Lập lờ phụ gia thực phẩm

ANTĐ -Vấn đề con cá, mớ rau, ăn gì uống gì để đảm bảo an toàn, không có hóa chất, phụ gia độc hại trong bối cảnh hiện nay đang thực sự là một bài toán quá khó đối với ngay cả những người tiêu dùng thông minh nhất.
 Người tiêu dùng khó lựa chọn thực phẩm an toàn
 Người tiêu dùng khó lựa chọn thực phẩm an toàn
 

“Cơn bão” hóa chất phụ gia
Có thể tạm gọi như vậy sau hàng loạt những vụ việc rung động liên quan đến thực phẩm sử dụng chất phụ gia độc hại mà người tiêu dùng nước ta phải hứng chịu được đề cập trong vài tháng gần đây. Thậm chí “cơn bão” này còn gây lo lắng dư luận không kém so với “cơn bão melamine” trong sữa bột cách đây chưa lâu. Hết hóa chất biến thịt lợn thành thịt bò đến chất phụ gia tạo đục DEHP trong nước hoa quả, nước giải khát, thạch rau câu… và mới đây nhất là chất phẩm màu Tartrazine (E102) trong thực phẩm, bánh kẹo. Đây đều là những chất phụ gia rất độc hại cấm dùng trong thực phẩm, chất thì gây phá vỡ tuyến nội tiết và làm thay đổi lượng hoócmôn trong cơ thể, gây rối loạn hoócmôn sinh dục nữ và giảm lượng tinh trùng đối với nam giới, chất thì gây hiếu động thái quá ở trẻ và bất lực, vô sinh ở nam giới, hoặc ung thư...
Điều đáng nói sau các vụ việc này là vai trò và phản ứng của các cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là Cục ATVSTP - Bộ Y tế hầu như chưa đáp ứng được sự trông đợi của người dân. Có thể thấy hầu hết các vụ việc chỉ được phát hiện sau khi có thông tin phát hiện tại nước ngoài. Mặc dù phải thừa nhận rằng phản ứng của Cục ATVSTP sau khi nhận được các thông tin cảnh báo của nước ngoài là khá nhanh nhạy, từ cập nhật thông tin đến tham khảo ý kiến chuyên gia, tăng cường kiểm tra thu hồi và đưa cảnh báo đến người tiêu dùng… nhưng những phản ứng đó vẫn chưa thực sự đi đến cùng kỳ vọng của người dân. Điển hình như vụ E102, sau gần nửa tháng từ khi xuất hiện thông tin thì đến ngày 21-7, không phải Cục ATVSTP mà chính Ủy ban Codex Việt Nam đã có thông báo được coi như phán quyết cụ thể nhất về việc cho hay không cho sử dụng chất này trong thực phẩm. Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia thì dường như Codex cũng mới chỉ thông tin được một nửa sự thật về chất phụ gia này.
Chẳng hạn, trong thông báo của Codex, mức ADI (mức ăn vào hàng ngày chấp nhận được) của E102 7,5mg/kg thể trọng/ ngày, nhưng theo các chuyên gia thì mức này phải được ghi đúng là 0-7,5mg/kg thể trọng/ngày, nếu chỉ ghi 7,5mg/kg sẽ dễ dẫn đến hiểu nhầm. Hay trong thông báo của Codex nêu rằng cho đến nay các nước EU, Mỹ, các nước trong ASEAN… vẫn cho phép sử dụng E102 trong chế biến thực phẩm, nhưng lại không rõ họ cho phép trong giới hạn nào, khuyến cáo sử dụng ra sao…

Cơ quan quản lý… lập lờ
Trước những câu hỏi trên, đại diện Cục ATVSTP, ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng chỉ đưa ra một cách trả lời rất chung chung rằng: Cần tránh nhầm lẫn giữa phẩm màu hóa học độc hại với phẩm màu. Theo đó, những loại phẩm màu nằm trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm thì khi sử dụng đúng liều lượng, đúng quy định sẽ vẫn an toàn. Dù vậy, cơ quan quản lý đều khuyến cáo không sử dụng hoặc sử dụng ở mức thấp nhất phụ gia trong thực phẩm. Ông Phong nói rõ chất phẩm màu E102 trước nay vẫn được phép sử dụng trong một số nhóm thực phẩm, trong đó có mì ăn liền.
Tuy nhiên khi hỏi về việc Ban kỹ thuật Codex quốc tế đang hoàn thiện các điều khoản quy định mức tối đa của E102 cho khoảng 80 loại thực phẩm thuộc các nhóm khác nhau, trong đó có mì tôm, còn tại Việt Nam cách đây 10 năm cũng đã cho phép 26 loại thực phẩm được sử dụng E102 (quyết định 3742/2011) nhưng trong đó không có sản phẩm mì tôm, vậy chúng ta áp dụng theo văn bản của Codex hay quyết định 3742?... thì đại diện Cục ATVSTP khất rằng: “Đây là một vấn đề khoa học chuyên sâu, cần được thảo luận đầy đủ, chuyên sâu hơn trong tuần tới”.
Về điều này, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Giám đốc Văn phòng Ủy ban Codex Việt Nam cho biết, tiêu chuẩn của codex cũng như hướng dẫn sử dụng không bắt buộc các nước thành viên áp dụng mà chỉ lấy đó để tham khảo. Chẳng hạn, Ủy ban châu Âu đã đưa ra khuyến cáo không sử dụng chất này trong thực phẩm. Các quốc gia, tổ chức khác trên thế giới cũng có rất nhiều nghiên cứu, quan điểm khác nhau về chất này và nếu chúng ta áp dụng theo họ thì không thể thực hiện được. Trong khi đó, Codex là 1 trong 3 tổ chức uy tín nhất toàn cầu và Việt Nam đã là thành viên của Codex từ năm 1989 nên việc áp dụng theo khuyến cáo của Codex là xác đáng. Ông Quỳnh còn cho rằng, trong quyết định 3742 năm 2011, mì ăn liền không nằm trong danh mục được phép sử dụng E102 vì khi xây dựng quyết định này mục mì ăn liền chưa có tiêu chuẩn về phụ gia thực phẩm, mãi sau này Codex xây dựng lại mới thay đổi, trong đó cho sử dụng E102 trong mì ăn liền.
Vụ việc E102 cũng như DEHP hay các hóa chất khác đều đã có những câu trả lời, hành động cụ thể từ phía cơ quan quản lý, cơ quan chức năng nhằm đảm bảo lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, với cách quản lý như hiện nay, người tiêu dùng cần nhiều hơn thế.