Lấy điện thoại của người gây tai nạn, phạm tội cướp hay cưỡng đoạt tài sản?

ANTD.VN - Anh Nguyễn Đình V. điều khiển xe ô tô tải lưu thông trên đường thì xảy ra va chạm giao thông với xe máy đi ngược chiều, hậu quả nghiêm trọng dẫn đến người điều khiển xe máy tử vong. Sau khi gây tai nạn, lái xe đã rời khỏi hiện trường, chỉ còn lại phụ xe là anh Nguyễn Văn T. Thấy vụ tai nạn xảy ra, Đinh Quốc N. từ trong quán nước bên đường đi ra chỗ hiện trường xem. Do nạn nhân là người dân địa phương nên một số người dân bức xúc tìm lái xe. Do không gặp lái xe nên những người này đã nói với phụ xe: “Điện thoại cho lái xe đến hiện trường giải quyết vụ việc”. Anh T. đáp: “Lái xe đã lên cơ quan công an trình báo, điện thoại của lái xe tôi đang giữ”. Nhóm người này đã lao vào đánh anh T. nhưng được can ngăn nên đã bỏ đi. Lúc này Đinh Quốc N. đến gặp anh T. và hỏi: “Điện thoại của lái xe để đâu?”. Do sợ bị đánh nên anh T. đã lấy điện thoại của lái xe ra, vừa cầm trên tay thì bị N. giằng lấy rồi rời khỏi hiện trường vụ tai nạn giao thông. Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này hành vi của Đinh Quốc N.  phạm tội gì?

Lấy điện thoại của người gây tai nạn, phạm tội cướp hay cưỡng đoạt tài sản? ảnh 1Ảnh minh họa

Ý kiến bạn đọc

Phạm tội cưỡng đoạt tài sản

Theo quy định của pháp luật, dấu hiệu đặc trưng của tội cưỡng đoạt tài sản là đe dọa dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn uy hiếp tinh thần. Trong vụ việc này, khi biết anh Nguyễn Văn T. có liên quan vụ tai nạn giao thông khiến một người tử vong và lâm vào tình trạng không thể chống cự do lo sợ bị đánh tiếp nên Đinh Quốc N. đã uy hiếp tinh thần của anh T. buộc phải giao tài sản. Tội phạm hoàn thành từ khi N. chiếm đoạt được chiếc điện thoại di động. Như vậy hành vi của Đinh Quốc N. đã cấu thành tội cưỡng đoạt tài sản theo quy định tại Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Nguyễn Ánh Tuyết (Ngô Quyền - Hải Phòng)

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Hành vi của Đinh Quốc N. đã đủ yếu tố cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 172, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi N. đã lợi dụng hoàn cảnh khách quan (do tai nạn giao thông) của người quản lý tài sản để chiếm đoạt tài sản. Anh T. bị lâm vào tình trạng không thể quản lý được tài sản do sợ bị đánh vì có liên quan đến vụ việc tai nạn giao thông khiến một người tử vong trước đó. Như vậy, hành vi chiếm đoạt tài sản của Đinh Quốc N. đã đáp ứng dấu hiệu đặc trưng của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

Nguyễn Thị Mùi (Hưng Hà - Thái Bình)

Tội cướp giật tài sản

Trong vụ việc này, Đinh Quốc N. đã lợi dụng lúc anh Nguyễn Văn T. vừa bị đánh xong thì giả vờ đến gặp anh T. hỏi điện thoại của lái xe. Khi anh T. vừa đưa ra thì N. đã lấy chiếc điện thoại ngay trên trên tay của anh T. rồi rời khỏi hiện trường. Việc N. lấy chiếc điện thoại ngay trên tay của T. lúc anh T. còn quản lý được tài sản là đặc trưng của tội cướp giật. Tội phạm đã hoàn thành từ lúc N. lấy được tài sản. Vì vậy, Đinh Quốc N. đã phạm tội cướp giật tài sản theo quy định tại Điều 171, Bộ luật Hình sự năm 2015. 

Hoàng Văn Thái (Hoa Lư - Ninh Bình)

Phạm tội cướp tài sản

Đinh Quốc N. đã nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của anh Nguyễn Văn T. từ lúc N. nghe anh T. nói đang quản lý điện thoại của lái xe. Vì vậy khi thấy anh T. vừa bị đánh, N. đã lợi dụng việc này để chiếm đoạt tài sản. N. biết được rằng ý thức chủ quan của anh T. khi vừa bị đánh xong sẽ nghĩ N. là đồng bọn của những người đã đánh mình trước đó nên khi N. đã có yêu cầu lấy điện thoại, anh T. đã buộc phải giao tài sản vì không muốn bị N. đánh tiếp. Như vậy, hành vi của Đinh Quốc N. đã đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản quy định tại Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Vũ Đình Tùng (Cẩm Giàng - Hải Dương)

Bình luận của luật sư

Đối chiếu với nội dung vụ việc, theo chúng tôi, Đinh Quốc N. không phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 172, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi mặt khách quan của tội công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công nhiên trong khi chủ tài sản đang ở hoàn cảnh không có khả năng ngăn cản, bảo vệ được tài sản của mình. Người phạm tội không cần và không có ý thức dùng bất cứ thủ đoạn nào đối phó với người có trách nhiệm về tài sản; không cần dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần chủ tài sản và cũng không cần chạy trốn, nhanh chóng để tẩu thoát. Trong vụ việc này để chiếm đoạt được tài sản thì Đinh Quốc N. đã đến hỏi anh Nguyễn Văn T.: “Điện thoại của lái xe để đâu?”. Do lo sợ nên anh T. mới đưa điện thoại ra và N. đã lấy điện thoại trên tay của anh T. Hành vi này không cấu thành tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, do đó Đinh Quốc N. không phạm tội này. 

Đối với quan điểm cho rằng hành vi của Đinh Quốc N. phạm tội cướp giật tài sản theo quy định tại Điều 171, Bộ luật Hình sự năm 2015, theo chúng tôi, hành vi của N. cũng không phạm tội này bởi lẽ, về mặt khách quan tội cướp giật tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, nhanh chóng. Trong đó, chiếm đoạt tài sản là hành vi chiếm hữu (nắm giữ, quản lý) trái phép tài sản của người khác để tạo cho mình khả năng định đoạt tài sản đó. Công khai, nhanh chóng là việc kẻ phạm tội thực hiện hành vi trước mặt mọi người mà không có tính chất lén lút; nhanh chóng tiếp cận, chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát. Người quản lý tài sản hoàn toàn bị bất ngờ trước sự nhanh chóng chiếm đoạt và tẩu thoát của kẻ phạm tội. Đối chiếu với hành vi của Đinh Quốc N., khi thấy anh Nguyễn Văn T. bị đánh thì N. đến hỏi anh T.: “Điện thoại của lái xe để đâu?”. Do sợ bị đánh và nghĩ N. là đồng bọn của nhóm người đã đánh mình trước đó, nên anh T. lấy điện thoại của lái xe ra, vừa cầm trên tay thì bị N. lấy. Sau đó N. rời khỏi hiện trường, nghĩa là N. không có hành vi nhanh chóng chiếm đoạt chiếc điện thoại di động và cũng không bỏ chạy, không có dấu hiệu của việc nhanh chóng tẩu thoát. Như vậy hành vi của Đinh Quốc N. chưa đáp ứng đủ dấu hiệu đặc trưng của tội cướp giật tài sản nên không cấu thành tội cướp giật tài sản quy định tại Điều 171, Bộ luật Hình sự.

Căn cứ vào nội dung, tình tiết trong vụ việc, theo chúng tôi, cần phân biệt hành vi của Đinh Quốc N. giữa 2 tội cưỡng đoạt tài sản theo Điều 170, Bộ luật Hình sự năm 2015 và tội cướp tài sản theo Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015. Bởi giữa 2 tội này đều có đặc điểm chung là đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản. Trước hết phải xác định các dấu hiệu cơ bản giữa 2 tội này, trên cơ sở đó, đối chiếu với hành vi cụ thể của các bị cáo để xem hành vi đó cấu thành tội phạm cướp tài sản hay cưỡng đoạt tài sản. Theo Điều 168 Bộ luật Hình sự thì người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội cướp tài sản. Còn theo Điều 170, Bộ luật Hình sự thì người nào đe dọa sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản là hành vi phạm tội cưỡng đoạt tài sản. Như vậy, giữa tội cướp tài sản và tội cưỡng đoạt tài sản, người phạm tội đều có hành vi khách quan là đe dọa sẽ dùng vũ lực nhưng đối với tội cướp tài sản thì hành vi đe dọa dùng vũ lực có tính chất quyết liệt hơn, nếu nạn nhân không đưa tài sản thì lập tức bị dùng vũ lực ngay. Trong khi đó đối với tội cưỡng đoạt tài sản, nếu không đưa tài sản thì không dùng ngay vũ lực, chỉ dọa chứ không có ý định dùng vũ lực. Về mặt ý chí của nạn nhân, trong tội cướp tài sản, nạn nhân bị tê liệt về mặt ý chí do hành vi của người phạm tội gây ra, rơi vào tình trạng không thể chống cự được. Còn trong cưỡng đoạt tài sản, hành vi “sẽ dùng vũ lực” không diễn ra “ngay tức khắc” nên không làm cho nạn nhân bị tê liệt về mặt ý chí mà nạn nhân vẫn có thể chống cự được. Và nạn nhân vẫn còn khả năng, điều kiện để suy nghĩ, cân nhắc, chọn lựa, quyết định hành động trong một giới hạn nhất định.

Quay trở lại nội dung vụ việc có thể thấy khi Đinh Quốc N. do nghe được anh Nguyễn Văn T. nói đang giữ điện thoại của lái xe thì nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại. Để thực hiện được mục đích này, N. đã có hành vi đe dọa dùng vũ lực với anh T. bằng cách đến hỏi anh T.: “Điện thoại của lái xe để đâu?” ngay sau khi anh N. bị đánh. Mục đích của N. là lợi dụng việc anh T. vừa mới bị đánh xong nghĩ N. là đồng bọn của những người đã đánh mình trước đó nên buộc anh T. phải giao tài sản với suy nghĩ rằng nếu không giao tài sản thì sẽ bị đánh tiếp. Xét về mặt chủ quan thì hành vi của N. là nhằm mục đích đe dọa sẽ ngay lập tức dùng vũ lực với anh T. Bởi vì hành vi đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc có nghĩa là để buộc người bị tấn công phải sợ và tin rằng nếu không để cho lấy tài sản thì tính mạng và sức khỏe sẽ bị nguy hại. Điều này thường được kết hợp giữa hành vi dùng vũ lực với những thái độ, cử chỉ, lời nói hung bạo, để tạo cảm giác cho người bị tấn công sợ và tin rằng người phạm tội sẽ dùng bạo lực nếu không làm theo yêu cầu của chúng hoặc chống cự. Đinh Quốc N. thấy anh T. bị đánh xong thì đã có cử chỉ lời nói để tạo cảm giác cho anh T. sợ, lâm vào tình trạng không thể chống cự và tin rằng nếu không giao tài sản thì sẽ bị N. đánh tiếp. Như vậy, hành vi của Đinh Quốc N. đã đủ cơ sở để cấu thành tội cướp tài sản theo quy định tại Điều 168, Bộ luật Hình sự năm 2015.

Luật sư Phạm Thái Sơn (Văn phòng Luật Sơn Phạm)