Tiến tới Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội:

Lấy ý kiến người dân vào dự thảo báo cáo chính trị

ANTĐ - Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khẳng định quyết tâm tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của toàn Đảng bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô phát triển nhanh, bền vững. 

Báo An ninh Thủ đô xin trích đăng dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV - một trong những văn kiện quan trọng sẽ trình Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội, để lấy ý kiến góp ý của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Bạn đọc có thể theo dõi toàn văn và góp ý trực tiếp trên Báo An ninh Thủ đô điện tử tại địa chỉ www.anninhthudo.vn.
Lấy ý kiến người dân vào dự thảo báo cáo chính trị ảnh 1Cầu Nhật Tân, một trong những công trình hiện đại của Thủ đô


Đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV Đảng bộ thành phố Hà Nội, dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XV nêu rõ: “Vượt qua khó khăn, thách thức, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển và đạt mức tăng trưởng khá”. Theo đó, Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn về phát triển kinh tế của Trung ương trong giai đoạn vừa qua, nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế; nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. 5 năm qua, kinh tế Thủ đô tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân 5 năm 2011-2015 ước tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước.

Quy mô GRDP năm 2015 theo giá hiện hành ước đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân thu nhập đầu người khoảng 3.600 USD, tăng gấp 1,8 lần so với năm 2010. Các ngành kinh tế được phục hồi và tiếp tục tăng trưởng, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Ngành dịch vụ tiếp tục có mức tăng trưởng cao, bình quân 5 năm ước tăng 9,97%; kim ngạch xuất khẩu tăng 8,1%; nhập khẩu tăng 3,7%. Các ngành dịch vụ chất lượng cao, trình độ cao có mức tăng trưởng cao hơn so với toàn ngành. Du lịch phát triển mạnh, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung. Ngành công nghiệp - xây dựng được phục hồi, tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, bình quân 5 năm ước tăng 9%. Ngành nông nghiệp đạt kết quả tích cực, bình quân ước tăng 2,4%/năm, cao hơn so với chỉ tiêu đặt ra, giá trị sản xuất ước đạt 231 triệu đồng/ha đất canh tác, tăng 1,24 lần so với năm 2010.

Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN của Thủ đô tiếp tục được hoàn thiện. Việc hợp tác, liên kết phát triển kinh tế Vùng được quan tâm, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy thế mạnh ở từng địa phương và trong toàn vùng. Thành phố huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung cho đầu tư phát triển. Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn 5 năm đạt trên 1 triệu 400 nghìn tỷ đồng, đạt kế hoạch và tăng gấp gần 2 lần giai đoạn 2006-2010. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt và vượt dự toán: 5 năm 2011-2015, tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 714,5 nghìn tỷ đồng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 7,1%/năm.

Quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị được chú trọng và có chuyển biến tiến bộ rõ rệt. Thành phố đã tập trung hoàn thành và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồng bộ Chiến lược, Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Hoàn thành các quy hoạch ngành, lĩnh vực, cơ bản hoàn thành các quy hoạch phân khu, quy hoạch chung các huyện, thị xã, thị trấn, đô thị vệ tinh. 

Thành phố cũng đã tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương đẩy mạnh đầu tư phát triển đồng bộ và từng bước hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội...

Bên cạnh đó, thành phố đã chú trọng đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải: các tuyến cao tốc, quốc lộ hướng tâm; các tuyến đường, các trục chính đô thị và các tuyến giao thông quan trọng trên địa bàn Thủ đô; phát triển nhiều công trình lớn, hiện đại, như: Nhà ga quốc tế T2 Nội Bài; đường vành đai 3, đường Nhật Tân - Nội Bài, đường 5 kéo dài; cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Tuy, cầu Vĩnh Thịnh, cầu Đông Trù... Chất lượng dịch vụ đô thị tiếp tục được nâng cao. Việc quản lý và điều chỉnh phân bố dân cư trên địa bàn được tăng cường; Xây dựng nhiều khu đô thị mới hiện đại, khu nhà ở, gắn với điều chỉnh phân bố dân cư. Công tác quản lý đô thị, chấn chỉnh trật tự, kỷ cương xây dựng, bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, văn minh đô thị được tăng cường, nhất là sau hơn hai năm thực hiện “Năm trật tự và văn minh đô thị”.

Nếp sống văn minh đô thị, trật tự, an toàn xã hội có chuyển biến tốt hơn. Việc quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên và quản lý đất đai được chú trọng. Thành phố đã thực hiện đồng bộ, quyết liệt công tác bảo vệ môi trường, khắc phục dần tình trạng ô nhiễm, bảo đảm vệ sinh môi trường...