Lấy tài sản của công ty đưa vợ bán

ANTĐ - Nhận thấy phần mềm tin học do mình viết ra đã đến ngày “hốt bạc”, Quách Công Sơn nhanh chóng “rút êm” khỏi công ty. Sau đó, một mặt anh ta tận dụng sản phẩm của cơ quan cũ để kinh doanh, một mặt trắng trợn trục lợi bất chính.

Quách Công Sơn lĩnh án 2 năm tù giam vì chiếm đoạt tài sản của công ty cũ

Trước tòa, Quách Công Sơn (SN 1986, quê tỉnh Đắk Lắk, trú ở tập thể Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội) bị VKSND TP Hà Nội cáo buộc đã phạm vào tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt tài sản”, quy định tại khoản 2, Điều 226b-BLHS. Dính líu đến tội trạng của Sơn còn có Nguyễn Thị Thu Trang (vợ Sơn, trú cùng địa chỉ) và cậu em vợ tên Nguyễn Văn Tuấn, trú ở quận Hà Đông. Tuy nhiên, sau khi phạm tội cả hai người thân của Sơn đều đã khắc phục hết hậu quả, nhân thân tốt nên được pháp luật miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có”.

Khớp với tài liệu truy tố, Quách Công Sơn khai nhận năm 2008, được Công ty TNHH Hãy trực tuyến (gọi tắt là Công ty Hãy trực tuyến) nhận vào làm việc. Do có trình độ cao về tin học nên Sơn nhanh chóng được giám đốc doanh nghiệp giao quản lý trang website www.tienganh123.com, đồng thời được tham gia phát triển phần mềm BMPro (phần mềm học tiếng Anh trực tuyến) cùng với vị đại diện doanh nghiệp. Cụ thể, Sơn trực tiếp viết phần mềm mã nguồn (code) theo ý tưởng của giám đốc và viết mã thẻ học tiếng Anh trực tuyến để bán cho khách hàng. Sau đúng 1 năm, chương trình học tiếng Anh trực tuyến của công ty Hãy trực tuyến được hoàn thiện và đưa vào khai thác rộng rãi. 

Nhận thấy sản phẩm của công ty đã đến ngày “hốt bạc”, Sơn liền nảy sinh ý định trộm cắp các mã thẻ học tiếng Anh của cơ quan đem bán. Vì thế mà Sơn lập tức dùng cơ sở dữ liệu của website www.tienganh123.com khai thác mã thẻ còn lưu trong hộp thư điện tử của mình. Trước khi bỏ việc, lập trình viên tin học này đã tạm lọc ra được 250 mã thẻ mà Công ty Hãy trực tuyến chưa kịp cung cấp cho khách hàng. Vậy nhưng vào thời điểm ấy, Sơn chưa đánh cắp ngay mã thẻ mà vẫn để lại trong hộp thư điện tử. Tháng 1-2012, cậu ta chính thức tuyên bố nghỉ làm ở công ty, sau khi đã “thó” được bộ code của website www.tienganh123.com và sao chụp lại toàn bộ cơ sở dữ liệu liên quan. Rời khỏi doanh nghiệp, trong hộp thư điện tử của Sơn vẫn còn khoảng 80.000 mã thẻ học tiếng Anh.

Lấy cắp được bộ code của Công ty Hãy trực tuyến, Sơn cải tiến, phát triển thành bộ mã nguồn mới và thiết kế ngay trang mạng hocnhe.vn. Tiếp đến, Sơn thành lập Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ trải nghiệm với ngành nghề kinh doanh chính cũng là đào tạo tiếng Anh trực tuyến thông qua mạng Internet cùng hình thức bán thẻ cào như website www.tienganh123.com . Cũng trong khoảng thời gian này, vị giám đốc công ty cũ của Sơn vẫn tiếp tục “sản xuất” ra các thẻ cào học tiếng Anh trực tuyến mới với số lượng phát triển lên đến hàng trăm nghìn mã thẻ. Do còn lưu giữ mật khẩu để vào phần mềm của Công ty Hãy trực tuyến nên Sơn tiếp tục truy cập trái phép vào cơ sở dữ liệu của công ty này để trộm cắp mã thẻ học tiếng Anh. Tổng cộng, cựu nhân viên lập trình Công ty Hãy trực tuyến đã chiếm đoạt 185.100 mã thẻ học tiếng Anh trực tuyến của công ty cũ. Sau đó, Sơn lọc ra được khoảng 1.000 mã thẻ cào chưa bán. Toàn bộ số mã thẻ này, Sơn giao cho vợ và em vợ tiêu thụ. Trong số ấy, hai người thân thích của Sơn đã bán được 320 mã thẻ cào, thu lời bất chính 48 triệu đồng.

Tại tòa, Sơn tiếp tục khai nhận vì hoạt động bất hợp pháp nên trang mạng hocnhe.vn của anh ta nhanh chóng bị cơ quan chức năng buộc phải ngừng hoạt động và còn bị xử phạt 20 triệu đồng. Tiếc rẻ bộ code đã trộm cắp của Công ty Hãy trực tuyến, Sơn vào mạng Internet rao bán với giá 150 triệu đồng. Ngày 18-9-2012, khi Sơn cùng vợ và em vợ tiến hành mua bán tang vật trộm cắp tại một quán cà phê trên phố Hoa Lư với một người ở Bắc Giang thì bị lực lượng công an phát hiện bắt quả tang. 

Theo quy kết của VKS, gộp cả hai hành vi trộm mã thẻ cào học tiếng Anh đem bán và lấy cắp phần mềm mã nguồn của Công ty Hãy trực tuyến, Quách Công Sơn đã sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số chiếm đoạt 198 triệu đồng. Ngày 12-7 vừa qua, nhận thấy cáo trạng truy tố là hoàn toàn có căn cứ và lời khai của bị cáo phù hợp với các chứng cứ, tài liệu liên quan, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Quách Công Sơn 2 năm tù giam, theo đúng tội danh bị cáo buộc.