Lầu Năm Góc: Mỹ, NATO không muốn gia tăng căng thẳng với Nga

ANTĐ -  Washington và NATO không muốn đối đầu với Nga, nhưng sẽ không phá vỡ các nguyên tắc quốc tế cần thiết cho an ninh của châu Âu và Mỹ, người đại diện của Lầu Năm Góc, Trung tá Vanessa Hillman phát biểu với hãng thông tấn Sputnik.

“Mỹ đang xem xét bản cập nhật học thuyết quân sự của Nga. Cả Mỹ và NATO đều không phải là một mối đe doạ với Nga và trong hơn 2 thập kỉ qua, NATO đã cố gắng xây dựng quan hệ đối tác với Nga. Mỹ và đồng minh NATO không hề muốn đối đầu với Nga”, bà Hillman phát biểu vào hôm 30-12.

Người đại diện Lầu Năm Góc lưu ý rằng những hành động của Nga tại Ukraine đã thách thức chiến lược hoà bình của Mỹ ở châu Âu và nhấn mạnh tới sự quan trọng của việc thực hiện nghiêm túc thoả thuận Minsk.

“Nga có bổn phận chấp hành luật pháp và quy định quốc tế. Chúng tôi sẽ không thoả hiệp về các quy định căn bản mà Mỹ và NATO luôn dựa theo để bảo vệ an ninh quốc gia”, ông Hillman cho hay.

Lầu Năm Góc: Mỹ, NATO không muốn gia tăng căng thẳng với Nga ảnh 1Lầu Năm Góc tuyên bố không muốn đối đầu với Nga 

Phương Tây và Kiev luôn cáo buộc Nga hỗ trợ cho lực lượng li khai và trực tiếp can thiệp quân sự vào miền đông Ukraine, tuy nhiên, Moscow luôn phủ nhận cáo buộc này.

Học thuyết quân sự mới của Nga đã được Tổng thống Putin thông qua vào hôm 26-12, trong đó coi sự sự mở rộng của NATO đến gần biên giới Nga và chính sách toàn cầu của Mỹ là mối đe doạ chính.

Ngoài ra, lần đầu tiên, học thuyết này đề cập đến sự bảo vệ quyền lợi của Nga ở Bắc Cực. Về vấn đề này, bà Hillman đã lưu ý rằng Mỹ cũng có quyền lợi rõ ràng trong việc bảo vệ sự bình ổn và an ninh, hợp tác tại Bắc Cực, điều cũng được nêu trong Chiến lược Quốc gia Mỹ ở vùng Bắc Cực.

Theo học thuyết mới, Moscow sẽ có quyền sử dụng vũ khí hạt nhân nhằm đáp trả lại các cuộc tấn công hạt nhân hoặc bất kì loại vũ khí nào khác có sức huỷ diệt hàng loạt chống lại Nga và đồng minh, cũng như trong trường hợp vũ khí thông thường nhưng có sự đe doạ tới sự tồn tại của nước Nga.

Bên cạnh đó, học thuyết của Nga cũng coi những hành động nhằm làm bất ổn tình hình đất nước, hoạt động khủng bố và tuyên truyền phản động là các mối đe doạ từ bên trong.