"Lật tẩy" thủ đoạn trộm cắp chốn tâm linh

ANTD.VN - Thời gian qua, chốn tâm linh, chùa chiền đã trở thành mục tiêu của tội phạm trộm cắp tài sản. Lợi dụng không gian rộng của di tích, lại ít người trông nom, để ý đến, kẻ gian đã thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm cắp tài sản có giá trị trong đình, chùa, di tích lịch sử. Thậm chí, để thực hiện hành vi, nhóm đối tượng trộm cắp sẵn sàng ra tay sát hại thủ nhang nếu bị phát hiện.

"Lật tẩy" thủ đoạn trộm cắp chốn tâm linh ảnh 1

Hiện trường vụ trộm cắp giết thủ nhang tại chùa Minh Giám, xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà

Mục tiêu là những cổ vật quý 

Cho đến tận bây giờ, cụ thủ nhang chùa Mễ Sở, Hưng Yên vẫn chưa lý giải nổi  các đối tượng trộm cắp di chuyển pho tượng cổ Phật bà quan thế âm nghìn tay, nghìn mắt ra khỏi bệ chùa thế nào.

Bởi theo như nhà chùa, pho tượng cổ này nặng hàng tấn, khi dựng chùa, các thợ tay nghề cao đã phải đặt tượng trước vì kích thước và trọng lượng quá lớn. Vậy mà, chỉ qua một đêm ngủ thức dậy vào sáng 29-9, sư thầy Thích Đàm Lan, trụ trì chùa Mễ Sở, cùng ni cô trong chùa đã phát hiện pho tượng Phật đặt tại tầng 2 ngôi chùa đã biến mất.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Văn Giang đã sàng lọc các đối tượng liên quan đến sưu tầm đồ cổ tuy nhiên thông tin gần như mịt mù. Trong khi đó, qua trích xuất hình ảnh từ camera an ninh của nhà chùa, cơ quan công an chỉ xác định vụ việc xảy ra vào khoảng hơn 1h sáng cùng ngày.

Hình ảnh camera cho thấy, kẻ gây án rất tinh vi và chuyên nghiệp bởi  máy quay đã bị bọn trộm “bịt mắt” bằng cách trùm chiếc áo lên che. Cơ quan chức năng nhận định, nếu như không vận chuyển ra nước ngoài thì pho tượng Phật này không  ai có thể cất giấu nổi, bởi kích thước, trọng lượng và sự bề thế của pho tượng. Từ những nhận định trên, cơ quan công an địa phương đã phối hợp với các lực lượng công an toàn quốc  rà soát toàn bộ những đầu mối sưu tầm, chơi đồ cổ.

Theo tài liệu của cơ quan công an, năm 1988, pho tượng này đã từng bị mất trộm. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an nhận được tin báo có nhóm đối tượng để pho tượng nghìn tay, nghìn mắt bên vệ đường 5B. Ngay sau khi bắt được các đối tượng liên quan, bọn chúng đã khai nhận dùng dây thừng đưa xuống thùng xe ô tô tải dưới sân sau đó chở đi tiêu thụ tại nhà một nghệ nhân tại Hà Nội.

Người dân chưa hết kinh ngạc về sự liều lĩnh của nhóm đối tượng trộm cắp tượng Phật tại chùa Mễ Sở, Hưng Yên thì ngày 17-11, lại xảy ra một vụ giết người manh động tại chùa Minh Giám thuộc xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương. Nạn nhân - ông Nguyễn Hữu K (SN 1940), là người trông chùa Minh Giám đã tử vong, miệng bị nhét giẻ.

Ngay sau đó, Công an huyện Thanh Hà đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Hải Dương, VKSND tỉnh Hải Dương tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Trước dấu vết hiện trường có nhiều nơi bị kẻ gian lục soát, hòm công đức bị mất, các cuốn kinh sách bị bới tung… cơ quan công an nhận định kẻ gây án nắm rất rõ hiện trường.

Qua điều tra, xác định đêm 15-11, hai đối tượng có mặt tại khu vực chùa Minh Giám và  sáng 16-11, cặp đôi này cũng xuất hiện tại hiện trường, sau đó thuê xe taxi lên thị trấn Tiền Trung, TP Hải Dương. Trinh sát đã tiếp cận lái xe taxi và được cung cấp thông tin, khi trả tiền, đối tượng có rất nhiều tiền gồm các mệnh giá khác nhau, chủ yếu là tiền lẻ. Xác định đây là hai nghi can gây ra vụ án,  Công an huyện Thanh Hà đã bắt được hai đối tượng khi đang lẩn trốn tại huyện Gia Lâm, TP Hà Nội. 

Hoạt động theo ổ nhóm

"Lật tẩy" thủ đoạn trộm cắp chốn tâm linh ảnh 2

Các đối tượng trộm cắp 

Tội phạm trộm cắp có nhiều thủ đoạn, lại thường  rình sơ hở để ra tay. Đây là một trong những khó khăn cho việc bảo vệ tài sản tại đình, chùa cũng như việc truy bắt kẻ gian. Đại tá Phùng Anh Lê, Trưởng Công an quận Tây Hồ cho biết: “Trên địa bàn quận Tây Hồ có rất nhiều di tích đình, chùa. Thời gian qua, các đối tượng lợi dụng trà trộn vào người đi lễ để hoạt động trộm cắp tài sản.

Tuy nhiên, loại tội phạm này thông thường chỉ hoạt động vào ngày lễ, Tết và chủ yếu dùng thủ đoạn chen lấn xô đẩy nơi đông người để móc túi, hoặc vờ vào lễ sau đó trộm cắp tiền lễ trên các ban. Để người dân đi lễ an toàn, Công an quận Tây Hồ đã chỉ đạo các đội nghiệp vụ, Công an các phường chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đồng thời luôn tuyên truyền với nhà chùa nâng cao cảnh giác, kịp thời phát hiện xử lý”. 

Phân tích về thủ đoạn của tội phạm trộm cắp tại đình, chùa, di tích lịch sử, Trung tá Dương Hồng Kết, Trưởng Công an phường Yên Phụ cho biết: “Đặc điểm của các nơi này thường là dễ ra vào, đi lại. Lợi dụng việc này, các đối tượng đã nghiên cứu tình hình, tìm hiểu hiện trường kỹ trước khi gây án”. 

Theo tài liệu của cơ quan CSĐT, những đối tượng trộm cắp cổ vật, tượng Phật tại chùa thường hoạt động theo  ổ nhóm và thường phải có mối tiêu thụ đồ vật đó rồi hành động. Nhóm đối tượng này thường chọn nơi gây án ở những chùa ngoại thành, hoặc tỉnh lân cận để dễ dàng thực hiện. Bọn chúng thường chọn ngày lễ để tăm tia và gây án vào ngày thường vắng vẻ.

Hiện nay, nhiều chùa ở ngoại thành Hà Nội, ngoài sư trụ trì còn chưa có bảo vệ, trong khi không gian chùa quá rộng, ánh sáng không đủ để bao quát. Trước những vụ việc xảy ra tại các địa phương, để phòng ngừa tại các khu di tích trên địa bàn, lãnh đạo UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo phòng văn hóa phối hợp với các đơn vị chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ, ngăn chặn tình trạng trộm cắp hiện vật, cổ vật đồng thời chỉ đạo các phường tiến hành kiểm tra, rà soát các hiện vật, cổ vật trong các di tích trên địa bàn để có phương án quản lý, bảo vệ, khai thác, phát huy giá trị. 

Chính bởi vậy, các ban quản lý di tích địa phương cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, lập phương án bảo vệ các di tích trọng điểm trên địa bàn; đề cao tinh thần cảnh giác, phòng kẻ gian lợi dụng sơ hở vào trộm cắp; gia cố thêm các trang thiết bị bảo vệ như khóa, cánh cửa; đối với các hiện vật có giá trị như hòm công đức, sắc phong, sách cổ… cần có khóa, két sắt chắc chắn, cất giữ ở nơi an toàn.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác của người trụ trì, người trông coi tại các khu di tích, cắt cử người trông coi thường xuyên nhất là vào ban đêm…. Chỉ huy Phòng Cảnh sát hình sự - CATP Hà Nội cảnh báo các thủ đoạn của đối tượng trộm cắp để người dân nâng cao cảnh giác như giả làm khách lễ chùa; lấy tiền công đức; thủ đoạn đổi tiền tiền lẻ…

Đây là các phương thức đánh lạc hướng để chúng gây án. Đối với những tài sản có giá trị như pho tượng, đồ thờ do tội phạm trộm cắp mang bán, khi người dân được mời mua hoặc biết thông tin, cần tìm hiểu kỹ về nguồn gốc của cả người bán và đồ họ mang bán. Khi nhận thấy sự bất thường, cần báo cho cơ quan cng an để kịp thời xử lý, tránh thất thoát cổ vật có giá trị văn hóa lịch sử.