Lát lại hè “Con đường gốm sứ”: Làm sao để không “vênh”?

ANTĐ - Mấy ngày nay, nhiều người dân khi đi trên Con đường gốm sứ thắc mắc không hiểu sao, hè đường bỗng bị bật lên để lát lại toàn bộ, trong khi tác phẩm nghệ thuật này vừa khánh thành chưa được bao lâu. Cũng có thắc mắc, vỉa hè mới có tạo ra độ “vênh” về màu sắc cũng như chất liệu với bức tranh gốm phía trên hay không?

Lát lại vỉa hè trên Con đường gốm xứ ven sông Hồng

Trước những thắc mắc này, ông Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng Ban Quản lý và chỉnh trang đô thị Hà Nội cho biết, việc lát lại hè đường đã được UBND thành phố phê duyệt từ trước Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Giai đoạn 1 của dự án đã được thực hiện cách đây gần 1 năm khi đó mới chỉ triển khai thí điểm với  độ dài khoảng hơn 100m. Ông Nguyễn Mạnh Cường khẳng định, việc lát lại vỉa hè nhằm hoàn thiện hơn nữa tác phẩm nghệ thuật từng được Sách kỷ lục thế giới lưu danh.

Còn theo họa sĩ Nguyễn Thu Thủy - người có ý tưởng tạo ra Con đường gốm sứ, hiện tại vỉa hè bằng bê tông, qua thời gian dài sử dụng nhiều đoạn đã bong, tróc vì thế việc lát lại  hè là cần thiết. Trước khi dự án lát lại hè được triển khai, Ban Quản lý Chỉnh trang đô thị cũng đã tiến hành xin ý kiến các cấp quản lý cũng như Công ty Nghệ thuật Tân Hà Nội. Các bên cũng đã bàn bạc, chọn lựa màu sắc cho vỉa hè là màu ghi sẫm, gạch giả đá cùng vỉa ba- toa bằng đá tự nhiên. “Việc lát lại vỉa hè chỉ tôn lên bức tranh mà thôi”- Bà Nguyễn Thu Thủy cho biết. Là một trong những người từng được xin ý kiến khi tiến hành lát lại hè đường của bức tranh gốm độc nhất Việt Nam, họa sĩ Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cho rằng, nếu việc lát lại hè đường làm sạch hơn, đẹp hơn thì rất nên làm. Khi góp ý cho Dự án, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng đã nhắc nhở đơn vị thi công cần chọn loại gạch lát màu trầm, cùng chất liệu tự nhiên. Như thế sẽ tôn bức tranh lên gấp nhiều lần.

Sau 1 năm hoàn thành và đi vào sử dụng, hiện tại Con đường gốm sứ ven sông Hồng đã trở thành một điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là khách nước ngoài. Nhiều công ty du lịch đã đưa “Con đường gốm sứ” vào tour, trở thành điểm tham quan không thể thiếu với du khách khi đến Hà Nội. Mới đây, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ban hành Quy định tạm thời về quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng, nhằm tránh xảy ra tình trạng hàng quán rong lấn chiếm vỉa hè gây mất mỹ quan đô thị, hoặc có hành vi xâm phạm công trình như thời gian qua. Mục đích chính của việc quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị công trình này là để phòng ngừa, hạn chế những nguy cơ làm hư hỏng công trình; giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc; đáp ứng nhu cầu tham quan, học tập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân.

Theo đó, UBND thành phố yêu cầu các sở, ban, ngành chức năng lập kế hoạch quản lý, bảo tồn, tôn tạo công trình hàng năm; chỉ đạo công tác vệ sinh, đảm bảo sạch, đẹp khu vực công trình; thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động trên. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho mỗi người dân về ý thức bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp tại khu vực công trình.

UBND các quận, các phường nơi có công trình đi qua có trách nhiệm chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các ban, ngành có liên quan tăng cường kiểm tra, phát hiện xử lý những hành vi vi phạm, kịp thời sửa chữa, tu bổ những vị trí hư hỏng, xuống cấp…