Lập lờ thực phẩm biến đổi gen

ANTĐ - Trong khi Thông tư liên tịch giữa Bộ NN&PTNT và Bộ Khoa học - Công nghệ quy định về gắn nhãn thực phẩm biến đổi gen đến đầu tháng 1-2016 mới có hiệu lực thì trên thị trường hiện nay đã tràn lan thực phẩm chế biến từ sản phẩm biến đổi gen. 

Lập lờ thực phẩm biến đổi gen ảnh 1Sản phẩm chế biến từ cây trồng biến đổi gene được dùng làm thức ăn chăn nuôi từ nhiều năm nay

Nhập khẩu hàng loạt sản phẩm biến đổi gen

Qua nhiều năm khảo nghiệm, Bộ NN&PTNT vừa chính thức công bố Việt Nam có sản phẩm cây trồng biến đổi gen đầu tiên được trồng thương mại là cây ngô. Song từ nhiều năm nay, người tiêu dùng thực tế đã sử dụng sản phẩm từ cây trồng biến đổi gen (GMO) nhập khẩu mà không hề hay biết. 

Gần 10 năm trở lại đây, Việt Nam đã nhập khẩu một lượng lớn đậu tương GMO dùng để ép dầu đậu nành, sữa đậu nành, đậu, nước tương… bán trên thị trường và làm thức ăn chăn nuôi. Thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, khối lượng nhập khẩu đậu tương trong 10 tháng của năm 2015 đạt 1,29 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 592 triệu USD, tăng 1,1% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2014. Tiếp đó, phải kể đến là sản phẩm ngô nguyên hạt và thực phẩm chế biến từ ngô cũng có nguồn gốc là thực phẩm GMO.

Ước tính, khối lượng ngô nhập khẩu trong 10 tháng đầu năm 2015 đạt 5,72 triệu tấn, giá trị nhập khẩu đạt 1,26 tỷ USD, tăng 55,8% về khối lượng và tăng 32,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Brazil và Argentina là hai nước xuất khẩu chính của mặt hàng này vào Việt Nam, chiếm lần lượt là 53,4% và 41,8% tổng giá trị.  Đặc biệt, thị trường có giá trị tăng đột biến so với cùng kỳ là Argentina. Thực tế, Argentina, Mỹ, Ấn Độ hay Brazil đều là thủ phủ của các loại cây trồng GMO như ngô, bông, đậu tương. Chưa hết, mỗi năm, Việt Nam còn chi hàng trăm triệu USD để nhập khẩu những sản phẩm gián tiếp như thịt lợn, bò, gà…  từ những nước dùng ngô, đậu nành GMO làm thức ăn chăn nuôi như Mỹ, Brazil, Australia… 

Rõ ràng, sản phẩm chế biến từ cây trồng GMO đã du nhập vào Việt Nam từ lâu, làm thực phẩm hoặc gián tiếp làm thực phẩm cho gia súc, gia cầm nhưng theo ghi nhận, tất cả sản phẩm có mặt trên thị trường đều không ghi rõ nguồn gốc, tỷ lệ sử dụng sản phẩm từ cây trồng GMO để người tiêu dùng biết. Thậm chí, một số doanh nghiệp sản xuất, chế biến sữa đậu nành còn ngang nhiên quảng cáo “không sử dụng sản phẩm từ cây trồng GMO”. Song, theo một chuyên gia trong lĩnh vực trồng trọt, diện tích trồng đậu tương của Việt Nam rất ít, năng suất thấp, gần như chỉ đủ cho tiêu dùng tại chỗ của người dân. Gần như 100% doanh nghiệp chế biến thực phẩm phải sử dụng đậu tương nhập khẩu. 

Sản phẩm GMO sẽ phải dán nhãn

Đến nay, chưa có nghiên cứu hay chứng minh khoa học nào cho thấy, sử dụng sản phẩm từ cây trồng GMO có hại cho sức khỏe nhưng người tiêu dùng có quyền được biết thông tin về sản phẩm mình đang sử dụng để đưa ra sự lựa chọn. GS. Võ Tòng Xuân, chuyên gia trong ngành nông nghiệp thông tin: “Việt Nam đã cho nhập thực phẩm GMO từ 10 năm nay. Lợn, gà, cá… đều ăn ngô, đậu tương GMO. Rồi đậu tương biến đổi gen còn được dùng để làm dầu ăn, sữa đậu nành…”. Theo GS. Võ Tòng Xuân, nhà sản xuất phải tôn trọng người tiêu dùng thông qua việc minh bạch thông tin.

Tất cả các sản phẩm GMO cần phải đảm bảo quy định quốc tế về dán nhãn mác GMO, cung cấp đầy đủ thông tin để người tiêu dùng nắm được. Trước thực trạng lập lờ nêu trên, cuối tháng 11-2015, Bộ NN&PTNT và Bộ Khoa học - Công nghệ đã ban hành Thông tư liên tịch quy định về dán nhãn sản phẩm từ GMO, nhưng cũng mới chỉ áp dụng với sản phẩm bao gói sẵn. Theo đó, tất cả thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn lưu thông ở Việt Nam có ít nhất 1 thành phần nguyên liệu biến đổi gen (lớn hơn 5% nguyên liệu được sử dụng để sản xuất thực phẩm) bắt buộc phải ghi rõ trên nhãn.

Quy định nêu rõ, phải ghi bằng tiếng Việt cụm từ “biến đổi gen” bên cạnh tên của thành phần nguyên liệu biến đổi gen, kèm theo hàm lượng trên nhãn sản phẩm. Thực phẩm biến đổi gen bao gói sẵn đang lưu hành trên thị trường nhưng ghi nhãn thiếu hoặc không  phù hợp với các quy định mới phải được khắc phục, sửa chữa. Thực phẩm biến đổi gen đã có nhãn hàng hóa nhưng không phù hợp với quy định sẽ không được phép tiếp tục sản xuất và nhập khẩu sau 8-1-2017.