Lấp “lỗ hổng” trách nhiệm

ANTĐ - Khi cơ cấu sở hữu thay đổi, cơ cấu tổ chức và quản trị cũng sẽ thay đổi. Điều mấu chốt là cơ cấu sở hữu phải thay đổi thực chất, đủ để làm thay đổi về nội dung. Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp phát biểu như vậy tại hội nghị tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước vừa diễn ra. Nhiều ý kiến tham gia thảo luận cho rằng, cổ phần hóa nếu chỉ dừng lại ở mức thay đổi loại hình doanh nghiệp thì sẽ không đạt được nhiệm vụ chính là tái cơ cấu doanh nghiệp. Bởi lẽ, khi Nhà nước vẫn nắm giữ cổ phần tại doanh nghiệp thì nỗ lực thay đổi quản trị sẽ gặp khó khăn. 

Mặc dù mục tiêu đề ra Nhà nước chỉ nắm cổ phần tại các khâu, lĩnh vực quan trọng, nhưng sau hơn 10 năm cổ phần hóa (CPH) Nhà nước vẫn nắm giữ từ 45-60% cổ phần tại Công ty sữa Vinamilk, Công ty viễn thông FPT, Công ty FPT Telecom. Đáng lưu ý là, cả hai lĩnh vực này đều không thuộc nhóm ngành nghề, lĩnh vực mà Nhà nước phải “có mặt”. Đặc biệt, sau hai năm nhận quyết định CPH của Chính phủ, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) chính thức thay đổi loại hình doanh nghiệp trở thành công ty cổ phần, song gần 95% cổ phần vẫn do Nhà nước nắm giữ. Tập đoàn này đang hoạt động không mấy khác so với một công ty 100% vốn Nhà nước. CPH là để thay đổi mô hình quản trị, công khai minh bạch hóa, tạo cơ chế và tự chủ cho doanh nghiệp.

Tuy vậy, với các doanh nghiệp có vốn Nhà nước trên 50% thì các quy định giám sát, kiểm soát, lao động tiền lương, trình duyệt chủ sở hữu Nhà nước có xu hướng được quy định không khác gì doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Chủ tịch Hội đồng quản trị Petrolimex cho biết, mặc dù xăng dầu là lĩnh vực kinh doanh chính, nhưng 60% lợi nhuận của tập đoàn này lại không đến từ xăng dầu. Như vậy, Petrolimex đã sử dụng nguồn vốn rất lớn của Nhà nước để kinh doanh lĩnh vực khác. Vị Chủ tịch này cho rằng, thoái vốn là cần thiết, nhưng cần xem xét cơ cấu của từng doanh nghiệp để bảo đảm hiệu quả khi thoái vốn và duy trì các hoạt động. Một số ý kiến nhận định, nếu xăng dầu là một thị trường cạnh tranh theo đúng nghĩa, nếu Petrolimex không chiếm thị phần quá lớn thì việc đẩy mạnh CPH chắc chắn đã hoàn tất. Khi đó, Petrolimex hoàn toàn có quyền đưa ra các quyết định đầu tư. Từ dẫn chứng cụ thể của Petrolimex cho thấy, một số doanh nghiệp Nhà nước đang lập lờ giữa mục tiêu công ích và mục tiêu lợi nhuận. Việc nhập nhằng trong quản trị doanh nghiệp như vậy ắt hẳn khiến dư luận hoài nghi, như ý kiến của một số chuyên gia “dù có công bố cáo bạch chưa hẳn là minh bạch”.

Chuyện “bình mới, rượu cũ” lại được nhắc tới, khi giới chuyên gia kinh tế khuyến cáo tình trạng lẫn lộn giữa đại diện chủ sở hữu và quản lý Nhà nước. Không thể cải tiến vụn vặt mà phải làm rõ vai trò chủ đạo của kinh tế Nhà nước trong nền kinh tế thị trường bình đẳng. Nếu không, doanh nghiệp Nhà nước vẫn nắm đặc quyền, “lỗ hổng” trách nhiệm khó lấp kín.