Lầu Năm Góc kêu gọi Iraq ngăn chặn các cuộc tấn công vào căn cứ quân sự Mỹ

ANTD.VN - Ngày 16-12, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã kêu gọi chính quyền Iraq có những động thái tích cực để ngăn chặn các cuộc tấn công bằng pháo kích vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở đất nước Hồi giáo này.

Lời kêu gọi của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper được đưa ra sau khi một quan chức quân sự cấp cao Mỹ cảnh báo rằng các cuộc tấn công của các nhóm được Iran hậu thuẫn vào các căn cứ quân sự của Mỹ ở  Iraq đang đẩy tất cả các bên đến gần "lằn ranh" của sự leo thang không kiểm soát.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper

Tuần trước, căn cứ không quân của Mỹ ở Ain al-Assad nằm trên lãnh thổ Iraq đã phải hứng chịu đợt tập kích thông qua các bệ pháo phản lực phóng loạt. Mặc dù tuyên bố không có thiệt hại về người hay vật chất, nhưng thông tin cho biết rằng ít nhất 5 quả đạn rocket đã rơi vào phía bên trong căn cứ quân sự Mỹ. Phía Mỹ đã điều tra và đưa ra lời cáo buộc chính thức đối với nhóm vũ trang Kataib Hezbollah thân Iran là tác giả của vụ tập kích này.

Tiếp sau đó, đêm ngày 11-12 một căn cứ quân sự gần sân bay Baghdad, nơi nhiều binh lính Mỹ đang đóng quân cũng đã bị tấn công bằng rocket.  Vụ tấn công này đã nâng tổng số vụ tấn công bằng rocket vào các căn cứ quân sự của Mỹ lên con số 10 kể từ cuối tháng 10-2019. Các lực lượng an ninh Mỹ nhận định, các tấn công xảy đều có liên quan tới nhóm các tay súng Hồi giáo dòng Shiite.

Thời gian qua, Washington liên tục bày tỏ quan ngại về tình trạng gia tăng các vụ tấn công nhằm vào các căn cứ quân sự và phái đoàn ngoại giao của nước này tại Iraq. Trong khi chính quyền Baghdad chưa có được những biện pháp cần thiết để ngăn chặn tình trạng trên, thì Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 3 nhân vật cấp cao của lực lượng bán quân sự Hashed al-Shaabi, gồm chủ yếu là các tay súng Shiite tại Iraq.

Căn cứ quân sự Mỹ tại Iraq

Nhiều khả năng sắp tới đây quân đội Mỹ tại Iraq sẽ tiến hành nhiều đợt tấn công dữ dội nhằm đáp trả đối phương, sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu họ quy trách nhiệm cho Iran, rằng Tehran mới thực chất là phía đứng sau vụ tấn công.

Iran được cho là có ảnh hưởng đối với các lực lượng theo dòng Hồi giáo Shiite tại Iraq và Baghdad có quan hệ gần gũi với cả Washington và Tehran. Vì vậy, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Iran leo thang sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Tehran, Iraq rơi vào tình thế khó xử.

Trong trường hợp xấu nhất, những đợt tấn công trả đũa qua lại lẫn nhau hoàn toàn có thể làm bùng phát một cuộc chiến tranh quy mô lớn, nhất là trong bối cảnh hiện tại, khi quan hệ Mỹ - Iran chưa lúc nào hạ nhiệt.