Lấy ý kiến về 2 phương án tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội

ANTD.VN - Theo dự thảo đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, có 2 phương án được đưa ra, trong đó phương án 1 là bỏ HĐND cấp xã, phường, thị trấn, còn phương án 2 là bỏ HĐND cấp quận, huyện, xã, phường.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội thảo

Sáng nay, 9-8, tại quận Hà Đông, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các quận, huyện, thị xã vào dự thảo đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền đô thị là nhiệm vụ quan trọng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đô thị nói chung trong bối cảnh đô thị hóa ngày càng mạnh.

Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước được Bộ Chính trị, Trung ương giao xây dựng đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Đây là vấn đề mới, khó nên cần phải xem xét kỹ lưỡng, thận trọng để hoàn thiện dự thảo đề án trước khi trình ra Bộ Chính trị, Trung ương cho ý kiến vào cuối năm nay.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy nêu rõ, việc triển khai xây dựng mô hình chính quyền đô thị là cần thiết và có ý nghĩa rất quan trọng. Mục tiêu là nghiên cứu, đề xuất phương án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền đô thị tại các quận, phường ở nội đô và tiếp tục củng cố, tổ chức lại chính quyền đô thị ở các huyện, xã, thị trấn.

Theo dự thảo đề án mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội được Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Trần Huy Sáng trình bày tại hội thảo, ban soạn thảo đề án đưa ra 2 phương án về mô hình tổ chức chính quyền đô thị như sau:

Phương án 1: Xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã) 1 cấp hành chính tại xã, phường, thị trấn. Trong đó, chính quyền thành phố và chính quyền quận, huyện, thị xã về cơ bản cũng giữ nguyên như hiện nay gồm có HĐND và UBND. Về tổ chức chính quyền cấp xã, phường, thị trấn thì không tổ chức HĐND, chỉ tổ chức cơ quan hành chính theo thiết chế UBND.

Phương án 2: Xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), 1 cấp hành chính (quận, huyện, thị xã) và 1 cơ quan hành chính đại diện (xã, phường, thị trấn). Theo đó, tổ chức chính quyền thành phố là cấp chính quyền đầy đủ gồm HĐND-UBND như hiện nay. Tổ chức chính quyền quận, huyện, thị xã là một cấp chính quyền không đầy đủ, không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường; chỉ tổ chức cơ quan hành chính quận, huyện, thị xã theo thiết chế UBND.

Căn cứ ưu điểm, hạn chế của 2 phương án nêu trên, tổ soạn thảo đề nghị trong thời điểm hiện nay, việc thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội sẽ thực hiện theo phương án 1.

Các đại biểu dự hội thảo góp ý về mô hình chính quyền đô thị thành phố Hà Nội

Qua thảo luận, đa số ý kiến của đại diện các quận, huyện, xã, phường đều thống nhất cao với phương án 1 mà Ban soạn thảo đề án đưa ra, đồng thời có đánh giá bổ sung những ưu điểm, nhược điểm của mỗi phương án, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, những tác động đến địa phương, nhân dân khi triển khai thực hiện mô hình này.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu, Phó Bí thư thường trực Thành ủy lưu ý, nhiệm vụ xây dựng chính quyền đô thị phải gắn với yêu cầu tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của cả hệ thống chính trị, với mục tiêu cuối cùng là đưa thành phố phát triển, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.

Trên cơ sở đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đề nghị ban soạn thảo đề án của thành phố cần bổ sung để hoàn thiện, nâng cao hơn nữa về định hướng thiết kế mô hình thí điểm chính quyền đô thị của thành phố theo phương án 1, tức xây dựng mô hình tổ chức 2 cấp chính quyền ở cấp thành phố và quận huyện, 1 cấp hành chính ở xã phường.

Đặc biệt, Phó Bí thư thường trực Thành ủy yêu cầu, xây dựng chính quyền đô thị dù theo phương án nào thì cũng phải đảm bảo giữ vững nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo chính quyền phải thực sự là của dân, do dân và vì dân.