Lễ cho bằng được, được gì?

ANTĐ - Chẳng có cướp lộc, cướp ấn, cướp phết hay cướp lương..., tóm lại chẳng có gì để phải tranh cướp cho bằng được, ấy thế mà ngày Lễ hội Đền Hùng hôm 10-3 âm lịch vừa qua thực sự đã trở thành một cuộc chen lấn kinh hãi nhất trong lịch sử các lần tổ chức.

Lễ cho bằng được, được gì? ảnh 1

Biển người chen lấn đến ngộp thở tại lễ hội đền Hùng

Cả triệu người rùng rùng xô đổ rào chắn, tràn qua vòng vây an ninh để tiến lên núi Nghĩa Lĩnh cúng lễ. Đám trẻ con, chắc chỉ vài chục phút trước thôi mặt mũi hớn hở vì được đi hội, thì đã chìm trong biển người chen lấn đến ngộp thở khi còn chưa hiểu đầy đủ về khái niệm “hội” là thế nào. Đứa nào đứa nấy mồ hôi mướt mát, quần áo tóc tai rũ rượi, gào khóc vì sợ hãi.

May làm sao, với sự nhanh trí, xử lý tình huống thông minh và kịp thời của lực lượng công an, đám trẻ “bị” cha mẹ cho đi hội đã được “giải cứu” thành công, đưa về nơi an toàn, chờ người thân 

đến đón...

Khi chứng kiến những hình ảnh ở đền Hùng, nhiều người đặt câu hỏi tại sao: Tại sao văn hóa, nhất là văn hóa tâm linh, văn hóa nơi công cộng của ta ngày càng tụt dốc, trong khi kinh tế ngày càng khấm khá hơn? Lễ hội ngày càng nhiều, di tích xây ngày một lớn, niềm tin tâm linh ngày một mạnh mẽ, song hành là sự cuồng tín phát triển theo cấp số nhân. Có cảm tưởng như văn hóa lễ hội, hay nói đúng hơn là văn hóa của những người tham gia lễ hội như một dải đê với trăm nghìn tổ mối. Đụng vào đâu cũng xói lở, sụt lún. Vá chỗ này, bục chỗ kia. 

Mùa hội năm 2016 này, cả nước thở phào vì Ném Thượng- Bắc Ninh không chém lợn công khai. Máu không còn chảy lênh láng, nhuộm đỏ cả sân đình. Hội Gióng - Sóc Sơn cũng hiền hòa hơn, không còn cảnh vác gậy tre quật nhau đến chấn thương sọ não. Đền Trần Nam Định, sau bao tranh cãi, hội thảo lên xuống ngược xuôi thì cũng đã chấm dứt được cảnh cướp ấn giữa đêm khuya, mà thay vào đó là  phát ấn vào sáng sớm.

Song, tệ ở chỗ, không cướp ấn thì người ta xông vào cướp lộc. Trèo cả lên ban thờ, xô đổ kiệu Thánh mà cướp hoa, cướp quả. Hỉ hả ra về với chút lộc vừa cướp được, coi như năm nay mục tiêu “thăng quan tiến chức” đã hoàn thành được đến 70%. Những người cướp lộc hòng mong thăng tiến đó là những ai? Những ai mới có “thẻ đỏ” - thẻ VIP mà vào khu vực hành lễ lúc nửa đêm. Đến cánh báo chí, vốn thạo tin và nhiều quan hệ, còn bó tay khóc ròng ngoài vòng bảo vệ số 2 vì chỉ được phát “thẻ xanh”. Câu trả lời chắc ai cũng đoán ra. 

Không hiểu những người leo lên ban thờ mà cướp lộc ấy, sau về nhìn lại hình ảnh của mình trên báo, trên truyền hình họ có thấy xấu hổ không? Hay “niềm tin tâm linh mù quáng” ấy đủ lớn để che mờ mọi trạng thái cảm xúc. Mỗi năm, ngành văn hóa đều tổ chức cơ man nào là họp hành, hội thảo, nhằm tìm ra giải pháp xoa dịu các điểm nóng mùa hội. Chỗ này hạ nhiệt thì chỗ kia đùng đùng lên cơn sốt. Và năm nay đến lượt đền Hùng. 

Bấy lâu nay, chắc do mải làm kinh tế, nhiều người trong chúng ta đã cố tình quên đi gốc gác, cốt lõi của tín ngưỡng tâm linh mà hướng vào coi trọng hình thức. Những cái đầu thích khoe khoang mới nghĩ ra đủ các loại kỷ lục để dâng lên vua Hùng.

Đất nước thì nhỏ, kỷ lục thì to. Nào là bánh giầy to nhất. Nào là bánh chưng to nhất. Chai rượu to nhất. Trăm cân gạo, trăm cân đỗ, trăm cân thịt trộn vào hoành tráng nẹp thép luộc lên, khoe khoang, truyền thông rầm rầm trên báo... rốt cuộc kỷ lục luôn cho ra đời một thứ... của nợ. Ăn không được mà to gan lớn mật, dám dâng lên cúng lễ.

Xét cho cùng, câu chuyện biển người chen nhau khiếp hãi ở đền Hùng hôm thứ bảy vừa qua cũng na ná chuyện bánh chưng, bánh giầy hay trăm thứ kỷ lục to nhất từng được làm từ trước đến nay để dâng cúng. Nó chỉ là thứ hình thức bề ngoài.

Cả biển người chen lấn, giành nhau cốt chỉ để đạt được một điều: Lễ cho bằng được. Và trong cả biển người ồn ào và hung hăng kia, có bao nhiêu người lấy việc đi lễ để gột rửa cho tâm sáng, lòng trong? Có bao nhiêu người đi lễ vì “mục đích riêng” và có bao nhiêu người hiểu được tường tận lịch sử cội nguồn?