Lật tẩy cả đường dây buôn người từ một... "nickname"

ANTĐ - Nhà văn Ma Văn Kháng đã từng nói rằng: “Chuyện anh Công an Việt Nam hay lắm, hấp dẫn lắm!... Đấu tranh chống lại cái ác! Một lát cắt của đời sống hiện thực! Cuộc đời này còn bao nỗi éo le và gian khó… Nhưng, nhận ra điều đó tôi cũng tìm thấy cái đẹp nảy sinh ở ngay nơi đây. Chiến công làm cho cuộc đời mỗi ngày tốt đẹp lên của con người sẽ là muôn đời bất diệt!”. Từ nghĩ suy, niềm trăn trở, sự chiêm nghiệm của ông khiến chúng tôi phải bước ra hiện thực, đi tìm từng nhân vật tiêu biểu trong lực lượng công an, là đồng đội của mình.

Cháu bé 3 ngày tuổi bị bắt cóc được giải cứu trở về bên người thân

1 buổi gặp gỡ giữa chúng tôi đã ngoài giờ làm việc. Ánh đèn đường trên con phố nhỏ Thiền Quang đã thắp sáng, trong căn phòng hơn 20m2 của Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em (Đội 12), Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội chỉ còn lại mình anh. Câu chuyện giữa chúng tôi được bắt đầu bằng câu nói của nhà văn Ma Văn Kháng. Như được khơi gợi, anh bắt đầu kể cho chúng tôi những pha truy bắt tội phạm gay cấn, sự vất vả, gian nan của người lính chiến đấu trên mặt trận đấu tranh chống tội phạm mua bán người. 

…“Vào một ngày cuối tháng 3 năm ngoái, tôi nhớ lắm bởi hôm đó trời mưa tầm tã, một người phụ nữ trùm áo mưa kín mít đến gõ cửa Đội. Ánh mắt bàng hoàng trĩu nặng khi nước mắt cứ rơi và nhòa đi cùng nước mưa của người phụ nữ ấy “đánh” mạnh vào tâm trí tôi như lời cầu cứu cuối cùng của sự tuyệt vọng. Bản tường trình của chị - một người mẹ trình báo về việc con gái mình là cháu H. (SN 1997, Cầu Giấy, Hà Nội) bị một nhóm đối tượng lừa bán sang Trung Quốc. Manh mối duy nhất là cháu H. gọi điện về nhà nhưng không xác định được mình đang ở đâu. Cháu chỉ cung cấp cho gia đình “nickname” của nhóm đối tượng sử dụng trên mạng.

Linh cảm nghề nghiệp mách bảo có thể đây là một đường dây, tổ chức chuyên lừa các cô gái trẻ bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm. Ngay lập tức tôi đã báo cáo ban chỉ huy Đội, Phòng xác lập chuyên án trinh sát mang bí số 130P để tập trung đấu tranh với ổ nhóm này. Thật sự có không ít chuyên án chẳng có bất cứ manh mối gì ngoài “tên giả” của nghi phạm khiến chúng tôi gặp không ít khó khăn khi xác định và truy bắt các đối tượng. Chuyên án này là một ví dụ điển hình, các đối tượng hoạt động liên lạc chủ yếu thông qua chat trên mạng Internet và không sử dụng tên thật.

Thông tin về vụ án chỉ là những “nickname”, tổ trinh sát chúng tôi nhanh chóng rà soát, thu thập tài liệu và lần ra nhóm thanh niên có biệt danh là “Tý” và “Hoàng” đều là dân nghiện net, chuyên làm quen với nữ sinh trên mạng để lừa bán sang bên kia biên giới. Suốt một tháng trời ròng rã đêm ngày, chúng tôi đã vén những điều bí ẩn nằm sau chuyên án. Để lần ra đầu mối liên lạc, chúng tôi đã khéo léo tiếp cận, câu nhử các đối tượng cắn câu. Đối tượng tình nghi đầu tiên được xác định có tên là “Tý” (tên thật là Nguyễn Dương Hoàng Phi, SN 1977, ở Tổ 7, Trung Liệt, Đống Đa, Hà Nội). Ngày 21-4-2011, lực lượng Cảnh sát đã bao vây nhà Phi, bắt khẩn cấp đối tượng chưa đầy 14 tuổi này. Qua đấu tranh khai thác “nóng” với Phi, chúng tôi đã nắm rõ quy luật hoạt động của đường dây.

Ngay trong đêm đó, Cơ quan điều tra đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp đối tượng “Hoàng” (tên thật là Vũ Văn Ca, SN 1989, ở phường Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai). Đây chính là đối tượng chủ mưu vụ án câu kết với Phi lên kế hoạch dụ dỗ, lừa bán cháu H. sang Trung Quốc. Với việc xác định thêm một mắt xích vô cùng quan trọng của vụ án chính là đối tượng Quách Hoa Phượng (vợ của Ca). Bằng các biện pháp nghiệp vụ tiếp tục đấu tranh và câu nhử nhóm đầu nậu buôn người bên kia biên giới, chúng tôi đã phục kích 2 tú bà đang sinh sống ở Trung Quốc trở về Việt Nam “ăn hàng” bị bắt gọn, đó là Bùi Thị Bích Tường (SN 1972, HKTT ở xã Lang Sơn, huyện Hạ Hòa, Phú Thọ) và Lê Thị Toan (SN 1989, HKTT ở Chương Dương, Thường Tín, Hà Nội). Chuyên án chưa dừng lại, qua nhiều kênh thông tin, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, chúng tôi đã hướng dẫn nạn nhân xác định vị trí đang ở, đồng thời phối hợp với Công an tỉnh Lào Cai, Cảnh sát hình sự quốc tế Interpol… tổ chức giải cứu nạn nhân”. Có thể nói đây là một chuyên án rất thành công vì đã triệt xóa hoàn toàn, tất cả các mắt xích quan trọng trong đường dây đều bị bắt giữ. 

2 Anh kể, những vụ án như trên chỉ bắt đầu từ một thông tin rất mong manh, nếu không có tâm, sự say mê nghề nghiệp thì chúng tôi khó lòng phá án. Hầu như các vụ khám phá những đường dây buôn bán trẻ em, thông tin đều mong manh như thế.

10 tháng trước (ngày 3-11-2011), trên địa bàn Hà Nội lần đầu tiên xảy ra việc bắt trẻ sở sinh mới 3 ngày tuổi ngay tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương gây hoang mang trong dư luận quần chúng nhân dân. Hôm đó, chúng tôi cũng có mặt ở sân bệnh viện để đợi đưa tin, chụp ảnh khoảnh khắc cháu bé Phạm Văn Trường được giải cứu trở về trong vòng tay cha mẹ và người thân. Thú thật ngày đó chúng tôi chưa biết anh, lại càng không biết anh chính là thư ký của ban chuyên án! Anh cười và bảo: “Đây là chuyên án rất thành công vì đã làm rõ bắt gọn đối tượng, giải cứu an toàn cháu bé bị chiếm đoạt gây tiếng vang lớn trong dư luận cả nước, làm tăng thêm lòng tin yêu, cảm phục của quần chúng nhân dân đối với lực lượng Công an Thủ đô. Và đây cũng là chuyên án để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc lắm, đó là vụ án xảy ra ngay khi tôi vừa kết thúc tuần trăng mật trở về, mới đi làm được 2 ngày thì nhận lệnh của đơn vị tham gia điều tra vụ án.

Các đối tượng buôn bán người bị bắt giữ

Xác định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng và là thủ đoạn mới của bọn tội phạm, Ban Giám đốc CATP đã chỉ đạo trực tiếp Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội xác lập chuyên án 012T do đồng chí Trưởng phòng, Đại tá Đào Thanh Hải làm trưởng ban để tập trung lực lượng và các biện pháp điều tra vụ án. Trên cương vị của chúng tôi, có đặt mình vào vị trí của gia đình người bị hại mới cảm nhận được nỗi đau đớn của gia đình nạn nhân. Nhìn người mẹ vật vã vì mất con, người nhà nạn nhân đứng ngồi không yên, chưa kể đến việc trong vụ án này tôi là người trực tiếp đến ghi lời khai tại bệnh viện nên phần nào thấu hiểu nỗi đau mất con của chị Trần Thị Thơm và anh Phạm Văn Chiều (ở thông Bắc Kênh Cầu, xã Đồng Than, Yên Mỹ, Hưng Yên), khiến chúng tôi lại càng phải quyết tâm phá án cho bằng được. 

3 Tham gia khám phá nhiều vụ án buôn bán phụ nữ và trẻ em, anh chia sẻ rằng tính mạng con người luôn phải đặt lên hàng đầu!. Nhưng phía sau những vụ án lại là những cuộc đeo bám lặng thầm, đấu trí nghẹt thở, có những chuyên án mà mỗi người trong chúng tôi phải đơn thương độc mã hóa thân thành nhiều nhân vật để xác định danh tính đối tượng. Tôi đã vào vai “xe ôm”, cửu vạn, có lúc lại là một đại gia trong lĩnh vực bất động sản trong vụ án bắt giữ Lê Thị Hải (SN 1971, trú tại xã Tân Châu, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).

Khoảng tháng 6-2011, tôi nhận được thông tin tại huyện Từ Liêm, Hà Nội có một nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc trở về. Linh cảm nghề nghiệp khiến tôi nhận định đây có thể là đầu mối để tìm ra đường dây mua bán người. Cái ngày tôi tìm ra địa chỉ và nhìn thấy hình ảnh tàn tạ lẫn ánh mắt hoảng loạn của cô gái may mắn trốn thoát về nước sau chuỗi ngày sống trong địa ngục nơi đất lạ quê người khiến tôi quyết tâm phải phá án bằng được.

Gợi mở, thuyết phục, giúp nạn nhân nhớ lại các tình tiết vụ án, tôi xác định được đối tượng là phụ nữ, tên Hải, ở khu vực Từ Liêm. Lặn lội ở địa bàn, vào nhiều vai khác nhau tôi nhận thêm được tin tại xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm có đối tượng tên Hải, có dấu hiệu nghi vấn, thường lân la làm quen với các cô gái trẻ, rủ đi chơi và sau đó không thấy họ trở về. Bằng biện pháp nghiệp vụ tôi đã chụp được ảnh của đối tượng rồi cho nạn nhân nhận dạng. Sau đó hành vi phạm tội cũng như hoạt động của đối tượng đã được xác minh, làm rõ. 

Cuộc đời trinh sát của mình, anh đã đi qua nhiều vụ án, nhưng vụ án đầu tiên vẫn là vụ án khó quên nhất. Đó là vào tháng 12-2004, tại huyện Ứng Hòa xảy ra một vụ án bắt cóc giết người. Nạn nhân là bé gái 8 tuổi, còn hung thủ đang học lớp 11 sống gần nhà với nạn nhân. Do chơi lô đề, cờ bạc không có khả năng thanh toán, hung thủ đã nảy sinh ý định bắt cóc một đứa trẻ để tống tiền, tuy nhiên thủ phạm do sợ lộ đã sát hại để che đậy hành vi phạm tội của mình. Tên sát nhân này tuy nhỏ tuổi nhưng khá tinh vi và xảo quyệt. Những tháng ngày đó tôi còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, học nghề bằng những công việc chính là đến trông coi hiện trường để thu thập thông tin, bảo quản xác nạn nhân để tránh bị mất dấu… Nói thật tôi là dân ngoại đạo đấy! Tôi là dân kinh tế xịn nên với nghề này mọi thứ hoàn toàn mới mẻ và lạ lẫm. Chính vì thế tôi thường tìm hồ sơ những vụ án cũ để xem lại  hay theo chân các chú, các anh đến hiện trường để học hỏi. Thời gian cứ trôi đi, từ việc thụ lý các vụ án đơn giản đến những vụ án phức tạp, các chuyên án lớn hơn giúp tôi dần dạn dầy trong các vụ án. Điều giúp kẻ “lính mới ngoại đạo” như tôi tồn tại được với nghề mà không nản lòng đó chính là tính cách đeo bám đến cùng vụ án. 

Biết anh đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm, biết anh đã được nhiều lần được vinh danh như Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, UBND TP, Giám đốc CATP, là 1 trong 10 gương mặt trẻ Công an Thủ đô tiêu biểu năm 2011, 1 trong 20 gương tiêu biểu được tuyên dương và đón nhận danh hiệu “Thanh niên Công an tiêu biểu” năm 2012 nhưng khi tôi đề cập đến chuyện này thì anh chỉ cười hiền. Thành tích, bằng khen đó là sự ghi nhận những đóng góp, những nỗ lực của người chiến sĩ công an ngày đêm lăn lộn chiến đấu với tội phạm để mang lại niềm vui cho nhân dân. Nhưng trong câu chuyện với anh tôi hiểu được rằng niềm vui lớn nhất, có ý nghĩa nhất đối với anh đó là phần thưởng từ nhân dân. Anh thấy vui vì mình được một gia đình lấy tên anh để đặt tên cho đứa con của mình (cháu bé mới 10 ngày tuổi được giải cứu thoát khỏi tay mẹ mìn định bán sang Trung Quốc) “để cho giống chú Quân”. Vâng, anh chính là Thượng úy Phạm Hồng Quân - một chiến sỹ trong tập thể Đội Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm mua bán phụ nữ và trẻ em, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội.