Lập lờ nhãn mác hàng hóa: Vi phạm nhiều, xử lý ít

(ANTĐ) - Ngoại trừ hệ thống các siêu thị, còn trên thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn, đi đâu người tiêu dùng cũng gặp hàng hóa lập lờ về nhãn mác, từ “thiếu” xuất xứ, “quên” ghi hạn sử dụng, thậm chí cả... không nhãn mác. Đây chính là tiền đề cho hàng giả, hàng nhái, hàng lậu hoành hành. Nguy cơ lớn hơn, sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng bị đe dọa.

Lập lờ nhãn mác hàng hóa: Vi phạm nhiều, xử lý ít

(ANTĐ) - Ngoại trừ hệ thống các siêu thị, còn trên thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố lớn, đi đâu người tiêu dùng cũng gặp hàng hóa lập lờ về nhãn mác, từ “thiếu” xuất xứ, “quên” ghi hạn sử dụng, thậm chí cả... không nhãn mác. Đây chính là tiền đề cho hàng giả, hàng nhái, hàng lậu hoành hành. Nguy cơ lớn hơn, sức khỏe, tính mạng người tiêu dùng bị đe dọa.

Một “mẫu” thực phẩm không nhãn mác được nhập lậu
Một “mẫu” thực phẩm không nhãn mác được nhập lậu

Hiệu lực văn bản có cũng như không

Bỏ qua chuyện thuế má, nguồn thu, địa bàn quận Hoàn Kiếm lâu nay là nơi có nhiều hàng hóa “giấu” nhãn mác nhất. Một cán bộ quản lý thị trường khẳng định, “đã là hàng hóa bán trên thị trường, đến cây kim sợi chỉ cũng phải có nhãn mác”. Nhãn mác trên hàng hóa (cả hàng sản xuất trong nước lẫn hàng nhập khẩu) bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau: tên hàng hóa; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; xuất xứ hàng hóa. Đối chiếu với những quy định trên (được ghi trong NĐ 89/CP của Chính phủ ban hành ngày 30-8-2006 về nhãn hàng hóa), cho thấy văn bản có hiệu lực cao nhất này đang... rất ít hiệu lực ở khu vực quận Hoàn Kiếm.

Điều đáng nói, sự vi phạm nhãn mác diễn ra một cách công khai. Chúng tôi vào chợ Đồng Xuân, đi qua các sạp hàng vải vóc, quần áo, sang khu kinh doanh thực phẩm như nước mắm, tương ớt, “nhặt” được vô khối sản phẩm không nhãn, hoặc chỉ có nhãn loằng ngoằng tiếng nước ngoài, không có nhãn phụ. Giữa buổi sáng, hàng chục xe tải hạng nhẹ cập chợ, xuống hàng. Hàng trăm bao tải, mỗi bao không dưới 50kg được bốc khỏi xe. Hàng bên trong là quần áo, vải vóc, cũng chẳng cái nào có nhãn mác. Cái “nhãn” duy nhất thấy được là tên ông A, bà B và số điện thoại được ghi bằng bút dạ bên ngoài bao tải.

Rời chợ Đồng Xuân, đi bộ sang phố Hàng Gà - chuyên doanh các mặt hàng hóa chất, tình trạng “hàng không nhãn” lặp lại với các sản phẩm nước rửa bát. Con phố này thời gian gần đây được nhiều quán cơm bình dân tìm đến để mua nước rửa bát "3 không" (không tiêu chuẩn chất lượng, không nguồn gốc và không công bố thành phần hóa chất pha chế). Những chai nhựa đủ loại kích cỡ, đựng dung dịch lỏng màu xanh, vàng, chỉ khách quen mới biết đó là... nước rửa bát. Giá bán của loại nước “3 không” này cực rẻ.

 Bà bán nước ở phố Hàng Gà đang chuyện trò như pháo ran, nghe chúng tôi hỏi về nước rửa bát “3 không”, đột nhiên hạ thấp giọng: “Hôm rồi tivi đưa tác hại của nước rửa chén “3 không”, lượng khách đến mua mới giảm đi, người ta không còn bán công khai. Chứ trước đây, mua bao nhiêu cũng có”. Hỏi chuyện tivi đưa thế nào, bà bán nước gọn lỏn: “Nó có thể gây ra bệnh ung thư”. Đến đây thì chúng tôi đã nhớ ra khuyến cáo của các nhà khoa học về nước rửa bát “3 không”, đó là bát, đũa sau khi được rửa bằng loại nước rửa này vẫn còn lưu lại thành phần hóa chất gây nhiều bệnh cho cơ thể, trong đó có căn bệnh ác tính ung thư.

“Trăm hoa đua nở”

Ông Kiều Đình Tuân - Đội trưởng Đội QLTT số 16, Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: “Mỗi loại hàng hóa nhập nhèm về nhãn mác đều có mục đích khác nhau; hoặc chúng là hàng giả (không có nhãn mác, nhãn mác không ghi rõ xuất xứ hàng), hoặc chúng nhằm ăn theo những thương hiệu sản phẩm đã nổi tiếng (nhái nhãn mác)”. Tương ứng với mục đích, mỗi biểu hiện gian lận nhãn mác gây nên nguy cơ, thiệt hại khác nhau với người tiêu dùng. Hiểu một cách đơn giản, hàng hóa có “không bình thường” mới sử dụng đến nhãn mác “không bình thường”. Những sản phẩm không nhãn mác, ngay cả người bán nhiều khi cũng không biết rõ đặc tính, công dụng của nó.

Lực lượng chức năng xử lý vụ vận chuyển hàng lậu
Lực lượng chức năng xử lý vụ vận chuyển hàng lậu

Điều này chúng tôi bắt gặp trong vụ 2 thanh niên người Bắc Giang vận chuyển hàng lậu từ Lạng Sơn về Hà Nội tiêu thụ và bị CAQ Long Biên bắt giữ. Trong số những đồ chơi trẻ em, 2 thanh niên này vận chuyển trên ôtô cả những thực phẩm trông như những thỏi xúc xích được đóng gói trong túi nilon, nhuộm màu đỏ quạch. Khi được hỏi những thực phẩm đó là gì, cả hai, trong đó có một người nhập số thực phẩm về, đều lắc đầu không biết. Họ lý giải, “thấy nhiều tiểu thương khu vực chợ Đồng Xuân đặt hàng nên đánh từ biên giới về bán” và phỏng đoán “chắc những thỏi xúc xích sẽ được bán ở các cổng trường học” (?!).

Tinh vi hơn hàng không nhãn mác là các sản phẩm nhái nhãn, hay gọi thẳng, là hàng giả. Chỉ huy Đội QLTT số 4 - Chi cục QLTT Hà Nội thông tin, có tới mấy biểu hiện về hàng giả như: giả về chất lượng và công dụng; các loại tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả; giả mạo về sở hữu trí tuệ... Tem nhãn, sản phẩm giả xuất hiện ở hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội và ngày càng có xu hướng công khai, gây nhức nhối dư luận. Trung tá Vũ Văn Nhiên - Đội phó Đội CSĐT tội phạm về TTQLKT&CV - CAH Gia Lâm ngao ngán: “Một dạo, trinh sát của đội bắt được hàng loạt vụ sản xuất, vận chuyển bột giặt Omo. Đối tượng làm bột giặt giả “im” được thời gian ngắn, nhưng sau đó, trên thị trường xuất hiện hàng loạt sản phẩm bột giặt giống Omo đến... 99%. 1% còn lại là những cái tên như bột giặt Sino, Vimo, Otto”.

Hay đơn cử như vụ Công ty CP Sản xuất điện cơ 91, địa chỉ tại thị trấn Cầu Diễn, huyện Từ Liêm “dùng nhờ” thương hiệu “PEC - Điện cơ 91”, vốn của Công ty Quang Điện - Điện tử, doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng - Bộ Quốc phòng. Từng bị phát hiện, xử lý vào năm 2002, đến năm 2008, Công ty CP Sản xuất điện cơ 91 tung ra thị trường các sản phẩm được in nhãn hiệu “DCE-Điện cơ 91” với bố cục và màu sắc... rất khó phân biệt với nhãn hiệu “PEC-Điện cơ 91” của Công ty Quang Điện - Điện tử. Cơ quan chức năng sau khi vào cuộc đã kết luận đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được xác lập và bảo hộ, theo quy định tại Điều 129 - Luật Sở hữu trí tuệ” và xử phạt đơn vị vi phạm 48 triệu đồng.

(Còn nữa)

Nguyễn Huy Chín