Lật tẩy "siêu lừa" cụt 2 chân tự nhận là anh hùng của nước Nga

ANTD.VN -  Veniamin Vaisman thường tự giới thiệu là người 2 lần được tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô. Ông ta chiếm được lòng tin của hàng chục quan chức cao cấp gồm cả các Bộ trưởng của Liên Xô trước đây và nhận được rất nhiều tiền bạc, quần áo...  “Siêu lừa” này chỉ bị vạch mặt khi nhận là bạn chiến đấu của con trai Lãnh tụ Stalin. 

Lật tẩy "siêu lừa" cụt 2 chân tự nhận là anh hùng của nước Nga ảnh 1“Siêu lừa” Veniamin Vaisman

Đánh cắp cả toa tàu chở hàng hóa

Veniamin Vaisman sinh năm 1914 trong một gia đình trí thức ở thành phố Zhytomyr, Ukraine. Khi mới 9 tuổi, Veniamin đã lấy cắp chiếc đồng hồ vàng của bố. Do không nghĩ rằng con trai mình làm việc đó, ông bố lập tức trình báo cảnh sát. Veniamin bị bắt và bị đưa vào trại cải tạo lao động dành cho trẻ vị thành niên. 

Khoảng 1 tháng sau, Veniamin đã trốn trại và bắt đầu hành nghề trộm cắp. Vì thiếu kinh nghiệm, hắn lại bị bắt, phải vào trại rồi bỏ trốn... Cái vòng luẩn quẩn này tái diễn đến 9 lần. Năm 1934, do đánh cắp cả toa tàu chở hàng hóa, Veniamin bị kết án 10 năm tù. Tháng 2-1944, hắn trốn khỏi trại giam ở Cộng hòa Komi thuộc Nga khi nhiệt độ xuống âm 40 độ C. Hắn bị lạc trong rừng, bị vùi trong băng tuyết. 

Veniamin được tìm thấy trong tình trạng sức khỏe nguy kịch. 2 chân bị hỏng vì quá lạnh và bắt đầu hoại tử. Hắn được cứu sống, nhưng bị cắt cụt 2 chân đến đầu gối. Tháng 7-1945, Veniamin được ra tù và trở về sống với vợ con ở Orekhovo-Zuyevo gần Mátxcơva. Lúc này, hắn nảy sinh ý định lừa đảo các quan chức để lấy tiền. Veniamin bỏ ra 20.000 Rúp để làm các giấy tờ giả, thuê kẻ chuyên sản xuất tiền giả làm 2 Huân chương Sao vàng (chỉ dành cho những người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô), mua quân phục, quân hàm Đại úy và súng ngắn. Sau đó, hắn mặc quân phục, đeo huân chương đến gặp lãnh đạo một lâm trường và kể rằng mình đã xung phong ra mặt trận, là lính xe tăng, được phong quân hàm Đại úy. 

Chiếc xe tăng T-34 do ông ta chỉ huy, theo lời Veniamin, bị trúng đạn của lính phát xít Đức gần Thủ đô Berlin. Trong lúc cứu đồng đội, ông ta bị thương, bị cắt cụt 2 chân… Lãnh đạo lâm trường liền tặng Veniamin 1 xe tải củi và 1 tấn than bùn để sưởi ấm. Mấy ngày sau, lãnh đạo một nông trang cũng đã tặng “cựu chiến binh” này vài bao tải khoai tây và bột mỳ.  

Bị bắt khi đang nhận tiền trợ cấp

Cũng với thủ đoạn ấy, tháng 7-1946, Veniamin đến gặp Bộ trưởng Bộ Vận tải Đường sông Liên Xô Zosima Shashkov. Ông Z.Shashkov đã cấp cho ông ta 2.300 Rúp và mấy mảnh vải satin. Còn khi gặp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Thực phẩm Vasily Zotov, Veniamin nhận được 2.000 Rúp và nhiều hàng hóa khác... 

Veniamin đã gặp hơn 20 quan chức cấp cao của Liên Xô, trong đó có các Bộ trưởng Bộ Vận tải Hàng hải, Bộ Công nghiệp than, Bộ Luyện kim màu, Bộ Lâm nghiệp... và nhận được tổng cộng 53.100 Rúp, 523m vải, 97 bộ quần áo, 50 đôi giày và nhiều đồ gia dụng khác. Veniamin gặp cả Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô Sergey Vavilov. Cảm kích trước tinh thần vượt khó của người “thương binh” này, ông S.Vavilov đã đề nghị Viện chân tay giả giúp đỡ Veniamin. Nhưng, đôi chân giả không được ông ta sử dụng khi đến gặp các quan chức cao cấp. 

Ngày 2-6-1947, Veniamin đến gặp Bộ trưởng Bộ Chế tạo máy công cụ Liên Xô Alexander Yefremov. Tuy nhiên, ông A.Yefremov bắt đầu nghi ngờ vì Veniamin từng đến đây xin tiền. Sau đó, trong lúc gặp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Hàng không Mikhail Khrunichev, Veniamin đã kể rằng ông ta gần như là bạn cùng Trung đoàn Không quân với Vasily Stalin - con trai của Lãnh tụ Stalin. Không lâu sau đó, khi nghe Bộ trưởng M.Khrunichev kể lại chuyện này, Vasily Stalin rất ngạc nhiên. Ông M.Khrunichev biết rằng mình đã bị lừa. Veniamin nhanh chóng bị bắt và phải nhận 10 năm tù, nhưng được trả tự do trước thời hạn 1 năm. Ông ta lại bị bắt vì lấy trộm 450 Rúp ở Mátxcơva và bị kết án 3 năm tù vào tháng 11-1956. Veniamin đã chết vào năm 1969.

Veniamin Vaisman bỏ ra 20.000 Rúp để làm các giấy tờ giả, thuê kẻ chuyên sản xuất tiền giả làm 2 Huân chương Sao vàng (chỉ dành cho những người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô), mua quân phục, quân hàm Đại úy và súng ngắn. Sau đó, hắn mặc quân phục, đeo huân chương đến gặp lãnh đạo một lâm trường và kể rằng mình đã xung phong ra mặt trận, là lính xe tăng, được phong quân hàm Đại úy.