Lấy đà để đi lên

ANTĐ - Dù trong bối cảnh nền kinh tế nhiều khó khăn như hiện nay, nhưng trước Quốc hội, Chính phủ không đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu mà cố gắng, nỗ lực thực hiện. 

Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ trên diễn đàn Quốc hội trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội năm 2012. Trong thời điểm mà nền kinh tế đang chật vật nỗ lực để “vượt dốc”, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế nhất trí chưa điều chỉnh các chỉ tiêu, song Chính phủ cần có các phương án chủ động trong điều hành, quyết định chính sách kịp thời, hợp lý.

Trước đó, trong phiên họp của Đoàn thư ký kỳ họp, tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội tại các đoàn địa phương, hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Chính phủ muốn phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP, thì vấn đề là phải làm sao để tháo gỡ “nút thắt” về vốn cho sản xuất kinh doanh. Khi mà lãi suất cho vay giảm chưa thực chất và chỉ một nhóm lợi ích thuộc về hệ thống ngân hàng đang hưởng lợi, trong khi cả nền kinh tế đang rất khó khăn. Năm 2012 mới đi qua gần nửa chặng đường, vẫn còn nhiều việc phải làm, không ít khó khăn phải vượt qua. Chủ tịch Quốc hội bày tỏ lo ngại rằng, nếu để tăng trưởng GDP chỉ đạt ở mức thấp sẽ là “rất nguy hiểm”, vì cả năm khó đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6-6,5%.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế, những chính sách của Chính phủ thực thi từ đầu năm đến nay đã bắt đầu “thấm ngấm” và nền kinh tế đang có dấu hiệu “sáng dần”. Theo con số thống kê, từ đầu năm đến hết tháng 5, số lượng doanh nghiệp mới thành lập trừ đi số doanh nghiệp bị phá sản hoặc ngừng hoạt động, thì cả nước đã có thêm gần 10.000 doanh nghiệp mới. Đây rõ ràng là một “điểm sáng” chứng tỏ môi trường kinh tế vĩ mô đang dần đi vào hồi phục.

Phân tích về độ ngấm của chính sách, một số chuyên gia dẫn chứng, các chỉ số phát triển công nghiệp bắt đầu tăng trở lại. Nếu quý I tăng trưởng tín dụng là âm thì trong tháng 4 và 5 mức âm đang nhỏ dần, hy vọng hết tháng 6 sẽ chuyển sang mức âm. Các tổ chức quốc tế, các nhà tư vấn tài trợ Việt Nam khuyến cáo nên hạ lãi suất từ từ để tránh “sốc thuốc”. Nếu giảm nhanh quá thị trường sẽ không hấp thụ kịp, tất yếu gây ra những phản ứng ngược. Thực tế, với tốc độ phát triển của hai ngành sản xuất và thương mại dịch vụ trong nhiều năm qua vào khoảng 14-16%/năm, thì mức lãi suất ngân hàng phải trả từ 10-12%/năm, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế khẳng định, khi lãi suất cho vay của ngân hàng thương mại cổ phần ở mức bình quân 12%/năm thì sẽ ổn định. Còn ở khoảng 10-12% sẽ hài hòa được giữa tốc độ phát triển, giữa lợi nhuận của người đầu tư vốn với người dân đang có tiền nhàn rỗi. Quan trọng hơn, các doanh nghiệp vay vốn để đầu tư sản xuất, tạo việc làm cho xã hội, tạo động lực cho tăng trưởng, vừa đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng.

Nếu không tiếp tục hạ lãi suất thì cộng đồng doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn. Nền kinh tế chưa thể tăng tốc ngay, muốn tăng tốc phải có đà. Hạ lãi suất và tạo sức sống cho doanh nghiệp chính là giai đoạn lấy đà để “cỗ xe” kinh tế đi lên.