Lật tẩy hàng vạn hộp sữa Mỹ ruột Tàu

ANTĐ - Truyền thông Trung Quốc đưa tin, nước này vừa bắt giữ 6 người sản xuất và bán sữa bột giả hiệu Similac dành cho trẻ sơ sinh tại 7 tỉnh. Liên quan tới bê bối mới nhất về an toàn thực phẩm tại quốc gia đông dân nhất thế giới này, hôm 5-4, Abbott - hãng sản xuất sữa Similac xác nhận, vụ sữa giả bị phát hiện từ tháng 12 năm ngoái, đến nay cả đường dây mới bị triệt phá.

Lật tẩy hàng vạn hộp sữa Mỹ ruột Tàu ảnh 1

Người tiêu dùng Trung Quốc từng đổ xô mua sữa ngoại vì sợ chất lượng sữa nội địa

Giả mác hãng sữa hàng đầu của Mỹ

Theo giới truyền thông Trung Quốc, nhóm làm giả đã bán hơn 17.000 hộp sữa, thu về gần 2 triệu NDT (309.000 USD). Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Trung Quốc cho biết, theo kết quả kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm của cơ quan chức năng Thượng Hải, sữa bột giả nhãn hiệu Similac đáp ứng tiêu chuẩn quốc gia và không đe dọa tới an toàn sức khỏe trẻ nhỏ.

Thông tin sữa giả đạt tiêu chuẩn quốc gia gây tranh cãi trong dư luận Trung Quốc ngay khi được công bố, chủ yếu liên quan đến việc  sữa giả trên “hợp quy cách” với tiêu chuẩn sữa bột phổ thông hay sữa bột cho trẻ em. Một bài viết trên Tân Hoa xã dẫn lời một chuyên gia tên Tống Lượng giải thích: “Nguyên liệu của lô sữa giả trên là nguyên liệu sữa bột cho trẻ em, phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia và không gây ra nguy cơ nào. Sai phạm chỉ là sữa đó gắn trái phép mác Similac”.

Trong khi đó, Viện kiểm sát nhân dân tối cao Trung Quốc thông báo, các nghi phạm đã bị buộc tội sản xuất sữa trẻ em kém chất lượng và sử dụng trái phép nhãn hiệu nổi tiếng. Sản phẩm giả trên đã được bán cho những đầu nậu ở Từ Châu (Giang Tô) và Trịnh Châu (Hà Nam), sau đó  được đưa đi tiêu thụ trên khắp Trung Quốc.

Nhóm đứng đằng sau vụ lừa đảo này do 2 đối tượng họ Trần và họ Đường điều hành. Chúng bị nghi ngờ đã cung cấp cho nhóm 6 người trên những hộp sữa bột nhái hàng Similac - nhãn hiệu sữa hàng đầu của Mỹ và các loại sữa bột rẻ tiền khác.

Viện kiểm sát nhân dân thành phố Thượng Hải cho biết, vụ việc đang trong giai đoạn điều tra và từ chối bình luận hay cung cấp thêm thông tin. Trong quá trình theo dõi việc bán các sản phẩm này trên Internet, Cục Quản lý Dược phẩm và Thực phẩm Trung Quốc cũng ra một thông cáo hôm 4-4, cảnh báo người tiêu dùng cẩn thận khi mua sữa bột dành cho trẻ em qua mạng. Cơ quan này cũng nhắc nhở người bán sữa bột trẻ em và các cơ sở cung cấp nền tảng bán hàng qua mạng cần tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm, đồng thời nhấn mạnh rằng họ sẽ bị xử lý hình sự nếu vi phạm.

Cần cơ chế để người tiêu dùng yên tâm

Theo tờ Deutsche Welle, đây là bê bối mới nhất liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm tại Trung Quốc. Quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đã cam kết đẩy mạnh kiểm tra sau bê bối sữa nhiễm melamine khiến 6 trẻ sơ sinh thiệt mạng và 300.000 trẻ khác mắc bệnh hồi năm 2008.

Thời điểm đó, một số công ty lớn ở Trung Quốc đã bị phát hiện bán sữa có melamine - một chất hóa học công nghiệp làm tăng hàm lượng protein. Melamine dẫn tới sỏi thận, suy thận và chủ yếu gây hại cho trẻ nhỏ. Liên quan tới vụ sữa độc này, 2 người đã bị tuyên án tử hình và 4 người khác bị tù chung thân.

Vụ việc đã khiến các bậc phụ huynh ở Trung Quốc lên cơn sốt săn lùng sữa ngoại, vốn được đánh giá là an toàn hơn. Trào lưu này từng gây ra tình trạng khan hiếm sữa tại Hồng Kông (Trung Quốc), Anh và Australia.

Để giảm tâm lý “sính” sữa ngoại của người Trung Quốc, chuyên gia Tống Lượng nói: “Cần thiết lập cơ chế truy được nguồn gốc xuất xứ để người tiêu dùng an tâm, chính phủ cũng nên xử lý những việc này một cách minh bạch. Đặc biệt nên tăng cường bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, khi quyền này bị tổn hại lại càng cần duy trì bảo vệ quyền lợi cho họ”.

Cũng liên quan tới bê bối thực phẩm kém an toàn, tháng trước, Trung Quốc đã tuyên án tù 10 người vì bán thịt bò khô giả. Nhóm người này đã thêm hương liệu và chất tạo màu vào thịt lợn đã qua sử dụng để làm giả sản phẩm. Thượng Hải cũng từng kiện công ty thực phẩm Mỹ - OSI Group vì đóng gói thịt kém chất lượng và quá hạn sử dụng thành sản phẩm mới. Tháng 2 vừa qua, 6 nhân viên công ty này đã bị phạt tù.