Lật mặt tội phạm qua những trang hồ sơ

(ANTĐ) - Khi nhắc đến chiến công khám phá thành công các vụ án, bắt được những tên tội phạm nguy hiểm, người ta thường nghĩ ngay đến những trinh sát, những điều tra viên. Ít người biết được rằng có những con người thầm lặng nhưng có đóng góp vô cùng quan trọng trong việc đưa ra ánh sáng những tên tội phạm đang ẩn mình trong bóng tối…

Lật mặt tội phạm qua những trang hồ sơ

(ANTĐ) - Khi nhắc đến chiến công khám phá thành công các vụ án, bắt được những tên tội phạm nguy hiểm, người ta thường nghĩ ngay đến những trinh sát, những điều tra viên. Ít người biết được rằng có những con người thầm lặng nhưng có đóng góp vô cùng quan trọng trong việc đưa ra ánh sáng những tên tội phạm đang ẩn mình trong bóng tối…

Từ công tác tra cứu hồ sơ nghiệp vụ, nhiều vụ án được khám phá
Từ  công tác tra cứu hồ sơ nghiệp vụ, nhiều vụ án được khám phá

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục CSĐT tội phạm về ma túy (C17 - Bộ Công an) nhắc mãi về sự hiệp đồng chặt chẽ, đóng góp quan trọng của lực lượng hồ sơ trong thắng lợi của Chuyên án 853T. Trong quá trình đấu tranh chuyên án này, các trinh sát gặp nhiều khó khăn khi tìm hiểu về đối tượng nghi vấn cầm đầu đường dây ma túy lớn là Trịnh Nguyên Thủy.

Kết quả tra cứu của cơ quan hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát cho thấy Thủy đã có tiền án về tội mua bán các chất ma túy nay đã “gác kiếm” xây dựng nhà hàng, trang trại để rửa tiền và có rất nhiều thủ đoạn để chống lại các biện pháp điều tra. Do vậy, cơ quan điều tra đã có định hướng, kế hoạch chỉ đạo phá án kịp thời, giúp trinh sát tính toán biện pháp phù hợp, tạo bất ngờ, phá án thành công. Hay trong Chuyên án 216P, công tác hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đã phát hiện Đông là đối tượng đang bị truy nã toàn quốc về tội mua bán trái phép ma túy do Công an TP.HCM ra lệnh.

Trên cơ sở đó, Ban chuyên án đã xây dựng kế hoạch phá án sát hơn, vừa kết hợp bắt quả tang đồng bọn của Đông theo lệnh truy nã để đấu tranh khai thác mở rộng án. Cũng trong chuyên án này, kết quả tra cứu phát hiện Bùi Văn Q ở Lê Chân, Hải Phòng cũng là đối tượng đang bị Công an Hải Phòng nghi vấn. C17 đã cử trinh sát xuống Hải Phòng phối hợp cùng công an địa phương tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, hiệp đồng phá án, kết quả đã bóc gỡ thành công được cả đường dây, ổ nhóm của Q. Trong nhiều vụ án, chuyên án khi lực lượng trinh sát phá án bắt được đối tượng, cần khẩn cấp bắt tiếp một số đối tượng khác có liên quan để phục vụ mở rộng án. Do vậy, ảnh của đối tượng rất quan trọng, giúp trinh sát nhận diện đối tượng tốt hơn.

Trong một vụ án, khi trinh sát bắt quả tang Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Thị Mỹ, Đỗ Thị Mười vận chuyển hai bánh heroin. Căn cứ vào tài liệu trinh sát, cơ quan điều tra đã bắt tiếp Bùi Văn Công ở Hưng Yên, Bùi Văn Quỳnh ở Hải Phòng, Vũ Thị Hạnh ở Hà Nội. Chuyên án thành công là đảm bảo yếu tố bí mật không để các đối tượng liên quan bỏ trốn, giữ được yếu tố bí mật này là do được cơ quan hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát cung cấp ảnh trong tàng thư.

Trong một số vụ án khác, công sức của lực lượng hồ sơ cảnh sát cũng giúp nhanh chóng phát hiện đối tượng gây án, làm rõ vụ án, khiến đối tượng vô cùng kinh ngạc và bất ngờ, không hiểu vì sao mình lại bị bắt nhanh đến thế. Vụ Công an Hà Nội đề nghị phối hợp truy tìm đối tượng có họ tên Nguyễn Xuân Nam  (SN 1960), là người Nam Định liên quan đến vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản trị giá trên 1 tỷ đồng ở quận Cầu Giấy. Thủ đoạn gây án của đối tượng là giả mạo chữ viết trong hợp đồng mua bán xe ôtô. Kết quả tra cứu tàng thư hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát phát hiện có đối tượng Nguyễn Xuân Nam (SN 1955) ở phường Vị Hoàng, TP Nam Định có tiền án giả mạo giấy tờ chiếm đoạt tài sản XHCN bị TANDTC xử phạt 12 tháng tù giam, được đặc xá năm 2000.

Nhận định đây có thể là đối tượng gây án mà Công an Hà Nội đang điều tra, phòng Hồ sơ Công an tỉnh Nam Định đã cung cấp cho Công an Hà Nội tài liệu có chữ viết của đối tượng lưu trong hồ sơ. Căn cứ tài liệu trên, phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hà Nội xác định chữ viết trong hợp đồng mua bán xe ôtô với chữ viết trong tài liệu là của một người, giúp cơ quan điều tra kịp thời bắt giữ Nguyễn Xuân Nam, thu hồi tài sản trả lại cho người bị hại.

Thiếu tướng, Tiến sỹ Triệu Quốc Kế - Cục trưởng Cục hồ sơ nghiệp vụ Cảnh sát (C27) cho biết, hiện nay các hệ thống hồ sơ, tàng thư, thông tin nghiệp vụ cảnh sát đã thường xuyên được cập nhật, bổ sung và đang chuyển đổi dần phương thức quản lý thông tin từ thủ công sang các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu điện tử. C27 và công an các địa phương đã cơ bản hoàn tất nhập chuyển đổi dữ liệu vào CSDL, đang quản lý hơn 3 triệu lượt thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của trên 2 triệu đối tượng, trong đó CSDL nhận dạng vân tay tự động đã nhập, quản lý được hơn 1 triệu đối tượng.

Đây là những ngân hàng dữ liệu thông tin về tội phạm vô giá được tích lũy từ hoạt động nghiệp vụ để khai thác tra cứu phục vụ các yêu cầu nghiệp vụ, bảo vệ chính trị nội bộ, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và các yêu cầu chính đáng xin cấp lý lịch tư pháp, xác nhận không tiền án của công dân. Trong nhiều vụ án, chuyên án, thông qua công tác hồ sơ đã giúp các lực lượng nghiệp vụ xác định rõ lai lịch, tiền án tiền sự của đối tượng, phát hiện đối tượng gây án để lại dấu vết vân tay hiện trường vụ án, đối tượng đang có lệnh truy nã bị bắt về hành vi phạm tội mới, xác định danh tính nhiều người chết chưa rõ tung tích và là cơ sở chứng cứ đấu tranh PCTP.

Chỉ tính riêng tàng thư căn cước can phạm hàng năm đã tra cứu, xác minh trên 50.000 lượt yêu cầu các loại các đơn vị, địa phương. Qua tra cứu, C27 đã phát hiện nhiều đối tượng thay đổi lai lịch, họ tên, có nhiều tiền án, tiền sự, đối tượng gây án bỏ trốn, đang bị truy nã… Thông tin trong bản trích lục tiền án, tiền sự do C27 cung cấp là cơ sở khoa học để xác định lai lịch, tiền án tiền sự về đối tượng để CQĐT có đường lối xử lý đúng đắn, không sót lọt, oan sai. Nhiều vụ án tưởng chừng như bế tắc như các vụ giết người, cướp tài sản, nạn nhân chết chưa rõ tung tích, đối tượng để lại dấu vết vân tay tại hiện trường như khi cơ quan điều tra nhận được kết quả cung cấp thông tin của C27 thì có đủ cơ sở để giải quyết hoặc mở rộng án.

Qua tra cứu tàng thư căn cước can phạm tại C27 đã phát hiện được đối tượng phạm tội khai man họ tên, lý lịch, đối tượng đang bị truy nã, có nhiều tiền án tiền sự… Tính riêng năm 2009, lực lượng hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát đã đáp ứng hơn 2,7 triệu yêu cầu tra cứu, trong đó qua tra cứu hơn 4.500 yêu cầu phục vụ công tác truy nã tội phạm đã phát hiện 285 đối tượng truy nã, trong đó có nhiều tên phạm tội đặc biệt nguy hiểm.

Dẫn tôi đi thăm hệ thống tàng thư và cơ sở dữ liệu vô cùng đồ sộ và hiện đại của Cục C27, Thượng tá Nguyễn Trọng Thư - Trưởng phòng Tàng thư nghiệp vụ cho biết, trong hầu hết các chuyên án lớn nhỏ của lực lượng cảnh sát đều có sự tham gia tích cực của lực lượng hồ sơ nghiệp vụ. Tại Cục để giải quyết yêu cầu truy tìm tội phạm có sự tham gia của nhiều phòng chức năng như Phòng tàng thư căn cước, Trung tâm thông tin tội phạm, bộ phận thường trực của Cục C27 ở phía Nam…

Thượng tá Thư kể cho chúng tôi nghe về một lần hiệp đồng phá án mà kết quả của công tác hồ sơ là đột phá khẩu. Tháng 10-2009, Công an tỉnh Gia Lai và Công an tỉnh Đắk Lắk phối hợp phá chuyên án, bắt 2 đối tượng có hành vi trộm cắp tài sản cơ quan Nhà nước. Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng tỏ ra rất lỳ lợm, chỉ khai tên là Nguyễn Thế Huấn và Nguyễn Văn Bình, ngoài ra không khai bất kỳ một thông tin nào khác. Các điều tra viên đấu tranh liên tục hai ngày nhưng chúng vẫn ngoan cố khiến việc điều tra mở rộng và xác minh về đối tượng gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Gia Lai quyết định phối hợp lực lượng hồ sơ nghiệp vụ địa phương tìm cách tháo nút thắt nhưng vẫn chưa có kết quả khả quan.

Chiều 31-10-2009, Trung tâm thông tin tội phạm thuộc Cục Hồ sơ nghiệp vụ cảnh sát mới nhận được yêu cầu tra cứu và danh chỉ bản của hai đối tượng. Xác định đây là yêu cầu gấp nên dù đã hết giờ làm việc, các chiến sỹ hồ sơ vẫn tổ chức tra cứu trên hệ thống nhận dạng vân tay SAGEM. Nhưng do mẫu yêu cầu vân tay chuyển qua fax chất lượng kém, đường vân mờ, đứt đoạn nên dù kiểm tra nhiều lần vẫn mới chỉ đưa ra được số hồ sơ của đối tượng Nguyễn Thế Huấn. Tiếp tục kiểm tra trên hệ thống nhận dạng vân tay tự động mới VAFIS đã phát hiện thêm hồ sơ về đối tượng Nguyễn Văn Bình. Do chất lượng vân tay khi lập căn cước kém nên đường vân hai ngón trỏ của chỉ bản yêu cầu tra cứu rất mờ, không rõ các đường vân nên kết quả truy nguyên đồng nhất được phát hiện trùng ở ngón cái và ngón giữa của bàn tay trái.

Từ kết quả trên, đơn vị đã phối hợp tra cứu, làm rõ lai lịch và tiền án tiền sự đối tượng: Đối tượng Nguyễn Văn Bình thực chất là Nguyễn Trọng Tiến, có nhiều năm sinh khác nhau (1972, 1974, 1975), thường trú tại TP Thanh Hóa, đã có tới 4 tiền án; Đối tượng Nguyễn Thế Huấn (SN 1979), thường trú tại TP Thanh Hóa, cũng đã có 2 tiền án. Kết quả tra cứu nhanh chóng được chuyển tới Công an Gia Lai và đã giúp cơ quan điều tra củng cố chứng cứ, đập tan thái độ ngoan cố, buộc các đối tượng phải thành khẩn khai nhận về nhân thân, lai lịch và hành vi phạm tội của mình. Điều tra mở rộng, cơ quan công an còn xác định được thêm đối tượng Nguyễn Thế Huấn đang có lệnh truy nã của Công an Thanh Hóa về tội “buôn bán trái phép chất ma túy”.

Còn hàng trăm, hàng nghìn vụ án và chuyên án lớn nhỏ mà các chiến sỹ cảnh sát trên toàn quốc đang và sẽ khám phá có sự hỗ trợ và đóng góp tích cực, quan trọng của lực lượng hồ sơ. Từ những trang hồ sơ, hệ thống cơ sở dữ liệu, kết hợp các biện pháp trinh sát và nghiệp vụ khác, các chiến sỹ cảnh sát sẽ lật mặt, đưa ra ánh sáng những tên tội phạm đang lẩn trốn trong bóng tối của thế giới tội ác…

Hoàng Đoàn