“Lấp lỗ” khó đầy

ANTĐ - Tính đến nay, đã có ít nhất 3 doanh nghiệp lớn ngỏ ý muốn mua lại Công ty Thông tin viễn thông điện lực (EVN Telecom)-đứa con đẻ… trái ngành của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Một công ty sau 7 năm kinh doanh chỉ đạt con số vài triệu thuê bao thì có gì đáng để cho Viettel hay Hanoi Telecom “để mắt” tới? Cái mà họ muốn bỏ tiền ra mua không phải là lượng khách hàng cũng chẳng phải là thương hiệu, mà là khối lượng tài sản EVN Telecom. Đây chỉ là một trong những “lỗ thủng” lớn khiến EVN lỗ tới 10.162 tỷ đồng.

Bộ Công Thương công bố chi phí của EVN, dù chỉ là những con số cơ bản, song có lẽ đây là lần đầu tiên người ta được biết “nội tình” của một tập đoàn thuộc loại “anh cả” của nền kinh tế. Số lỗ trên là kết quả kiểm tra của tổ công tác liên ngành Bộ Công Thương - Tài chính về giá thành sản xuất kinh doanh điện của EVN năm 2010. Số lỗ này được giải trình nguyên nhân là do dùng dầu để phát điện và giá điện thấp hơn giá thành khiến EVN lỗ trên 10 nghìn tỷ đồng.

Tỷ giá tăng cũng làm cho EVN lỗ thêm trên 15 nghìn tỷ đồng, lãnh đạo Bộ Công Thương và EVN đã công bố năm 2010 EVN lỗ to và sẽ còn lỗ tiếp trong năm 2011. Để hết lỗ, phải tính lại giá bán điện và tất nhiên người tiêu dùng phải bỏ tiền túi ra chi trả. Câu hỏi mà dư luận có quyền chất vấn EVN là, việc thiếu điện phải dùng dầu phát điện có phải là “lỗi” của người dân? Các chuyên gia quả quyết rằng nếu EVN thực hiện nghiêm túc tổng sơ đồ điện 6 thì cơ bản không thiếu điện trong thời gian qua. Quy hoạch đã đặt ra những yêu cầu rất cụ thể về công suất, số nhà máy, vốn đầu tư.

Thế nhưng, EVN lại không thực hiện đúng quy hoạch. Nơi có quy hoạch lại không có tiền, nơi có tiền thì nhà máy chậm tiến độ. Khi thủy điện thiếu nước EVN phải bơm dầu chạy các nhà máy điện chẳng khác gì các doanh nghiệp, công ty hoặc khách sạn chạy máy phát điện. Trong khi đó, ở miền Trung hàng loạt nhà máy thủy điện xả lũ vô tội vạ khiến hàng nghìn hécta lúa, rau màu, hàng trăm ngôi nhà chìm trong biển nước và cả chục người dân thiệt mạng.

Một Thứ trưởng Bộ Công Thương trong cuộc họp công khai chi phí của EVN cũng thừa nhận, nếu các nhà máy điện chạy than được xây dựng và vận hành đúng tiến độ sẽ giúp giảm giá thành điện trong khi EVN vẫn mải mê “ném tiền” đầu tư với khối tài sản đồ sộ gồm 5 cổng kết nối quốc tế ở Quảng Ninh, Lạng Sơn, Tây Ninh, An Giang và Quảng Trị. Chưa kể hơn 40.000km cáp quang tại 63 tỉnh, thành và EVN Telecom còn là hãng viễn thông đầu tiên cùng với đối tác Ấn Độ xây dựng tuyến cáp quang biển với tổng vốn ban đầu lên tới 200 triệu USD. Một công ty con được EVN đầu tư theo kiểu “vung tay quá trán” song lại làm ăn kém hiệu quả dẫn đến phải “bán tháo” để gỡ gạc, chỉ là một góc nhỏ trong “bức tranh” đầu tư công trái ngành, dàn trải và kém hiệu quả ở nước ta trong vài năm gần đây.

Để đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, EVN khẳng định rằng lỗ nhưng chưa thể tăng giá điện. Để EVN không bị vỡ nợ và có khả năng về tài chính, các khoản lỗ phải được “điều chỉnh” trong thời gian tới. Chưa đến mức như Vinashin phải “giải cứu”, song chắc chắn khoản tiền rất lớn để “lấp lỗ” của EVN cũng vẫn từ ngân sách nhà nước, tức là tiền của dân mà ra. Không biết nay mai còn phải “lấp lỗ” tiếp cho tập đoàn, tổng công ty nào nữa không? “Lấp lỗ” kiểu đó không biết đến bao giờ thì đầy?