Lật tẩy tội phạm chiếm đoạt tiền trong tài khoản ngân hàng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thời gian gần đây, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên cả nước thì tội phạm trên không gian mạng đã không ngừng gia tăng, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực ngân hàng…
Thủ đoạn lừa đảo chiếm tiền trong tài khoản ngân hàng ngày càng gia tăng và tinh vi hơn

Thủ đoạn lừa đảo chiếm tiền trong tài khoản ngân hàng ngày càng gia tăng và tinh vi hơn

Muôn kiểu lừa đảo

CAQ Đống Đa, Hà Nội vừa điều tra khám phá thành công một vụ lừa đảo chiếm tiền trong tài khoản ngân hàng. Câu chuyện bắt đầu vào tối 8-3-2021, trong quá trình thao tác trên ứng dụng ngân hàng, chị T đã chuyển nhầm 23 triệu đồng cho một tài khoản khác. Khi phát hiện ra, chị lên mạng đăng bài viết nhờ bạn bè tìm cách lấy lại số tiền này. Kế đó, chị liên hệ với tổng đài ngân hàng để báo về sự cố của mình. Sau khoảng 15 phút, ngân hàng đã thực hiện thủ tục tra soát và tài khoản của chị T nhận lại số tiền chuyển nhầm. Nhưng câu chuyện không dừng lại ở đó. Sáng hôm sau, chị T nhận được cuộc gọi của một nam giới tự xưng là nhân viên ngân hàng, yêu cầu chị xác nhận việc đã được hoàn tiền bằng một số thao tác mà anh ta sẽ hướng dẫn trên điện thoại. Do nghĩ đây là các thủ tục cần thiết của ngân hàng trong giao dịch, chị T đã tin tưởng thực hiện theo. Ngay sau đó, chị T hốt hoảng khi phát hiện tài khoản ngân hàng của mình “bay” mất 200 triệu đồng.

Tiếp nhận tin báo, CAQ Đống Đa đã chỉ đạo Đội Điều tra tổng hợp, phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành xác lập chuyên án đấu tranh, truy bắt đối tượng gây án. Sau nhiều ngày truy vết hàng trăm số điện thoại và các giao dịch ngân hàng, đi nhiều tỉnh thành trên cả nước để xác minh, những manh mối đầu tiên đã xuất hiện. Ngày 27-3, bằng các biện pháp nghiệp vụ và tài liệu chứng cứ đã thu thập được, Ban chuyên án đã bắt giữ nhóm đối tượng chiếm đoạt tài sản của chị T qua tài khoản ngân hàng gồm Trương Huy Cường (SN 1993, trú tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam); Lê Minh Hoàng (SN 1998, trú tại xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam); Lưu Quốc Toàn (SN 1987, trú tại tỉnh Quảng Nam).

Các vụ việc lừa đảo vừa bị CAQ Đống Đa triệt phá

Các vụ việc lừa đảo vừa bị CAQ Đống Đa triệt phá

Tương tự, bằng thủ đoạn giả danh cán bộ ngân hàng gọi điện thoại yêu cầu cung cấp mã OTP, đối tượng Nguyễn Minh Lưu (SN 1996, trú tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã chiếm đoạt gần 1 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng của một bị hại trú tại tỉnh Bắc Giang.

Trước đó, ngày 16-3, chị P.T.H (SN 1985, trú tại huyện Yên Dũng, Bắc Giang) nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ tự xưng là nhân viên ngân hàng. Người này thông báo tài khoản của chị H bị lỗi và yêu cầu cung cấp mã OTP để khắc phục, nếu không sẽ bị mất toàn bộ số tiền đã giao dịch. Do mất cảnh giác, chị H đã nhiều lần cung cấp mã OTP cho đối tượng. Chiều cùng ngày, nhận được tin báo tài khoản của mình vừa thực hiện 3 giao dịch khiến gần 1 tỷ trong đó “bốc hơi”, chị H mới biết mình bị lừa và trình báo cơ quan công an.

Từ thông tin của bị hại, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bắc Giang xác định số tiền gần 1 tỷ đồng của chị H được chuyển đến 3 tài khoản khác nhau. Đáng nói, sau khi nhận tiền, các tài khoản đó đều thực hiện chuyển tiền đến tài khoản của vợ chồng Nguyễn Hiền Như (SN 1991) và Nguyễn Minh Lưu (SN 1996), cùng trú tại thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Tại cơ quan công an, Lưu khai nhận đầu năm 2021 có đặt mua qua mạng xã hội một tài khoản ngân hàng với giá 6 triệu đồng, mục đích dùng để lừa đảo. Sau khi trả tiền, Lưu nhận được 1 Chứng minh nhân dân, số tài khoản, mật khẩu đăng nhập, 1 sim điện thoại nhận mã OTP và nhiều thẻ sim. Thủ đoạn của Lưu là dò tìm số tài khoản của nạn nhân, sau đó cố tình nhập sai mật khẩu nhiều lần vào tài khoản đó để tài khoản bị khóa. Kế tiếp, đối tượng sẽ gọi điện cho nạn nhân thông báo tài khoản lỗi và yêu cầu cung cấp mã OTP. Nếu nạn nhân nào thiếu hiểu biết và cung cấp mã OTP là sẽ sập bẫy đối tượng. Qua khám xét nơi ở của Lưu, cơ quan công an thu giữ 4 điện thoại di động, 14 thẻ sim, 4 thẻ ngân hàng, 5 Chứng minh nhân dân và thiết bị phát wifi để phục vụ mục đích lừa đảo. Để hợp thức hóa số tiền chiếm đoạt được, đối tượng đã chia nhỏ số tiền rồi chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng, tài khoản Game rồi mới chuyển về tài khoản cá nhân.

Trước đó, vào tháng 6-2020, CAQ Nam Từ Liêm cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 7 đối tượng để điều tra về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Theo trình báo, chị H có một người bạn là Trần Thị Tuyết sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Ngày 12-3, chị Tuyết sử dụng tài khoản Facebook “Tuyết Trần” nhắn tin nhờ chị H nhận hộ số tiền 5 triệu đồng (để chuyển về cho người nhà tại Nghệ An). Chị H đồng ý, nhưng do không có tài khoản ngân hàng nên đã cung cấp số tài khoản ngân hàng của em gái để nhận tiền. Đến 18h55 cùng ngày, số điện thoại của chị O (em chị H) nhận được 1 tin nhắn với nội dung: “Western Union thông báo A. 18h55p, 17/08, TK310025325869, GD: + 5,000,000VND từ DV chuyển tiền Western Union: ND: CK TIEN TUYET; MA GD: 281770; Quý khách vui lòng vào đây để xác nhận tiền để cập nhật vào tài khoản: https://nhanchuyentien.weebly.com/bangking.htm”.

Sau đó, chị O nhận được cuộc gọi của một người nói tiếng miền Nam tự xưng là nhân viên ngân hàng, hướng dẫn chị truy cập vào đường link (liên kết) trên, rồi nhập tên đăng nhập tài khoản ngân hàng, mật khẩu, mã OTP được gửi đến số điện thoại của chị O để xác nhận giao dịch nhận tiền. Sau khi làm theo hướng dẫn của người này, chị O phát hiện tài khoản ngân hàng của mình đã bị trừ số tiền hơn 25 triệu đồng. Sau 3 tháng điều tra, CAQ Nam Từ Liêm đã làm rõ được ổ nhóm gồm 7 đối tượng chia thành 3 nhánh khác nhau và sử dụng các thủ đoạn để lừa đảo trên không gian mạng.

Các đối tượng nắm bắt được tâm lý bị hại nên “đánh trúng” và nạn nhân sập bẫy nhanh chóng

Các đối tượng nắm bắt được tâm lý bị hại nên “đánh trúng” và nạn nhân sập bẫy nhanh chóng

Gian nan truy vết tội phạm công nghệ cao

Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy - Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết, trong 2 năm trở lại đây, đặc biệt là 6 tháng đầu năm 2021, số lượng các vụ lừa đảo trên không gian mạng gia tăng với tốc độ chóng mặt. “Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2020, đơn vị chỉ tiếp nhận 1 đơn tố giác hành vi lừa đảo thì 6 tháng đầu năm nay, con số ấy tăng lên hơn 200 đơn. Đáng nói là tội phạm có rất nhiều thủ đoạn khác nhau. Có thể nói ngoài thực tế có những thủ đoạn lừa đảo nào thì ở trên mạng cũng y như vậy. Thậm chí thủ đoạn của tội phạm mạng còn tinh vi hơn, đặc biệt trong lĩnh vực ngân hàng” - Thượng tá Đinh Thị Thu Thủy nói.

Người sử dụng mạng xã hội phải luôn nâng cao ý thức cảnh giác , tăng cường công tác bảo mật, đặc biệt là bảo mật 2 lớp. Không truy cập vào những đường link không rõ nguồn gốc, không cài đặt phần mềm không chính thống. Lưu ý, khi có tin nhắn vay tiền từ bạn bè, người thân cần xác nhận lại bằng các hình thức khác, thậm chí có thể xác nhận trực tiếp chứ không vội vã chuyển tiền ngay để tránh bị lừa.

Trung tá Phan Anh Tú - Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp CAQ Đống Đa cho biết, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng không mới, nhưng do cả tin, thiếu hiểu biết nên nhiều người dân vẫn “sập bẫy”. Trong vụ án mà CAQ Đống Đa thụ lý, các đối tượng giỏi về công nghệ thông tin, am hiểu các bước trong giao dịch ngân hàng, có kinh nghiệm trong việc lừa đảo. Chúng nắm bắt được tâm lý của người bị hại nên đã “đánh trúng” và khiến nạn nhân sập bẫy nhanh chóng. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện hành vi phạm tội, ổ nhóm này rất tinh vi trong việc che giấu thông tin, dấu vết. Các đối tượng sử dụng hàng trăm số điện thoại rác để không lộ tẩy. Qua khám xét nơi ở của các đối tượng, cơ quan công an đã thu giữ nhiều tang vật liên quan như điện thoại di động, hàng trăm sim thẻ điện thoại các loại… Được biết, các đối tượng này thường nghiện game, tham gia đánh bạc qua game và thường xuyên lên mạng xã hội tìm các trang dạy cách lừa đảo để nghiên cứu, học theo. Những bị hại sa vào bẫy lừa là những người thường xuyên đăng tải số điện thoại hoặc giao dịch ngân hàng của mình lên mạng xã hội như Zalo, Facebook…

“Với thủ đoạn sử dụng link rút gọn tự tạo, giả danh tên miền của các ngân hàng rồi gửi link cho các bị hại để truy cập, các đối tượng đã thực hiện trót lọt nhiều vụ chiếm đoạt tài sản trên toàn quốc. Trong vụ việc này, các đối tượng đã đóng giả nhân viên ngân hàng để hỗ trợ khắc phục sự cố trong việc chuyển nhầm tiền và bảo mật tài khoản. Khi bị hại tin là thật, đối tượng sẽ gửi đường link yêu cầu đăng nhập. Trên các web giả mạo đã cài sẵn các mã độc để thu thập thông tin của dữ liệu do bị hại cung cấp. Sau đó, các đối tượng sử dụng tên, mật khẩu và mã OTP để chiếm đoạt tiền trong tài khoản. Để tránh bị lộ tẩy dấu vết, chúng chuyển tiền vào tài khoản ví điện tử đăng ký qua sim rác. Từ các ví điện tử này, chúng sẽ nạp tiền vào các game cờ bạc có máy chủ đặt tại nước ngoài. Với thủ đoạn vô cùng tinh vi như vậy nên rất khó khăn cho cơ quan điều tra trong quá trình truy vết đối tượng” - Trung tá Phan Anh Tú cho biết.

Trước tình hình gia tăng loại tội phạm này, Đại tá Nguyễn Thành Long - Trưởng CAQ Nam Từ Liêm khuyến cáo: “Người sử dụng mạng xã hội phải luôn nâng cao ý thức cảnh giác trong khi sử dụng, tăng cường công tác bảo mật, đặc biệt là bảo mật 2 lớp. Không truy cập vào những đường link không rõ nguồn gốc, không cài đặt phần mềm không chính thống. Lưu ý, khi có tin nhắn vay tiền từ bạn bè, người thân cần xác nhận lại bằng các hình thức khác, thậm chí có thể xác nhận trực tiếp chứ không vội vã chuyển tiền ngay để tránh bị lừa”.