Lật tẩy đường dây huy động ngoại tệ đa cấp từ... sự ẩn ức

ANTD.VN - Câu chuyện diễn ra cách đây gần 10 năm, song đến giờ, tôi vẫn nhớ từng chi tiết, từng gương mặt, nhất là từng thủ đoạn, cách thức huy động ngoại tệ tinh vi của nhóm đối tượng, mà sau đó, đã bị Cảnh sát kinh tế Công an Hà Nội “sờ gáy”.

Bộ Công an vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Văn Thông (áo trắng), Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 868 (Công ty 868), ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức kinh doanh đa cấp

Sức hút của trò kinh doanh đa cấp

Hôm đó vào buổi chiều muộn một ngày tháng 9-2007, tôi được chỉ huy Ban Nội chính phân công sang Phòng Cảnh sát kinh tế - Công an Hà Nội, nắm bắt thông tin ban đầu về đường dây huy động ngoại tệ có dấu hiệu lừa đảo. Đây là điều hết sức quý, bởi ngay cả PV mảng Nội chính “thân” với anh em trinh sát là thế, nhưng cũng ít khi được tham gia ngay từ đầu chuyên án, nhất là với án kinh tế. Tiếp tôi là một trinh sát Đội Kinh tế thương mại, gần 50 tuổi (xin được phép không nêu tên anh, vì yêu cầu công tác).

Tôi được trao đổi về chuyên án trinh sát “đánh” đường dây huy động ngoại tệ đa cấp và được giới thiệu gặp gỡ một người có nhiều thông tin về hoạt động có dấu hiệu lừa đảo này.

“Thu thập tài liệu chứng cứ để xử lý hành vi của các đối tượng chỉ là một phần nội dung của chuyên án. Chỉ huy phòng đã xin ý kiến Ban Giám đốc, đề nghị Báo An ninh Thủ đô vào cuộc để cảnh báo loại tội phạm mới, có khả năng gây tán gia bại sản nhiều gia đình”. Đó là thông điệp mà chúng tôi được chuyển tải, qua cán bộ trinh sát Đội Kinh tế thương mại.

Cứ thế trong gần 1 tháng trời, trong vai những nhà đầu tư, lúc đi cùng trinh sát Đội Kinh tế thương mại, lúc chỉ có nhóm PV ANTĐ, chúng tôi đã gặp gỡ với gần chục đối tượng tổ chức, nhà đầu tư, với bề ngoài hết sức hoành tráng. Trong đó, cuộc gặp đầu tiên với người có thông tin về đường dây huy động ngoại tệ là ấn tượng nhất. Đó là một thương gia sống ở một chung  cư cao cấp tại quận Đống Đa, Hà Nội.

Kinh tế hết sức khá giả, nhưng thời gian gần đây, vị thương gia “ức” vì mẹ của anh đang bị một đồng hương quê ở Bắc Giang đến gạ gẫm, rủ tham gia đầu tư, làm ăn với…đối tác Mỹ.

Chẳng hiểu đồng hương tỉ tê ra sao, mà bà cụ gần 80 tuổi bỏ bê nhà cửa, con cháu, bắt vị thương gia rút mấy nghìn USD trong sổ tiết kiệm ra đầu tư, với quan điểm: “Tiền của mẹ, đọng một chỗ mất giá, phải cho quay vòng, bắt tiền đẻ ra tiền”. Thế mới thấy sức hút kinh khủng của trò kinh doanh đa cấp; lợi nhuận không rõ đến đâu, song nó đủ “lực” để “hút” bất kỳ ai, kể cả người cao tuổi và kinh tế khá giả!

Từ cầu nối đầu tiên là bà cụ mẹ của vị thương gia đó, chúng tôi dần dần tiếp cận được nhóm đối tượng, tự giới thiệu là đại diện – điều hành chi nhánh của các kênh huy động ngoại tệ, gồm: Colonyinvest..., Money100..., C-inves, và Lasvegas... Các “kênh” này có nguyên tắc là chỉ nhận USD, chính vì vậy, Ban Biên tập quyết định “đầu tư” cho chúng tôi 100 USD, nhằm phục vụ thuận lợi hơn trong quá trình tìm hiểu, phanh phui thủ đoạn lừa. 

Lãi suất nhỏ, tiền hoa hồng “khủng”

Theo thỏa thuận, “nhà đầu tư” như chúng tôi khi nộp tối thiểu 100 USD sẽ không cần biên nhận, mà được lập và quản lý tài khoản trên mạng Internet, một trong số các  kênh huy động vốn nêu trên. Không giới hạn tuổi tác, quốc tịch, “nhà đầu tư” sau khi nộp 100 USD để mở tài khoản, sẽ được hưởng lãi suất từ 2,5-6%/ngày, tùy hình thức đầu tư.

Tuy nhiên, số vốn góp này sẽ không được rút ra mà để đầu tư lâu dài. Tinh thần mà các “nhà sáng lập” áp dụng là: “Lãi suất chỉ là việc nhỏ; hoa hồng có được từ việc giới thiệu thêm “nhà đầu tư” mới đáng kể. Càng giới thiệu nhiều người với số tiền càng lớn, hoa hồng sẽ càng khủng”.

Rất quái, nhóm đối tượng đầu vụ trong những lần gặp các nhà đầu tư mới khuyên không nên dốc toàn bộ gia sản vào đầu tư, để tránh rủi ro trong trường hợp sập mạng! Mà chỉ nên đầu tư 70% tiền trong nhà, còn lại là…giới thiệu người khác tham gia để hưởng hoa hồng! Có ở tâm thế đi điều tra như chúng tôi khi ấy mới nhận ra sự phi lý: lãi suất 2,5%/ ngày tương đương với 75%/ tháng, con số ấy chắc chắn không tổ chức tín dụng nào trên thế giới dám áp dụng. 

Cuối tháng 10-2007, tại một quán cà phê sang trọng trên phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, nơi diễn ra cuộc gặp của những “nhà tổ chức lớn”; vở kịch lừa đã hạ màn. Nhóm 4 đối tượng chủ chốt ở các kênh huy động vốn trên đã bị lực lượng công an mời về trụ sở Phòng Cảnh sát kinh tế ở 40B Hàng Bài, khi đang thao thao thuyết giảng cho một nhóm khách về lợi tức của “kênh” Money100...

Tại đây, họ thừa nhận chủ yếu là đi vận động người quen, họ hàng để kiếm hoa hồng. Còn “mặt mũi” văn phòng, trụ sở Money100.us hay Lasvegasinvest thế nào, cả 4 đều chưa từng được thấy. 

Thông tin về sau trên mạng cho thấy, địa chỉ mà “kênh” Colonyinvest quảng cáo, thực chất là trụ sở của một công ty kinh doanh… bao cao su. Sau loạt bài đăng tải trên Báo An ninh Thủ đô, cùng sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, dần dần,  Colonyinvest sập; truy cập Money100... cũng chỉ nhận được dòng thông báo bằng tiếng Anh, đại ý, tài khoản và tên truy cập đã không còn tồn tại.

Gần 10 năm sau, giờ đây, kinh doanh đa cấp diễn biến phức tạp hơn. Nhưng, chúng tôi luôn hài lòng vì ít nhất ở thời điểm đó, đã góp sức cảnh báo, chặn hành vi lừa đảo người dân. Có lẽ, nhiều bạn đọc đã kịp dừng “đầu tư”, kịp nhận ra chân tướng của Money100..., Lasvegas… khi tiếp nhận thông tin đến từ Báo An ninh Thủ đô.