Lấy đà vượt qua

ANTĐ - Từ năm 2008 đến nay, lạm phát luôn là ngưỡng rất cao, vì thế kiềm chế lạm phát không phải là việc dễ dàng, Chính phủ không chủ quan.

Trong khi đó, duy trì được tốc độ tăng trưởng ít nhất như năm 2011 hoặc hơn thế mới là mục tiêu khó khăn. Song đó cũng không phải là nhiệm vụ bất khả thi. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ khẳng định như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ đầu xuân đánh giá tình hình kinh tế xã hội tháng 1-2012. Mặc dù, hầu hết các ngành kinh tế đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 chỉ tăng 1% là tín hiệu đáng mừng để tin chắc rằng, việc kiềm chế lạm phát cả năm sẽ đạt được mục tiêu đề ra.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, CPI trong tháng đầu năm nay tăng thấp là do “độ ngấm” từ tác động của việc thực hiện các giải pháp kiềm chế trong Nghị quyết 11 của Chính phủ, trong đó có việc giảm mạnh tốc độ tăng trưởng tín dụng, tổng phương tiện thanh toán. So với lượng tiền “bơm” vào dịp Tết Tân Mão thì Tết Nhâm Thìn chưa bằng 1/5. Có ý kiến lo ngại rằng, việc Ngân hàng Nhà nước “bơm” ra gần 71.000 tỷ đồng vào dịp Tết Nguyên đán vừa qua có thể gây ra lạm phát.

Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ khẳng định, theo quy luật chung trong dịp tết nhu cầu thanh khoản tăng cao. Ngân hàng Nhà nước đã “bơm” ra một lượng tiền lớn nhằm giúp các tổ chức tín dụng đảm bảo được khả năng chi trả cho người dân. Tuy nhiên, hoạt động này chủ yếu thông qua nghiệp vụ thị trường mở kỳ ngắn hạn. Do đó, đã tránh được đầu năm có một lượng tiền quá lớn gây khó khăn trong việc xử lý thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Ngay sau tết, tiền đã “chảy” về các ngân hàng, nguồn tiền mặt khá dồi dào và việc hút tiền về trở lại đang được triển khai tốt. Một loạt dấu hiệu khả quan về kinh tế xã hội cũng giúp cho bức tranh toàn cảnh thêm phần sáng sủa. Cho dù thời gian của tháng tết chỉ khoảng 20 ngày, nhưng thu ngân sách vẫn đạt mức tương đương của một tháng, đảm bảo cung ứng dòng tiền.

Tuy đợt nghỉ tết khá dài, nhưng ngay trong và sau tết, các ngành sản xuất quan trọng, nhiều công trình, dự án lớn được hoàn thành. Một con số được coi “kém vui” là tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tháng 1 chỉ đạt 37,3 triệu USD, bằng 2,5% cùng kỳ năm trước; vốn thực hiện giảm 4,8%. Dấu hiệu này không thể hiện tình hình chung bởi ngay trong tháng 1 vừa qua đã có những dự án nhiều trăm triệu USD sẵn sàng ký giấy cấp phép.

Tương tự, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 1-2012 cũng giảm 12,9% so với tháng trước và giảm 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu chỉ nhìn vào kết quả sản xuất công nghiệp của 1 tháng đầu năm thì chưa thể đánh giá xu hướng của cả năm. Chỉ số công nghiệp giảm mạnh không phải là đột biến lớn nếu so với cùng kỳ năm ngoái. Nhìn cụ thể vào từng ngành vẫn cho thấy tốc độ tăng trưởng, thậm chí có ngành còn tăng cao hoặc tăng khá. Đặc biệt là, chỉ số tồn kho của một số ngành sản xuất giảm mạnh, chứng tỏ dấu hiệu phục hồi sức mua thị trường là có cơ sở. Với diễn biến của kinh tế trong tháng 1 và dự cảm cả năm, Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng nên đặt ở mức ít tham vọng nhất, vì tăng trưởng năm 2012 ít có những cơ sở để tăng hơn năm 2011.

Dự báo năm nay, thách thức đối với nền kinh tế nước ta lớn hơn cơ hội, khó khăn nhiều hơn thuận lợi. Quý I đã đi được nửa chặng đường được coi là bước lấy đà rất quan trọng để vượt qua những thách thức khó lường ở phía trước.