Lật tẩy những "quái chiêu" trốn truy nã

ANTĐ - Không thể ngờ ông chủ của một chuỗi nhà hàng sang trọng tại trung tâm TP.Hồ Chính Minh lại chính là đối tượng "trốn nã" 14 năm.
Lật tẩy những "quái chiêu" trốn truy nã ảnh 1
Nguyễn Vĩnh Tường và một trong những nhà hàng của "ông chủ trốn nã"

Chiến công mới nhất của Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh Phú Yên là đã vạch ra những thủ đoạn mới nhất của chúng với phương châm "nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất".

Xin được di lý bằng Camry vì sợ… mang tiếng

Khi những thông tin về đối tượng Nguyễn Vĩnh Tường được ráp nối hoàn chỉnh, tổ công tác của PC52 Phú Yên không khỏi ngỡ ngàng: đối tượng họ đang truy lùng 14 năm nay đường đường là Giám đốc Công ty TNHH Giai Điệu, là ông chủ của cả một chuỗi nhà hàng cao cấp tại TP HCM: nhà hàng Phong Thành (166-168 Nguyễn Biểu, quận 5); nhà hàng Giai Điệu (250 Huỳnh Văn Bánh, quận Phú Nhuận) và là đồng chủ sở hữu một salon ôtô ở quận 8...

Năm 1988, Nguyễn Vĩnh Tường cầm đầu một băng nhóm trộm cắp xe máy tại địa bàn huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Là một huyện miền núi nghèo, vào thời điểm đó, xe máy là tài sản rất có giá trị đối với người dân. Băng nhóm trộm cắp tuy bị lực lượng chức năng triệt phá, nhưng Tường đã bỏ trốn biệt xứ. Cơ quan điều tra đã phát lệnh truy nã y trên phạm vi toàn quốc. Món nợ của lực lượng cảnh sát hình sự Phú Yên đã phải kéo dài mất gần 14 năm, cho đến một ngày…

Sau khi kế hoạch thành lập mới và kiện toàn lực lượng chuyên trách về truy nã tội phạm từ cấp Bộ đến công an các địa phương được thực thi, Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Phú Yên mới có đủ quân số và thời gian để rà soát kỹ càng lại những đối tượng vẫn còn lẩn trốn ngoài vòng pháp luật. Các trinh sát tỏa về địa bàn cũ rà soát lại nguồn tin cơ sở. Đầu năm 2012, thông tin về biến động của gia đình đối tượng Nguyễn Vĩnh Tường đã dẫn các trinh sát tới địa bàn ấp Sông Xoài (xã Sông Xoài, huyện Tân Thành, Bà Rịa-Vũng Tàu).

Nhưng khi tìm đến địa bàn, thông tin trở nên mơ hồ vì khi cha mẹ qua đời, các thành viên trong gia đình đối tượng đã ly tán mỗi người một phương. Duy nhất một thông tin hữu ích sót lại là vào ngày 21-5-2010, Nguyễn Vĩnh Tường xin chuyển khẩu và nhập khẩu về sinh sống tại 37/211 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, Tp HCM. Lần theo manh mối thông tin này, các trinh sát đã tìm ra dấu vết của Tường.

Trung tá Bùi Sỹ Quân, Phó Trưởng phòng PC52, phụ trách tổ công tác, cho biết, theo nhận định ban đầu của anh em khi phát hiện đối tượng ở nhà hàng Giai Điệu, cỡ Nguyễn Vĩnh Tường chỉ có thể là nhân viên làm thuê, cùng lắm là lên đến cấp bậc quản lý nhà hàng. Nhưng khi bí mật lấy thông tin từ đội ngũ tiếp viên, hóa ra Tường lại là ông chủ của không chỉ một mà là một chuỗi công ty và nhà hàng.

Công ty TNHH Thương mại nhà hàng Giai Điệu của Tường hoạt động từ tháng 12-2007, kinh doanh nhiều ngành nghề như trang trí nội thất, kim khí điện máy, đại lý ký gửi hàng hóa và kinh doanh nhà hàng ăn uống… Thậm chí Tường tự tin với việc thoát án truy nã của mình đến độ chỉ thêm một chữ Đình vào tên thật của mình khi đăng ký giấy phép kinh doanh. Hàng ngày Tường ngồi trên xe Camry, có vệ sĩ kiêm tài xế đi kiểm tra và thu tiền. Với vẻ ngoài thành đạt ấy, Tường đã gây dựng được mối quan hệ và uy tín ở địa bàn, tạo nên một vỏ bọc vững chắc.

Để nắm chắc quy luật di chuyển của Tường, Trung tá Quân, Đại úy Đỗ Minh Dương và Trung úy Nguyễn Xuân Hoàng đã phải "gom" tiền túi để thâm nhập vào nhà hàng của Tường. Đồng lương trinh sát chỉ đủ để các anh gọi dăm lon bia và mấy món nhậu sơ sài. Đại úy Dương kể lại có khi ngồi uống mà phải uống nhín từng tí một vì sợ không đủ tiền thanh toán. Cũng chính vì đã ngồi nhiều lần ở quán nên khi Trung úy Hoàng giả vờ say để ra chặn đầu xe, các nhân viên nữ ở quán đã nhiệt tình ra chăm sóc đến mức gây hẳn một đám náo loạn nhỏ, khiến cho đối tượng Tường muốn bỏ chạy khi thấy lực lượng phối hợp mặc sắc phục áp sát đã không có cơ hội.

Lệnh truy nã Nguyễn Vĩnh Tường cách đây 14 năm.

Lệnh truy nã Nguyễn Vĩnh Tường cách đây 14 năm.

Lúc bị bắt, sau khi chối không được, Nguyễn Vĩnh Tường đã gợi ý đặt vấn đề bồi dưỡng với các trinh sát nhằm bỏ qua nhưng bất thành. Một chi tiết khiến anh em trong tổ công tác vẫn còn cảm thấy nực cười là Tường đã đề nghị đưa y về Phú Yên bằng chính chiếc xe Camry của mình vì di lý bằng xe thùng của cảnh sát "thấy kỳ kỳ mắc cỡ". Trên quãng đường trở về huyện Sông Hinh, điều duy nhất Tường than thở là cứ tưởng thời gian lâu như thế thì các anh công an Phú Yên đã quên chuyện cũ rồi…

Manh mối từ một lá đơn thăm nuôi

Tiếp xúc với các anh em cảnh sát hình sự, tôi đã được nghe họ kể nhiều chuyện về các tay giang hồ cộm cán dùng thủ đoạn tránh né lưới pháp luật bằng cách tạo tình tiết ngoại phạm như gây án nhẹ để được vào trại giam, dùng ma túy để bị bắt đi cai nghiện cưỡng bức, thậm chí tự chui vào trung tâm cai nghiện tự nguyện… Nhưng đến trốn truy nã mà cũng tìm cách chui bằng được vào trung tâm cai nghiện như đối tượng nguy hiểm Hồ Minh Cảnh thì cũng thuộc dạng hiếm!

Đăng ký hộ khẩu thường trú tại Tây Hòa, Phú Yên, năm 2009, Hồ Minh Cảnh dạt vào Bình Phước và bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Đồng Phú ra Quyết định truy nã nguy hiểm về hành vi cưỡng đoạt tài sản của người khác, phạm vi toàn quốc. Nhận được công văn yêu cầu phối hợp, các trinh sát PC52 Phú Yên đã trực tiếp xuống tận địa bàn cư ngụ của đối tượng, kiên trì gỡ dần từng đầu mối.

Nhờ tin báo của quần chúng tích cực tại địa phương, đặc biệt là từ nguồn tin của công an viên phụ trách địa bàn thông báo cách đây một năm, mẹ của đối tượng có làm đơn xin đi thăm nuôi con, nhưng không rõ địa chỉ. Tiếp tục rà soát sâu hơn nữa, các trinh sát phát hiện có thông tin cho thấy đối tượng chuyển vào sống ở Nhơn Trạch, Đồng Nai cách đây 2 năm, không còn ở Bình Phước nữa. Khi trinh sát vào đến Nhơn Trạch, địa phương thông báo không có đối tượng nào như trên cả.

Tiếp tục xác minh, tổ công tác quyết định làm việc với Trung tâm Lao động xã hội (TTLĐXH) tỉnh Đồng Nai. Qua đối chiếu, ảnh một học viên có tên Nguyễn Trọng Thạnh hoàn toàn trùng khớp với tàng thư. Sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, các trinh sát bí mật lấy vân tay của đối tượng Nguyễn Trọng Thạnh. Vết vân tay hoàn toàn trùng khớp. Khi làm việc với tổ công tác, đối tượng kiên quyết không nhận mình là Hồ Minh Cảnh, đồng thời đưa ra quyết định hành chính buộc phải đưa đi cai nghiện mà y lúc nào cũng giữ trong người.

Chỉ đến khi tổ công tác đưa ra danh chỉ bảng và yêu cầu giám định vân tay công khai, đối tượng tái mặt, cúi đầu thú tội và thừa nhận chính mình là Hồ Minh Cảnh, ký vào biên bản bắt giữ theo Quyết định truy nã sau 3 năm lẩn trốn.

Cảnh khai nhận sau khi trốn truy nã tại Đồng Nai, y đổi tên thành Nguyễn Trọng Thạnh. Tại đây, y sử dụng ma túy và gây rối trật tự, bị Công an huyện Nhơn Trạch bắt xử lý và đưa đi cai nghiện 24 tháng tại TTLĐXH tỉnh Đồng Nai, tất nhiên với họ tên mới là Nguyễn Trọng Thạnh.

Theo đánh giá của Trung tá Bùi Sỹ Quân, đối tượng đã biết rõ sau khi thực hiện quá trình cai nghiện, đối tượng sẽ được đảm bảo tạo điều kiện tái hòa nhập cộng đồng với cái tên mới Nguyễn Trọng Thạnh. Y sẽ trở về Nhơn Trạch vì đã có bạn gái ở đó, đồng thời khi được tạo điều kiện có công ăn việc làm và giấy tờ mới, y sẽ có cơ hội xóa được cái tên cũ Hồ Minh Cảnh.

Ở nơi ai cũng là lính

Biên chế phòng từ tháng 6-2010, PC52 Công an tỉnh Phú Yên thoạt đầu mới chỉ có 6 người, mà toàn là quân tổng hợp từ các phòng, ban khác đưa về. Thượng tá Trưởng phòng Trương Công Tú từ huyện Phú Hòa lên, Trung tá Phó phòng Bùi Sỹ Quân từ bên hậu cần chuyển sang, Đại úy Đỗ Minh Dương từ Công an Tuy Hòa lên… Từ quân đến lính, từ trưởng phòng đến trinh sát đều phải tự thân đi làm án, tự thân cầm hồ sơ đi xác minh. Chính vì từ cái dở là neo người mà người đến lại là tứ phương như vậy, PC52 lại biến thành cái tốt là một đơn vị trên dưới đoàn kết một lòng, bởi ai cũng xác định không có đồng đội hỗ trợ và chia sẻ, nhiệm vụ cá nhân chắc chắn sẽ không hoàn thành.

Ấy thế nên ở PC52 Phú Yên mới có cái cảnh lãnh đạo xung phong nhận trực thay để lính có cơ hội được về nhà với gia đình. Trung úy Nguyễn Xuân Hoàng nhà ở tận Sông Cầu, con còn nhỏ, bố mẹ đi làm nên không ai trông cháu, đơn vị "đặc cách" cho hai ngày cuối tuần được phép về giúp đỡ gia đình, trừ những trường hợp đặc biệt cấp bách…

Rồi thấu hiểu cái cảnh vợ lính truy nã lúc nào cũng thấy chồng biệt tăm biệt tích, dễ phát sinh sự hiểu nhầm đáng tiếc, PC52 đã có một cái nếp sinh hoạt nhân văn là cuối năm gửi thư mời trịnh trọng đến từng gia đình mời họp mặt với gia đình anh em đồng đội. Trong bữa cơm thân mật ấy, những người vợ lính có cơ hội quen biết và chia sẻ với nhau, qua đó thấu hiểu được công việc đặc thù của các anh để rồi có điều gì thể tất mà cho qua… Những anh em nào chưa có gia đình thì lãnh đạo Phòng gửi giấy mời bố mẹ đến gặp mặt chung vui… Chính những điều nho nhỏ ấy đã khiến cho nhiều trinh sát trẻ có ý định chuyển về địa phương cho tiện giúp đỡ gia đình đã nhất quyết ở lại gắn bó với PC52