Lật tẩy “công nghệ” thi đại học tại Trung Quốc

ANTĐ - Trong khi hàng nghìn thí sinh phải miệt mài đèn sách cho kỳ thi đại học quan trọng thì một bộ phận thí sinh khác có thể nhẹ nhàng vượt qua kỳ thi này nhờ thi thuê. Không chỉ gian lận trong giám sát thi cử, công tác tuyển sinh sau kỳ thi tại Trung Quốc cũng tồn tại nhiều vùng tối. 

Phụ huynh khấn bái bên ngoài địa điểm thi để cầu mong con thi đỗ

Qua mặt giám thị bằng… tiền

Tuy kỳ thi đại học tại Trung Quốc đã diễn ra vào đầu tháng 6, nhưng vụ việc gian lận thi cử dưới hình thức thi hộ tại tỉnh Hà Nam của nước này vẫn là tâm điểm chú ý của dư luận. Mới đây, ngày 9-7, theo thông tin từ Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc, Bộ Giáo dục Trung Quốc thông báo đã điều tra ra 35 người liên quan đến hoạt động thi hộ ở tỉnh Hà Nam. Trong đường dây này có 11 người tham gia thi hộ, 10 thí sinh thuê người thi, 3 người môi giới, 9 cán bộ vi phạm quy định và 2 nhân viên khác có liên quan. Những sinh viên thi thuê sẽ bị đuổi học, thí sinh thuê người khác thi hộ bị đình chỉ thi trong 3 năm, nhân viên cán bộ vi phạm bị xử lý theo pháp luật. Trước đó, ngày 17-6, Văn phòng tuyển sinh tỉnh Hà Nam cho biết phát hiện 127 thí sinh thi hộ trong 165 thí sinh vi phạm quy chế thi.

Tại Trung Quốc, sinh viên thi hộ được gọi là “thương thủ”. Các “thương thủ” phải trải qua nhiều vòng kiểm tra nghiêm ngặt. Trước giờ thi, thí sinh được đối chiếu với ảnh và  thông tin đăng ký dự thi, đồng thời kiểm tra dấu vân tay bằng máy điện tử. Thi thuê không còn là một hiện tượng mới tại Trung Quốc – nơi có gần 10 triệu thí sinh tham gia kỳ thi đại học năm nay, nhưng vẫn không thể loại bỏ triệt để tình trạng này, bởi theo người chiêu mộ các “thương thủ”, chỉ cần dùng tiền mua chuộc thì mọi cửa giám thị đều có thể qua.

Quá trình lật tẩy đường dây thi thuê nói trên cho thấy, vài tháng trước kỳ thi đại học, trong các phòng vệ sinh dành cho sinh viên một số trường đại học ở tỉnh Hồ Bắc như Đại học Vũ Hán, Đại học Công nghệ Vũ Hán, Đại học Kinh tế - Luật Trung Nam...  xuất hiện quảng cáo tuyển “thương thủ”, trong đó để lại một số điện thoại của người tự xưng là “thầy giáo Lý” – hiện danh tính thật của người này chưa được cơ quan chức năng công khai. Các “thương thủ” được đưa từ thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc) đến tỉnh Hà Nam để thi thuê. Trước đó, ngay ở khuôn viên của trường Đại học Kỹ thuật Hoa Trung (tỉnh Hồ Bắc), thầy Lý đã tổ chức thi thử chọn ra “thương thủ”. Thầy Lý cho biết, chỉ cần mua được chủ tịch hội đồng coi thi là mọi chuyện suôn sẻ. Năm ngoái, số tiền “lót tay” cho một hội đồng coi thi tại huyện, thành phố thuộc tỉnh là khoảng 60.000 NDT, năm nay tăng thêm 10.000 NDT. Người môi giới này cũng khoe đã cung cấp dịch vụ thi thuê nhiều năm nay.

Theo thầy Lý, giá thuê người thi hộ ở nguyện vọng 1 là 30.000 NDT, nguyện vọng 2 là 20.000 NDT và 50.000 NDT là con số ngất ngưởng để thi vào các trường loại giỏi. Thầy giáo này dặn dò “thương thủ” khi đến điểm thi không được mang theo chứng minh thư của bản thân, tránh bị giám thị phát hiện danh tính thật. Đặc biệt, thầy Lý còn đảm bảo rằng nếu họ bị phát hiện và không thi hộ được, cũng sẽ được trả 10.000 NDT. Tuy nhiên, vòng kiểm tra nhân thân khó nhất trước khi vào thi là kiểm tra vân tay, nhưng điều này được giải quyết “nhẹ nhàng” do mỗi “thương thủ” đều được trang bị màng vân tay giả. 

“Sâu tham nhũng” trong ngành giáo dục

Một chuyên gia giáo dục ở Trung Quốc cho biết, những yếu tố như cơ chế giám sát lỏng lẻo, sự can thiệp của quyền lực và tiền bạc đã gây ra hiện tượng tiêu cực trong lĩnh vực tuyển sinh. 

Mặc dù Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ra lệnh cấm tuyển sinh không chính thức, nhưng một số trường đại học vẫn xảy ra tình trạng này. “Chỉ cần là con cái của giảng viên trong trường, đạt được điểm sàn là có thể nhận vào”, hãng Tân Hoa xã dẫn lời một giáo viên tại một trường cao đẳng ở miền đông Trung Quốc cho biết. Tờ SCMP đưa tin, một chủ doanh nghiệp cho biết, ông này đã chi 1 triệu NDT để mua được chức “chủ tịch hội đồng quản trị” của một trường cao đẳng danh tiếng. Mỗi năm đến kỳ tuyển sinh, ông ta đều có vài suất tuyển sinh đặc biệt ở đây. “Thường thì các suất học đặc biệt dành cho con cái, người thân, của đối tác hoặc quan chức có mối quan hệ” – vị giám đốc này cho biết. Tình trạng tuyển sinh “cửa sau” này không chỉ xảy ra ở các trường kỹ thuật, kinh tế, xã hội mà còn tồn tại ở các trường nghệ thuật. Bà Đặng Tú – Hiệu trưởng trường Nông nghiệp Hoa Trung cho biết: “Nếu đã hối lộ giám thị, trong phòng thi hội họa chỉ cần vẽ vài nét là bài thi đó sẽ được coi là xuất sắc. Người ngoài ngành sẽ không thể đánh giá được chất lượng đúng của những bài thi này”. Tân Hoa xã dẫn lời một phụ huynh tiết lộ: “Khi thi vào ngành nghệ thuật, về cơ bản là nhà trường muốn tuyển sinh ai thì người đó sẽ đỗ, nhưng chi phí “đi cửa sau” không thấp chút nào, phải mất vài chục nghìn NDT”.

Ngoài ra, công tác tuyển sinh bổ sung khi trường bị thiếu chỉ tiêu sinh viên cũng tồn tại nhiều bất cập. Chủ nhiệm khoa nghệ thuật thuộc một trường đại học ở miền bắc Trung Quốc cho biết, khi tuyển sinh bổ sung, điểm tuyển sinh của trường giảm từ 3-5 điểm. Tuy nhiên không phải tất cả các thí sinh đều có cơ hội được vào trường khi đã hạ điểm, thường là thí sinh có gia đình giàu có hoặc có quan hệ mới được tuyển, với mức 10.000 NDT cho mỗi điểm bị thiếu.

Chính thực trạng làm giàu từ công tác tuyển sinh đã “nuôi béo” nhiều “con sâu” tham nhũng trong nền giáo dục Trung Quốc. Những năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã xử lý không ít quan chức và cán bộ liên quan đến tình trạng gian lận thi cử và tuyển sinh. Đầu tháng 6 năm nay, Thái Vinh Sinh – một cán bộ thuộc trường Đại học Nhân dân Trung Quốc bị bắt giữ vì nhận hối lộ. Kết quả điều tra cho thấy, ông Thái Vinh Sinh đã nhận hơn 1.000 NDT để giúp người quen được vào trường theo hình thức tuyển sinh không chính thức. Trước đó, năm 2010, nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục tỉnh Cát Lâm – Vu Hưng Xương đã bị kết án tù chung thân do ăn “bẩn” 9,53 triệu NDT từ các gia đình thí sinh để tạo thuận lợi cho con em họ trong việc chọn trường, thi đỗ và chọn khoa một cách không minh bạch.

Thiết bị quay cóp như của James Bond

Lật tẩy “công nghệ” thi đại học tại Trung Quốc ảnh 2

Để gian lận trong kỳ thi đại học, nhiều sĩ tử đã sử dụng những thiết bị được thiết kế tinh vi như của điệp viên James Bond nổi tiếng. Cảnh sát Trung Quốc đã công bố những bức ảnh về một vài thiết bị quay cóp họ tịch thu được như camera giấu trong kính và bộ phận thu phát nhỏ bằng đồng xu; camera trong bút viết và tai nghe không dây nhận đáp án; chiếc ví kết nối với máy thu phát đặt ở nách thí sinh và máy chụp hình cài trên chai nước; áo ba lỗ mặt trong có vòng dây đồng kết nối với điện thoại tuồn thông tin ra ngoài…