Lang Liêu thời Hùng Vương dựng nước. 
Những sản vật giản dị, đậm đà hương vị Việt, ẩn chứa các giá trị văn hóa, tâm linh và mang ý nghĩa triết lý nhân sinh sâu sắc.

Các "nghệ sĩ" quần chúng đang tập duyệt cho chương trình lễ hội.

Hàng ngàn người dân đủ mọi lứa tuổi, nghệ sĩ quần chúng tham gia tái hiện các lễ hội văn hóa dân gian, các biểu tượng cao quý của dân tộc và vùng đất Tổ. Họ mộc mạc, dung dị đến biểu diễn từ những địa phương gắn với huyền tích thời dựng nước như: Hùng Lô, vùng đất trù phú, có lịch sử phát triển lâu đời. Nơi bảo tồn và phát huy được những ngôi đình, những ngôi nhà cổ, bộ kiệu bát cống… 

Bộ kiệu bát cống của Hùng Lô được đánh giá rất cao về nghệ thuật điêu khắc cổ thời Hậu Lê vào thế kỷ 17. Xã Trưng Vương, địa phương có tên gọi kẻ Sủ- vùng đất cố đô Văn lang xưa với những dấu ấn, truyền thuyết về thời kỳ các Vua Hùng dựng nước. Nơi có “Quán 9 gian” trong nội điện kinh đô Văn Lang, Đình Lâu Thượng, Miếu Vật, Đình Nội, Đình Quất Hạ, Đình- đền- lăng Hương Lan, Thiên Cổ Miếu… 

Xã Hy Cương, xã Chu Hóa, nơi có đền thờ và mộ tổ Vua Hùng, có nhà tưởng niệm chủ tịch Hồ Chí Minh, các phường Thanh Miếu, Bến Gót... 

Phường Vân Phú với di tích Đền Luông-một trong những đền được công nhận thờ vua Hùng thứ 18, phường Vân Cơ và phường Tân Dân với lễ hội cướp bông ném chài, một trong những phong tục tín ngưỡng phồn thực đặc trưng của cư dân nông nghiệp. 

Phường Minh Phương, nơi có di chỉ Gò Tôm, 1 trong 7 di tích khảo cổ thuộc nền văn hóa Đông Sơn gắn với thời kỳ cực thịnh của thời đại Hùng Vương. 

Cánh đồng Lú (nay thuộc phường Minh Nông) nơi truyền thuyết vua Hùng đã dạy cho người dân trồng những cây lúa nước đầu tiên. Và tích ngày xuống đồng hàng năm, hay còn gọi là lễ tịch điền. Lễ rước Giải xã Thanh Đình, một tín ngưỡng đặc biệt từ tục thờ con Giải, nhằm cầu cho mùa màng sinh sôi tốt tươi. 

Xã Phượng Lâu, xã Kim Đức, một trong những  địa phương còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa đặc sắc như Miếu Lãi Lèn, Hát Xoan, Hội vật, bơi chải, lễ hội đình... 

Phường Bạch Hạc, trung tâm địa lý-hành chánh hình thành nhà nước đầu tiên của người Việt Cổ, nằm trên hợp lưu ba con sông Hồng-Đà-Lô như 3 con rồng uốn khúc về một điểm, với lễ hội bơi chải có từ hàng ngàn năm trước. 

Phường Dữu Lâu vùng trung tâm kinh đô Văn Lang xưa, nơi có đình thờ các tướng của Vua Hùng, với truyền thống thượng võ, “đại khí” của dân tộc, phường Nông trang và xã Thụy Vân cùng tham gia thể hiện sức mạnh và phẩm chất cao quí ấy của dân tộc Việt.

Phường Tiên Cát  và các lực lượng thiếu nhi, nhà giáo, công nhân thể hiện khí thế của một thành phố Việt Trì giàu bản sắc và truyền thống, nơi cội nguồn đất Tổ, thành phố năng động, thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Đã có nhiều lễ hội đường phố được tổ chức với nhiều hình thức, tính chất khác nhau. Nhưng lễ hội văn hóa dân gian đường phố nhân lễ Giỗ tổ năm nay ở Việt Trì với gần 2.000 diễn viên quần chúng mà đa phần là người lớn tuổi cùng với hàng chục ngàn người dân và du khách nồng nhiệt, cảm xúc tham gia thật sự là một sự kiện có ý nghĩa. 
Không lớn về quy mô, không hoành tráng theo nghĩa cờ đèn kèn trống nhưng lớn về ý nghĩa của giá trị văn hóa truyền thống mà lễ hội chứa đựng và phô diễn. 
Không có nghệ sĩ tên tuổi và các nhóm nghệ sĩ chuyên nghiệp xuất hiện, nhưng chính vì vậy cảm xúc thực từ những màn tái hiện lại chân thực, mộc mạc. Họ diễn bằng cả tâm hồn và diễn như đời thật. 
Công chúng tham gia tuy vẫn nô nức trong ngày hội lớn, nhưng họ không chỉ đi xem mà còn là về quê Giỗ tổ tiên, nên tâm thức là lòng thành, biểu hiện trong sự trật tự, cổ vũ, cả trong hình ảnh các bạn thanh niên vừa tham gia biểu diễn, vừa tham gia gìn giữ an toàn cho đêm hội, vừa lặng lẽ đi thu dọn rác giữ cho những ngày Giỗ tổ đường phố tươm tất. 
Là lần đầu, tuy còn nhiều bài học kinh nghiệm cần rút ra cho lần sau, nhưng đêm hội là tấm lòng ngưỡng vọng tổ tiên, ghi nhớ công ơn các vua Hùng. Vẻ đẹp mộc bao giờ cũng là vẻ đẹp thật, tinh khôi và đầy cảm xúc.    

Kết thúc đêm hội là chương trình nghệ thuật ấn tượng với 2 chương: Âm Vang đất Tổ và Việt Trì, tiềm năng vẫy gọi. Hàng chục ngàn người dân và du khách trong ngoài nước về trẩy hội đã ấm lòng và hân hoan, xúc cảm trong ánh sáng rực rỡ của đêm pháo hoa. 
Chương trình với sự chỉ đạo của thành phố Việt Trì, Công ty cổ phần Thương mại và Truyền thông Lạc Việt thực hiện thành công và để lại những dư âm sâu sắc về giá trị tinh hoa của văn hóa một vùng đất và khát vọng “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.