Nhân 4 năm ngày mất nhà văn Kim Lân (20-7-2007/20-7-2011):

Lấp lánh những giọt ký ức

ANTĐ - Khi chuẩn bị cho triển lãm Dòng chảy 5 “Những con chữ” tôi đi xin chữ viết tay, ký tự của các nhà văn, nhà thơ để cho vào tranh, tượng của mình. Gọi điện thoại cho nhà văn Bảo Ninh nói muốn xin chữ , sau gặp tôi anh hỏi cho chữ gì bây giờ nhỉ?

Nhà văn Kim Lân và con gái - họa sĩ Nguyễn Thị Hiền

Tôi nói thích “Nỗi buồn chiến tranh” của anh lắm. Ngồi trầm ngâm một chút, xin tôi giấy bút anh viết một câu:

- Nhà văn Kim Lân, người thầy của tôi nói: “Viết về chiến tranh tức là viết về hòa bình, tình yêu, lòng khoan dung”.

Khi sang hội nhà văn tìm gặp anh Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn, để nói về việc gia đình muốn làm nhà lưu niệm cho bố, trong lúc chờ đợi, gặp nhà thơ Trần Trương đi qua hỏi đến hội có việc gì - nói ý nguyện của gia đình, anh Trần Trương nói: Để mình kể cho Hiền nghe một kỷ niệm lần đầu tiên khi mình gặp bác Kim Lân nhé.

“Hồi mình học ở trường viết văn trẻ, như mọi khi, tất cả tập trung để nghe giảng về văn học ở hội trường. Đến giờ, nhà văn Kim Lân bước vào, tất cả hội trường đứng lên vỗ tay rầm rầm - ông mời mọi người ngồi xuống rồi nói: Xin cảm ơn tất cả các bạn đã đón tiếp tôi nồng nhiệt - nhưng xin đừng đón tiếp tôi như đón tiếp một thủ trưởng, hay một người thành công. Tôi đến đây với các bạn như một người bạn, không phải để dạy các bạn viết văn để thành một nhà văn, hay nói với các bạn về sự thành công của một nhà văn, mà là để nói với các bạn sự thất bại của một nhà văn như thế nào”.

Nghe đến đấy, lòng tôi rưng rưng nghĩ về bố mình, câu nhà văn Nguyễn Quang Thiều viết về bố day dứt, đau đáu trong lòng tôi: “Ông ở ẩn ngay trong chính sự im lặng của ông, sự im lặng của nỗi buồn muôn thuở…”.

Bao nhiêu kỷ niệm của tôi với bố đầy ắp ùa về, những giọt ký ức của ông để lại lấp lánh trong tôi, trong các bạn văn thơ của ông và còn của những người nào khác nữa... lấp lánh, lấp lánh... gần gũi và xa vời. Ông đã ra đi được 4 năm rồi - nhà văn Đỗ Chu trong đêm đưa tiễn ông đã ngồi suốt đêm không ngủ vẽ chân dung ông - một tình bạn văn chương - tình cha con - hằn sâu trong tâm khảm. Nhà báo Đỗ Quang Hạnh đã viết bài tưởng nhớ ông khi ông ra đi: “Nhà văn Kim Lân - Một người tử tế đã ra đi”. Tôi nghĩ đây chính là một lời chân tình, thấu hiểu nhất nói về cha tôi.

Cha tôi thường tâm sự “ông là nhà văn của làng quê, của những người nghèo khổ” và nói các con dù có đứa thành danh, nổi tiếng, giàu có, hay bình thường, thành công hay thất bại - các con phải gắn bó với nhau, đoàn kết trong một gia đình và trên hết phải là người tử tế.

Nhà văn Kim Lân và bức chân dung

do con gái Nguyễn Thị Hiền vẽ 

Lại nhớ tới một lần đi vẽ phong cảnh, lúc đó tôi mới 12, 13 tuổi - Vẽ một cây phong ở công viên Bách Thảo - tôi mới được xem tranh Vangogh lần đầu, mê quá thế là vẽ cây phong quằn quại, mây, sao quằn quại, xoắn tít, bắt chước hệt như kiểu vẽ của Vangogh - Tự nghĩ mình thật mođéc, hiện đại - sung sướng mang bức tranh về khoe bố. Bố tôi nhìn bức tranh, nhìn tôi rồi nói “ Á à… định làm Vangogh đây!”. Rồi bố tôi ngồi im lặng. Hồi hộp vô cùng, chờ đợi xem tiếp theo ông sẽ nói gì. Cuối cùng sau một hồi im lặng rất lâu, ông nói:

“Con ạ, con đường nghệ thuật chân chính không đơn giản dễ dãi như con nghĩ đâu, đó là một con đường lao động học hỏi gian khổ, tìm tòi sáng tạo không ngừng. Con hãy luôn luôn nhớ khi con đi học, con phải học giỏi hình họa, bố cục, màu sắc… bài bản của nhà trường. Nhưng khi sáng tạo, con phải tự do tìm tòi sáng tạo và con phải là chính mình! Không sao chép, không lặp lại, không bắt chước, vì nếu như vậy con mãi mãi chỉ là cái bóng của người khác - mà đã là cái bóng của người khác, con sẽ không bao giờ bằng họ và không bao giờ con tìm được mình, tìm được sự sáng tạo tự do của riêng mình”.

12 tuổi đầu tôi ngồi im nghe bố tôi nói, nhìn  bức tranh bắt chước Vangogh của tôi nằm im trong tay ông. Và hiểu rằng ông đã vạch cho tôi một con đường đúng đắn nhất của một người lao động, sáng tạo nghệ thuật.

Mãi cho đến bây giờ hơn 50 năm trôi qua, điều cha tôi nói vẫn in hằn trong tâm trí tôi, theo tôi, hướng dẫn tôi, chỉ lối cho tôi dù nhiều lúc khó khăn, vất vả, nhọc nhằn, chịu nhiều bất công để trả giá cho sự tự do tìm tòi sáng tạo đầy chông gai của mình. Để được tự do sáng tạo và được luôn là chính mình không phải là điều dễ dàng, nhưng những lời cha tôi nói thuở ấy đến nay vẫn luôn là những giọt ký ức lấp lánh dõi theo con đường nghệ thuật mà tôi theo đuổi.