Lật mặt "lá bài" hải đăng Trung Quốc trên Biển Đông

ANTĐ - Philippines khẳng định việc Trung Quốc đưa vào sử dụng 2 ngọn hải đăng phi pháp mới đây ở Biển Đông là nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý tại vùng biển chiến lược trọng yếu này.
Lật mặt "lá bài" hải đăng Trung Quốc trên Biển Đông ảnh 1

Ngọn hải đăng mà Trung Quốc xây dựng phi pháp trên đá Châu Viễn thuộc quần đảo
 Trường Sa của Việt Nam

Chính phủ Philippines đã lên án mạnh mẽ âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc trong việc xây dựng 2 ngọn hải đăng phi pháp trên Biển Đông. Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose, được trang tin Rappler đăng tải ngày 20-10, khẳng định: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xây dựng và vận hành các ngọn hải đăng trên bãi đá Châu Viên và Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Những hành động này rõ ràng có mưu đồ thay đổi tình hình thực tế nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, Manila sẽ “không bao giờ chấp nhận những hành động đơn phương này như là sự đã rồi”.

Philippines tố cáo và lên án mạnh mẽ sau khi Trung Quốc khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu tháng 10 này hai hải đăng phi pháp xây dựng trên Đá Châu Viên (Cuarteron Reef) và Đá Gạc Ma (Johnson Reef) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Có thể nói đây là động thái mới nhất của phía Trung Quốc, đầy toan tính thâm hiểm trong chuỗi hành động nhất quán ráo riết tôn tạo, xây dựng nhằm biến các bãi đá và rặng san hô ngầm mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông thành các đảo nổi nhân tạo.

Lật mặt "lá bài" hải đăng Trung Quốc trên Biển Đông ảnh 2

Philippines cùng nhiều nước đã vạch rõ và lên án hoạt động bồi đắp và xây dựng, trong đó có xây dựng hải đăng là âm mưu thâm hiểm của Trung Quốc

Theo giới phân tích, cho dù có các thiết bị định vị hiện đại  song khi đi sát những hòn đảo hay bãi đá ngầm, tàu thuyền vẫn phải dựa vào các hải đăng để xác định vị trí. Và do vậy,  hải đăng ở những nơi này vẫn xuất hiện trong nhật ký hành trình các tàu, thuyền. Bởi vậy, nếu tàu thuyền các nước khác buộc phải sử dụng và ghi 2 hải đăng ở Đá Châu Viên và Gạc Ma vào nhật ký hành trình, thì nó có thể được coi là sự thừa nhận trên thực tế chủ quyền của Trung Quốc với những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ bằng vũ lực rồi xây dựng trái phép.

Là một quốc gia từng phản ứng mạnh mẽ với những việc làm của Trung Quốc hòng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông, trong đó có việc bồi đắp nhằm biến các bãi đá thành đảo nhân tạo để có thể lập cơ sở quân sự, Philippines không thể không tố cáo và lên án toan tính nguy hiểm mới của Bắc Kinh. Chính phủ Philippines cũng vẫn theo đuổi vụ kiện yêu sách đòi hỏi chủ quyền phi lý trên Biển Đông của Trung Quốc ra tòa án quốc tế. 

Cùng với Philippines, các quốc gia khu vực cũng như các nước có lợi ích liên quan tới vùng Biển Đông chiến lược trọng yếu đều đã lên tiếng vạch rõ “lá bài” hải đăng của Trung Quốc. Bên cạnh không ít tuyên bố của cộng đồng quốc tế bác bỏ đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc, Biển Đông còn “nóng” lên với động thái của một số nước khác. Đó là khi, Mỹ lên kế hoạch đưa tàu tuần tra đi vào phạm vi 12 hải lý quanh đảo nổi nhân tạo mà Trung Quốc mới bồi đắp trên Biển Đông để phủ nhận trên thực tế yêu sách của Bắc Kinh. Chính phủ Australia cũng tuyên bố tham gia tuần tra chung với Mỹ nhằm “duy trì hòa bình, ổn định và an ninh ở Biển Đông”.

Là một trong những tiếng nói đầu tiên sau khi Trung Quốc khánh thành hai hải đăng tại Đá Châu Viên và Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã khẳng định đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đồng thời kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ hành động “bất hợp pháp và vô giá trị” này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nước ta một lần nữa đã khẳng định chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố xây thêm hải đăng ở Hoàng Sa
Ngày 21-10, nhân danh cái gọi là “chính quyền thành phố Tam Sa” của Trung Quốc, Bắc Kinh ngang ngược tuyên bố, việc xây dựng 2 ngọn hải đăng tại đá Hải Sâm và đảo Duy Mộng thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã hoàn thành thuận lợi. Trung Quốc ngụy biện rằng, hải đăng là cột mốc hàng hải cố định, “có thể hướng dẫn tàu thuyền di chuyển hoặc tránh những khu vực nguy hiểm, thuận tiện lưu thông hàng hải và phục vụ cho nhu cầu của ngư dân trên các đảo”.