Lấp nhanh khoảng trống

ANTĐ - Nghị quyết 19 được Chính phủ ban hành với nhiều mục tiêu cụ thể về cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. 

Tại hội thảo “Nâng cao năng lực cạnh tranh: Doanh nghiệp chung tay trong cải cách thể chế”, các chuyên gia nhận định rằng, doanh nghiệp không chỉ phản ánh, kêu ca, phàn nàn mà còn phản biện, hiến kế, đưa ra những giải pháp giúp Chính phủ trong công cuộc cải cách thể chế. Trong Nghị quyết 19, Chính phủ đặt ra nhiệm vụ và mục tiêu một số chỉ số của Việt Nam phải vượt qua ASEAN+6, tiến bằng ASEAN+4. Cộng đồng doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ, tiếp sức ra sao để nâng cao năng lực cạnh tranh và góp sức để đạt mục tiêu khó khăn này?

Nhìn vào những nhiệm vụ và giải pháp mà Nghị quyết 19 đề ra, giới chuyên gia cho rằng, ngoài các chỉ tiêu cụ thể cải cách thủ tục hành chính trong các ngành thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, khởi sự doanh nghiệp..., phần việc mà các bộ, cơ quan và địa phương cần làm là hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ trên cơ sở tuân thủ đầy đủ quy luật của thị trường và hội nhập quốc tế sâu rộng. Có nghĩa là những thay đổi về thủ tục hành chính, các quyết định cắt bỏ hay bổ sung, phối hợp thủ tục giữa các cơ quan Nhà nước phải dựa trên tư duy về cơ cấu mới của nền kinh tế, mô hình tăng trưởng, cũng như dựa trên nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm doanh nghiệp. Theo Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế, với Nghị quyết này, Chính phủ đã đặt mình vào thế cạnh tranh toàn cầu. Cách tiếp cận mới này rất có ích cho các doanh nghiệp. 

Kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết 19 cho thấy, Chính phủ rất cầu thị, lắng nghe ý kiến phản hồi của doanh nghiệp, 60-70% kiến nghị đã được thực thi. Ở từng lĩnh vực cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước đã giảm được gần 400 giờ nộp thuế, thủ tục hải quan đã áp dụng cơ chế thông quan điện tử, một cửa quốc gia, kết nối 3 bộ thành lập cơ sở dữ liệu chung. Trong cải cách thể chế, nâng cao năng lực cạnh tranh, cần nhấn mạnh vai trò của chính quyền địa phương. Kinh nghiệm trong xếp năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cho thấy, tỉnh, thành phố nào nỗ lực, quyết liệt thì thứ hạng thay đổi, còn nếu buông lỏng là tụt hạng. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam có nhiều yếu tố khi điều tra không thể đo được như chi phí bôi trơn, lót tay, những thủ tục nhiêu khê, mà chỉ có thể dựa vào điều tra định tính từ thực tế các doanh nghiệp.

Mặc dù công nhận doanh nghiệp đã “dễ thở” hơn, song không ít ý kiến tại hội thảo đều cho rằng, môi trường pháp lý nước ta còn nhiều khoảng trống, hạn chế sự lớn mạnh của doanh nghiệp. Nếu không nỗ lực cải cách thể chế hơn nữa, cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế không thể tiến lên được một cách mạnh mẽ.