Lấy phiếu tín nhiệm theo 3 hay 2 mức, chờ UBTVQH quyết

ANTĐ - Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sẽ rút kinh nghiệm sau lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên. Việc vẫn giữ nguyên 3 mức: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp hay rút gọn chỉ còn 2 mức: tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp ở những lần lấy phiếu tín nhiệm tiếp theo sẽ do UBTVQH xem xét, quyết định.

Quang cảnh buổi họp báo

Chiều nay (21-6), ngay sau khi kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIII bế mạc, VPQH đã tổ chức họp báo cuối kỳ.

Tại buổi họp báo này, nhiều câu hỏi của phóng viên tập trung vào phiên lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.

Trả lời câu hỏi “Ông có bình luận gì về kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa qua, trong khi các lãnh đạo khối lập pháp có kết quả cao thì lãnh đạo khối hành pháp lại có kết quả thấp thấp?”, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng: Ở lần đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, kết quả trên đã phản ánh đúng thực trạng kinh tế- xã hội của đất nước, trong đó ngành ngân hàng, y tế và giáo dục còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần tập trung khắc phục, đẩy mạnh đi lên. Chuyện này là hết sức bình thường.

Về vai trò cá nhân, ông Phúc nói: “Bản thân tôi đứng 2 vai (cả bỏ phiếu và được lấy phiếu tín nhiệm- P.V), bên cạnh những phiếu cao và tín nhiệm thì tôi thấy mình vẫn còn có những hạn chế, cần phải phấn đấu hơn nữa, làm sao để công việc của VPQH trôi chảy, phục vụ các vị ĐBQH tốt hơn nữa”.

Có ý kiến cho rằng, một số ĐBQH chưa thỏa mãn với 3 mức đánh giá: tín nhiệm cao, tín nhiệm và tín nhiệm thấp và cần có sự thay đổi; vị Chủ nhiệm VPQH nói: Trong bài phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã có ý kiến, đây là lần đầu tiên tổ chức nên còn phải rút kinh nghiệm, việc để 3 mức đánh giá như trên hay rút gọn còn 2 mức tín nhiệm cao và tín nhiệm thấp thì phải chờ UBTVQH xem xét, quyết định.

Về dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) chưa được thông qua tại kỳ họp này, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây là luật rất quan trọng. Đã có khoảng 6 triệu ý kiến của nhân dân đóng góp vào dự luật. Trong quá trình thảo luận tại hội trường còn khá nhiều ý kiến ĐBQH khác nhau về dự luật (thậm chí còn khoảng hơn 10 ĐBQH không đủ thời gian phát biểu, phải gửi câu hỏi cho ban soạn thảo bằng văn bản); hơn nữa các văn bản hướng dẫn, nghị định dưới luật cũng chưa đầy đủ nên phải lùi lại, xem xét và thông qua vào kỳ họp sau.