Lấy lại sân chơi khu tập thể bị "xẻ thịt" - Khó nhưng không phải không làm được

ANTD.VN - Không phải là hết cách để giành lại sân chơi cho trẻ nhỏ. Tất cả trông chờ vào sự kiên quyết của chính quyền địa phương, cán bộ chủ chốt và của chính những người dân có quyền lợi bị xâm phạm.

Sân chơi E7 Bách Khoa sau ngày giải tỏa lấn chiếm trở nên khang trang, sạch sẽ

Mới đây, xuất hiện một số điểm sáng trong công tác giải phóng, thu hồi mặt bằng trả lại sân chơi khu tập thể tại phường Bách Khoa, phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng để lại tiếng thơm trong lòng người dân đối với tinh thần quyết liệt của chính quyền.

Niềm vui quay trở lại

Ông Phương Anh, tổ trưởng dân phố 4B phường Bách Khoa vui vẻ chia sẻ: “Bây giờ sân E7 của dân chúng tôi sạch sẽ, đẹp đẽ rồi, không khí trong lành lắm. Cả khoảng sân rộng lát gạch đỏ như được tiếp thêm sức sống mới. Bây giờ chúng tôi không phải đi xa để tập thể dục nữa. Các cháu nhỏ chạy thoải mái khắp sân không sợ các phương tiện gây tai nạn nữa”.

Ông Phương Anh kể lại: Từ năm 2005, một cá nhân ở quận Ba Đình, Hà Nội chẳng hiểu vì sao lại được Phòng Kế hoạch - Kinh tế quận Hai Bà Trưng ký cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ trông xe. Với tấm “giấy vạn năng ấy”, ông này biến sân chơi gần 1.000m2 thành khoảng sân chất đầy xe máy và lổn nhổn các hạng mục khác, thậm chí ngang nhiên lập lều lán và xây một nhà vệ sinh để phục vụ mục đích cá nhân.

Rõ ràng nếu có sự quyết tâm thì việc lấy lại sân chơi cho trẻ không phải là không làm được. UBND các quận nơi có sân tập thể cũ bị chiếm dụng cần tổ chức họp rút kinh nghiệm, nêu gương các điểm đã giải tỏa thành công, nhân rộng các mô hình mẫu. Và cần có các giải pháp đồng bộ như xây dựng rào chắn, lắp đặt các trang thiết bị vui chơi, thể dục và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm để đạt hiệu quả mong muốn.

Đầu tháng 4-2017, UBND phường Bách Khoa, phối hợp với nhân dân tổ dân phố đồng lòng đề nghị UBND quận Hai Bà Trưng rút giấy phép của bãi trông xe và cương quyết cưỡng chế, đồng thời, cải tạo, nâng cấp, xây dựng thành sân tập thể dục, khu vui chơi giải trí như ngày hôm nay.

Cũng trên địa bàn phường Bách Khoa, việc lấy lại sân chơi K12 cũng được coi là “kỳ tích”. Bà Vũ Thị Quy, một người dân sống tại khu K12 cho biết: Tổ dân phố kiến nghị lên phường. Mặt trận, đoàn thể họp có ý kiến. Hội đồng nhân dân phường ra nghị quyết. Tổ dân phố họp dân thống nhất nội quy sử dụng sân được chủ tịch phường ký thông qua.

Tổ chức các ban ngành ra quân vận động và cưỡng chế các hộ lấn chiếm. “Quy trình thì như thế nhưng mất đến vài năm và phải giành giật từng tấc đất, từng không gian, nhưng có được kết quả như hôm nay thì cũng xứng đáng”, bà Quy phấn khởi.

Còn tại phường Vĩnh Tuy, bà Lê Bích Hà ở nhà 23 A2 khu tập thể Rau quả hồ hởi cho hay: “Dân tập thể chúng tôi rất vui. Được chính quyền phường Vĩnh Tuy đầu tư kinh phí và thu hồi một phần diện tích đất lấn chiếm, dân chúng tôi sắp có lối đi khang trang, trẻ con cũng có chỗ nô đùa rồi”. Khu tập thể Rau quả ngõ 433 Kim Ngưu thuộc địa bàn phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng gồm 2 dãy nhà A1, A2 và một sân chơi rộng rãi nằm giữa.

Năm 1989, Tổng công ty Rau quả khi ấy thuộc Bộ Thương mại, lấy quỹ đất của công ty xây dựng khu tập thể này, bán ưu đãi cho cán bộ. Ngay từ thời điểm đưa vào sử dụng, các hộ dân nhà A1 đã lấn chiếm phần lớn diện tích sân chung, xây tường bao, tôn nền, quây lưới sắt, quây bạt... coi như phần đất riêng, làm lối đi chung chỉ còn lại 2,4m. 

Con đường hẹp này tồn tại hơn 30 năm gây nên bao nỗi bất tiện cho dân cư, trẻ em mất chỗ chơi, phương tiện đi lại chật cứng, quay đầu xe máy rất khó khăn nhất là với người già. Có thời điểm một vài cá nhân đưa ý kiến giải quyết lấy lại sân chung nhưng do thiếu quyết liệt của UBND phường Vĩnh Tuy và sự chống đối của một số hộ A1 làm mọi việc không thành. Và rồi nghi kỵ, mâu thuẫn trong dân cứ âm ỉ. 

Đầu tháng 6 vừa qua, UBND phường Vĩnh Tuy quyết định thu hồi 1,1m đất lấn chiếm mở rộng con đường lên 3,5m. Tuy chưa thu hồi được hết diện tích đất lấn chiếm nhưng việc làm này của UBND phường Vĩnh Tuy được sự đồng tình của người dân. Điều quan trọng hơn mà những người đứng đầu đem lại chính là niềm vui sướng của trẻ nhỏ. Chúng sẽ được vui chơi trên những khoảng sân rộng mà cha mẹ chúng gần hết đời người mới được hưởng. 

Đơn vị thi công đang mở rộng sân A1, A2 khu tập thể Rau quả phường Vĩnh Tuy

Xây dựng mô hình để nhân rộng 

Ông Phạm Quốc Hạnh, tổ trưởng tổ dân phố 38, phường Thành Công trao đổi: Khu tập thể Thành Công được xây dựng từ năm 1985, đến nay hầu hết phần sân sinh hoạt chung các toà nhà đều bị chiếm và sử dụng sai mục đích thiết kế. Mới đây, sân K2 làm công tác giải tỏa thành công. Các cụ già có nhà văn hoá để hội họp, đọc báo, chơi cờ... Trẻ em có khoảng sân rộng thoải mái nô đùa, chơi cầu trượt, đu quay. 

Những ngày đầu tiên ra quân, tổ vận động xác định: Lấy lại sân chơi nhưng nhu cầu trông giữ xe máy của người dân là có thật. Phải để lại một phần sân thực hiện dịch vụ này, thuê người trông giữ. Ban đầu, nhiều hộ cũng phản ứng vì trước cứ để xe ở sân không mất tiền, nay mất 100.000 nghìn đồng/1 tháng, nhưng rồi nhận thấy lợi ích nhiều hơn nên đồng tình. Khoảng dành cho sân chơi đóng cửa khẩu không cho xe vào. Tổ dân phố vận động dân cư, các đoàn thể, mặt trận phường đóng góp kinh phí mua đồ chơi cho các cháu. 

Sân K2 tập thể Thành Công  được xây dựng làm hình mẫu cho giải tỏa sân 

Giành lại sân chơi K2 là thắng lợi gian nan, phải họp hành nhiều lần, nhiều cấp, nhiều ban ngành, đòi hỏi phải hết sức kiên trì. Tới đây, tổ dân phố tiếp tục ban hành quy chế sử dụng sân và xây dựng nơi đây thành mô hình mẫu để nhân rộng cách làm này ra toàn phường. Bước đầu, UBND phường Thành Công cho triển khai tại sân A1, A2 và B5, B6, trong đó B5, B6 làm rất quyết liệt. Ban chỉ đạo 197 phường phối hợp với cán bộ cơ sở ra quân vận động, cưỡng chế tháo gỡ, xử phạt hành chính, quyết tâm lấy lại mặt bằng sân trả lại cho trẻ nhỏ.

Rõ ràng nếu có sự quyết tâm thì việc lấy lại sân chơi cho trẻ không phải là không làm được. UBND các quận nơi có sân tập thể cũ bị chiếm dụng cần tổ chức họp rút kinh nghiệm, nêu gương các điểm đã giải tỏa thành công, nhân rộng các mô hình mẫu. Và cần có các giải pháp đồng bộ như xây dựng rào chắn, lắp đặt các trang thiết bị vui chơi, thể dục và kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm để đạt hiệu quả mong muốn.