Lật tẩy nhiều thủ đoạn tinh vi của tội phạm ma túy tuyến biên giới Việt Nam – Lào

ANTD.VN - Trong 3 tháng triển khai Đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy tuyến biên giới Việt Nam – Lào, các lực lượng chức năng của hai nước đã phát hiện, bóc gỡ, xử lý nhiều đường dây tội phạm ma túy tinh vi.

Kết quả cùng những định hướng quan trọng của Đợt cao điểm đã được Bộ Công an Việt Nam phối hợp với Bộ An ninh Lào và các lực lượng liên quan tổ chức ngày 20-8, tại tỉnh Thanh Hóa.

Phạm tội bằng vũ khí “nóng”, thiết bị liên lạc hiện đại

Theo bộ phận thường trực tổng hợp thực hiện Kế hoạch số 86/KH-BCA-C04, ngày 22/3/2019 của Bộ Công an về mở đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy tuyến biên giới Việt Nam – Lào, trọng tâm là địa bàn 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh; trong 3 tháng triển khai thực hiện, với sự nỗ lực của Cục CSĐT tội phạm về ma túy, các Cục nghiệp vụ, Công an các đơn vị, địa phương, Bộ đội Biên phòng, Hải quan phối hợp với lực lượng chức năng nước CHDCND Lào triển khai đồng bộ các biện pháp công tác tại các tuyến, địa bàn biên giới các lực lượng chức năng đã điều tra bóc gỡ nhiều đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua tuyến biên giới Việt Nam - Lào, thu giữ một lượng lớn các chất ma túy.

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam phát biểu tại hội nghị

Diễn biến tình hình cho thấy, các đối tượng phạm tội hoạt động hết sức tinh vi, xảo quyệt và ngày càng manh động hơn, sẵn sàng sử dụng “vũ khí nóng” để chống trả lực lượng chức năng.

Cụ thể, ngày 3-6, tại khu vực Mốc 358 thuộc xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa, tổ công tác BĐBP Thanh Hóa kiểm tra 1 đối tượng có dấu hiệu nghi vấn đang xâm nhập vào địa bàn. Quá trình kiểm tra, bất ngờ có 1 đối tượng từ bên kia biên giới dùng súng bắn vào tổ công tác làm đồng chí Vi Văn Nhất hy sinh và 2 đồng chí bị thương. Sau đó, các đối tượng chạy thoát về phía bên kia biên giới, để lại hiện trường 12.000 viên ma túy tổng hợp.

Ổ nhóm, đường dây mua bán, vận chuyển về ma túy bị bắt giữ

Từ kết quả đấu tranh và tài liệu thu thập cho thấy, các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy hoạt động khép kín trên cơ sở quan hệ sẵn có giữa các dân tộc, họ hàng, anh em. Phương tiện vận chuyển ma túy thường là ô tô, xe máy, thậm chí đi bộ qua các đường tiểu ngạch hoặc đường mòn ở khu vực biên giới. Thủ đoạn cất giấu ma túy chủ yếu trong các khoảng trống của các phương tiện giao thông như bình xăng, cốp xe, mũ bảo hiểm, đồ gỗ mỹ nghệ, các kiện hàng, thùng loa, hoặc cất giấu ma túy trên người.

Điển hình, ngày 5-6, tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, bằng các biện pháp nghiệp vụ hải quan qua soi chiếu hàng hóa nhập khẩu, chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Cầu Treo phối hợp với Đồn Biên phòng Cầu Treo (BĐBP tỉnh Hà Tĩnh) phát hiện, thu giữ 40.000 viên ma túy tổng hợp đựng trong nhiều túi nilon, cất giấu trong 2 chiếc lọ lục bình gỗ do đối tượng Phan Tất Hưởng (SN 1986, trụ tại xã Nghi Văn, Nghi Lộc, Nghệ An) vận chuyển trên xe ô tô nhập cảnh từ Lào về Việt Nam.

Đáng chú ý, qua phân loại, giám định tang vật thu giữ, lực lượng chức năng phát hiện ma túy mới. Ngày 8-5, CAH Thạch Hà (Hà Tĩnh) bắt giữ 2 đối tượng có hành vi mua bán trái phép chất ma túy; vật chứng thu giữ 5 ống thủy tinh bên ngoài có in dòng chữ “DOLCONTRAL” và 2 bơm kim tiêm bên trong đều chứa chất lỏng trong suốt.

Kết quả giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: chất lỏng trong suốt bên trong ống thủy tinh và bơm kim tiêm tên là Pethidine - là chất ma túy được quy định trong Nghị định số 73/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ. Đây là loại biệt dược được sử dụng làm thuốc giảm đau, tiền mê, tăng cường cho gây mê (dùng qua đường tiêm), sẽ xảy ra lệ thuộc thể chất cũng như quen thuốc sau khi dùng thuốc nhiều lần liên tiếp, việc ngừng thuốc đột ngột sau khi dùng dài ngày có thể dẫn đến gây nghiện như hêrôin.

Đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng phạm tội về ma túy tập trung tại khu vực giáp biên giữa Việt Nam – Lào, hình thành các cơ sở tập kết để sẵn sàng vận chuyển ma túy đến nơi tiêu thụ. Đa số người dân tộc thiểu số được thuê tham gia, với vai trò môi giới, cảnh giới, vận chuyển… Quá trình hoạt động phạm tội, các đối tượng triệt để sử dụng các phương tiện liên lạc hiện đại như bộ đàm, điện thoại di động, internet để giao dịch. Đặc biệt xuất hiện tình trạng đối tượng phạm tội núp bóng doanh nghiệp để mua bán, vận chuyển ma túy thông qua các hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài vào Việt Nam và Việt Nam đi nước khác.

Bắt giữ trên 1.500 vụ phạm tội

Trong 3 tháng thực hiện Đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công, trấn áp tội phạm ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam – Lào, Công an các đơn vị, địa phương và lực lượng Bộ đội Biên phòng, Hải quan đã tăng cường lực lượng, biện pháp; tổ chức nắm tình hình, đấu tranh ngăn chặn các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy, các tụ điểm tập kết, tàng trữ trái phép chất ma túy; đồng thời tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong nước, lực lượng bảo vệ biên giới của Lào phát hiện, bắt giữ tội phạm ma túy, ngăn chặn hoạt động vận chuyển ma túy qua biên giới; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy cho nhân dân ở khu vực biên giới.

Trên 1.500 vụ với hơn 2.000 đối tượng phạm tội về ma túy bị lực lượng chức năng Việt Nam bắt giữ trong 3 tháng thực hiện Đợt cao điểm

Trên 1.200 buổi tuyên truyền, vận động đã được tổ chức, với hơn 200.000 lượt người tham gia. Trong 3 tháng, lực lượng CSĐT tội phạm về ma túy phát hiện, bắt giữ 1.530 vụ với 2.029 đối tượng (trong đó có 8 đối tượng truy nã về ma túy); thu giữ 117,82 kg heroin; 8,46 kg cần sa, thuốc phiện; gần 1.500 kg MTTH…Lực lượng Công an của 4 tỉnh Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay và tỉnh Khăm Muộn, nước CHDCND Lào khám phá 17 vụ án ma túy, bắt 27 đối tượng, trong đó có 4 đối tượng là người Việt Nam; thu giữ 161.154 viên MTTH; 17 kg MTTH; hơn 10 kg heroin.

Phát biểu tại hội nghị sơ kết 3 tháng triển khai Đợt cao điểm, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Việt Nam đánh giá, Việt Nam và Lào ở gần khu vực “Tam giác vàng” - là trung tâm sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy lớn trên thế giới. Chính vì vậy, hai nước chịu ảnh hưởng trực tiếp của hoạt động tội phạm ma túy, khiến tình hình ANTT phức tạp. 

Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh, việc đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy nói chung, đặc biệt là quan hệ hợp tác giữa các nước láng giềng là đòi hỏi thực tế khách quan. Nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề này, những năm qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ và có nhiều sáng kiến trong các hoạt động hợp tác quốc tế với các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới trong nỗ lực chung đấu tranh ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi ma túy ra khỏi đời sống xã hội. 

Thứ trưởng Lê Quý Vương mong rằng, các lực lượng chức năng hai bên sẽ tập trung trao đổi, đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những vấn đề còn hạn chế, từ đó rút ra kinh nghiệm nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phối hợp đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy trên tuyến biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào trong thời gian tới.