Lấp “lỗ hổng” đấu thầu

ANTĐ - Không đặt quá nhiều tham vọng chấm dứt hoàn toàn tình trạng gian lận, “đi đêm” trong đấu thầu, dẫn đến thất thoát tiền và tài sản quốc gia, dự thảo Luật Đấu thầu sửa đổi vừa được Quốc hội góp ý, bổ sung chỉ hy vọng đưa luật tiến gần hơn nữa tới môi trường minh bạch, cạnh tranh lành mạnh, tạo cơ hội cho nhà thầu trong nước trúng thầu và tạo công ăn việc làm cho lao động Việt Nam. Đặc biệt, luật này sẽ hạn chế tình trạng lách luật của các nhà thầu nước ngoài.

Thông thầu, hay nói rộng hơn là gian lận bằng nhiều chiêu trò ma lanh trong đấu thầu để kiếm chác, thực chất là hành vi tham nhũng. Tội danh này đã được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ai cũng hiểu, thông thầu là thỏa thuận ngầm giữa một nhóm người trong một đường dây, lại được che giấu kỹ cho người tham gia đấu thầu, nên việc phát hiện với đầy đủ “nhân chứng, vật chứng” để có thể xét xử là không dễ dàng. Hơn thế, “ma trận” đấu thầu còn được sắp đặt ngay từ giai đoạn thiết kế kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, xác định giải pháp thi công và xây dựng công trình.

Trong các văn bản pháp luật, trên các diễn đàn đã nói nhiều về quyền giám sát của Quốc hội, HĐND và người dân. Tuy vậy, điều kiện cơ bản để các đại biểu Quốc hội, HĐND và người dân có thể thực thi vai trò giám sát là thông tin thì lại không có. Nếu có chỉ là những thông tin mà chủ đầu tư “thích” cung cấp, chứ không có thông tin cần cung cấp như thiết kế kỹ thuật, giải pháp thi công, đơn giá dự toán chi tiết đơn giá trúng thầu… Thông tin công khai chưa thể triệt tận gốc gian lận, tham nhũng, song chí ít cũng khiến những người quen trò “quân đỏ, quân xanh”, gian dối, ăn chia cũng phải chùn tay. Một thực tại bức xúc diễn ra từ lâu là các nhà thầu Trung Quốc thường chào giá rất rẻ và có thể đáp ứng trên 70% yêu cầu kỹ thuật nên rất khó loại họ. Quan trọng là sau khi trúng thầu, họ tìm cách đòi phát sinh những phần việc không nêu trong dự thầu.

Một “độc chiêu” khác là sau khi dự án vận hành, đến lúc thay thế phụ tùng, vật tư thì các nhà thầu này nâng giá đồ thay thế. Những vật tư, thiết bị này đều là “của độc” vì thiết kế không giống ai, không thể mua của nhà cung cấp khác. Thế là họ quay ra “chặt chém” để bù vào giá chào thấp. Đó là chưa kể, nhà thầu nước ngoài rất khôn khéo khi đưa vào hồ sơ thầu các điều khoản không rõ ràng về khối lượng công việc, giá cả. Sau khi trúng thầu, họ tìm cách “hất chân” nhà thầu phụ Việt Nam bằng cách đưa ra giá rẻ mạt, thấp hơn giá thành.

Tất cả những “lỗ hổng” trong đấu thầu có thể lấp được hay không tùy thuộc vào vai trò quản lý của Nhà nước, nhất là trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn. Quy định về chỉ định thầu trong dự thảo luật còn khá đơn giản, dễ bị lợi dụng, khó ngăn chặn thiệt hại nguồn vốn Nhà nước, đặc biệt là những hậu quả lâu dài trong các công trình quan trọng của đất nước.