Lật tẩy thủ đoạn của loại tội phạm không bao giờ… giáp mặt nạn nhân

ANTD.VN - Đặc điểm của đa phần tội phạm sử dụng công nghệ cao gây án là hầu như không tiếp xúc với các nạn nhân. Đây chính là một trong những yếu tố khiến công tác điều tra làm rõ loại tội phạm này hết sức khó khăn.

Thành lập chưa đến 10 năm, nhưng Cảnh sát Phòng chống tội phạm (PCTP) sử dụng công nghệ cao của Công an Hà Nội đã khẳng định được bản lĩnh, trình độ qua những cố gắng và kết quả cụ thể ở nhiều chuyên án điều tra, truy bắt tội phạm mạng lên đến cả trăm tỷ đồng. Điều quan trọng khác là những bài học phòng ngừa được rút ra đối với người dân.

Lật tẩy thủ đoạn của loại tội phạm không bao giờ… giáp mặt nạn nhân ảnh 1Đối tượng người Trung Quốc dùng thẻ tín dụng giả rút tiền bị bắt giữ cùng tang vật

Nhận diện tội phạm 

Ngày 4-3-2017, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội làm rõ hai đối tượng Nguyễn Quang Tuấn (33 tuổi), trú tại Phúc La, Hà Đông, Hà Nội và Nguyễn Tuấn Anh (21 tuổi), quê quán Tam Đảo, Vĩnh Phúc, có hành vi “đột nhập” tài khoản ngân hàng của một cá nhân để chiếm đoạt 90 triệu đồng.

Cơ quan Công an xác định, Tuấn mở lớp đào tạo bảo mật máy tính ngay tại nhà và có Tuấn Anh tham gia. Tại đây, Tuấn hướng dẫn cho Tuấn Anh cách thức sử dụng phần mềm gián điệp đánh cắp thông tin từ máy tính khác. Sau đó hai “thầy trò” đã thực hành bằng cách xâm nhập máy tính của anh Ngô Đình Cương, trú tại Hà Nội để đánh cắp nhiều thông tin cá nhân quan trọng và dùng tài khoản ngân hàng của anh Cương để mua  bitcoin. Nhằm tránh bị nghi ngờ, hai đối tượng đã bán số bitcoin “kiếm được” lấy tiền chia nhau. 

Nếu như cặp Quang Tuấn - Tuấn Anh vào nghề chưa lâu, thì ổ nhóm tội phạm “ngoại” do Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao phối hợp CAQ Ba Đình triệt xóa mới đây lại có “bề dày thành tích” hơn nhiều lần. Ổ nhóm này gồm Hu Li Guo (37 tuổi) và Xie Feng (30 tuổi), quốc tịch Trung Quốc.

Cặp đôi bị bắt quả tang đang sử dụng thẻ ATM giả để chiếm đoạt tiền tại cây ATM của một ngân hàng trên phố Láng Hạ, quận Ba Đình. Cơ quan Công an thu giữ tang vật hơn 60 triệu đồng, 1 máy tính xách tay, 1 máy làm thẻ, 2 bộ đọc trộm mã thẻ ATM, 1 camera và 173 phôi thẻ.  

Trước đó, Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao cũng đã bắt giữ đối tượng Tian Yun Yun (30 tuổi), quê quán tỉnh Giang Tây, Trung Quốc và  Zhong Zheng (17 tuổi), trú tại tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc có hành vi sử dụng thẻ ngân hàng giả để rút tiền tại cây ATM của ngân hàng trên phố Giảng Võ, quận Ba Đình. Tang vật bị giữ gồm 1 máy tính, 1 thiết bị đọc dữ liệu thẻ, 1 máy ghi thẻ giả, 236 phôi thẻ và thẻ ngân hàng, cùng 210 triệu đồng.

Lật tẩy chiêu trò 

Đại úy Nguyễn Minh Hoàn, Đội trưởng Đội Cảnh sát PCTP trong lĩnh vực tài chính và ngân hàng điện tử (Đội 6) - Phòng Cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao - CATP Hà Nội cho biết: “Tội phạm sử dụng công nghệ cao nổi lên trong thời gian qua chủ yếu là các đối tượng đến từ các quốc gia Trung Quốc, Bungaria, Nga… Chúng nhập cảnh vào Việt Nam mang theo các công cụ, thiết bị để đánh cắp dữ liệu thẻ ngân hàng; rồi sử dụng thông tin tài khoản ngân hàng đánh cắp được để làm thẻ thanh toán giả sau đó cấu kết với các đối tượng người Việt Nam để thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền”. 

Cùng với đó, đối tượng lập website giả mạo một số ngân hàng sau đó lừa khách hàng nhập thông tin tài khoản, rồi sử dụng thông tin có được đăng nhập vào website chính thức của ngân hàng, thực hiện lệnh chuyển tiền sang tài khoản khác để chiếm đoạt. Trong số tội phạm, có đối tượng có điều kiện quản lý, tiếp cận máy POS (máy chấp nhận thanh toán bằng thẻ) tại các công ty Việt Nam (thường là các công ty kinh doanh điện tử, điện lạnh, nhà hàng …).

Từ thông tin thẻ tín dụng của khách hàng được lưu lại sau khi thanh toán, các đối tượng sử dụng trái phép để mua các sản phẩm phần mềm máy tính, các thẻ tặng quà của các công ty nước ngoài, hoặc dùng để mua thẻ cào điện thoại qua các website trực tuyến tại Việt Nam, sau đó đổi ra tiền mặt để trục lợi.

Nghiêm trọng hơn, có hiện tượng đối tượng nước ngoài cấu kết với công ty tại Việt Nam để ký kết các hợp đồng đầu tư, mua bán giả mạo, sau đó thông qua các máy POS của các công ty này để tiến hành rút tiền mặt hoặc chuyển vào tài khoản của các đối tượng. 

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, qua đúc kết từ các vụ án và thông tin thu thập được, cơ quan công an đã nắm rõ được phương thức, quy trình sản xuất thẻ ngân hàng giả của loại tội phạm này. Để có thông tin tài khoản ngân hàng, các đối tượng mua thông tin tài khoản ngân hàng trên các diễn đàn mạng xã hội, hoặc sử dụng các thiết bị đánh cắp thông tin tài khoản ngân hàng (skiming) gắn vào các máy ATM của các ngân hàng, từ đó sử dụng các tài khoản đánh cắp được để sản xuất thẻ giả…

Tội phạm làm thẻ ATM giả rút tiền bằng cách gắn thiết bị đọc trộm thông tin tại “cây” ATM, tạo lập trang web giả mạo ngân hàng sau đó làm cổng trung gian thanh toán có chứa mã độc trộm cắp thông tin… đó là những thủ đoạn tinh vi hiện nay tội phạm công nghệ cao sử dụng để rút hàng tỷ đồng từ các “cây” ATM.

 Để tránh bị lừa và kịp thời xử lý đối tượng, việc đầu tiên khi phát hiện bị trộm tiền, người dân cần nhanh chóng trình báo cơ quan Công an. Đặc biệt, đối với những trường hợp không phải người thân thì tuyệt đối không cung cấp số tài khoản, thông tin cá nhân, lưu giữ các thông tin liên quan trên mạng. Các hợp đồng chuyển tiền làm ăn kinh tế phải có giấy tờ hợp pháp theo quy định của cơ quan Nhà nước.

Đại úy Nguyễn Minh Hoàn (Đội trưởng Đội 6 – Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội)

(Còn tiếp)