Lập lại TTGT đường thủy bằng… đường bộ

(ANTĐ) - Sau buổi triển khai kiểm tra, giải tỏa vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa năm 2011, hôm qua 2-6, lực lượng liên ngành, chủ trì là Thanh tra GTVT Hà Nội đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm đường thủy mùa mưa lũ 2011.

Lập lại TTGT đường thủy bằng… đường bộ

(ANTĐ) - Sau buổi triển khai kiểm tra, giải tỏa vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa năm 2011, hôm qua 2-6, lực lượng liên ngành, chủ trì là Thanh tra GTVT Hà Nội đã mở đợt cao điểm kiểm tra, xử lý các vi phạm đường thủy mùa mưa lũ 2011.

Địa điểm đầu tiên đoàn kiểm tra dừng chân là bến du lịch sông Hồng tại khu vực Chương Dương Độ. Điều ngạc nhiên là việc kiểm tra vi phạm ATGT đường thủy lại được thực hiện bằng phương tiện đường bộ như ô tô, xe máy. Xí nghiệp Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng tại bến Chương Dương Độ hiện có 4 tàu đang hoạt động du lịch, chở khách xuôi dọc sông Hồng về Bát Tràng, Phố Hiến (Hưng Yên).

Tại đây, một tàu hoa tiêu được phát hiện chưa có đăng ký. Tuy nhiên, theo lý giải của ông Lê Thắng, Giám đốc XN Đầu tư và phát triển du lịch sông Hồng, tàu này vừa mua về, thủ tục hồ sơ đăng ký, đăng kiểm đang trình lên Chi cục Đăng kiểm TP. Ngoài ra, trên tàu không có danh bạ thuyền  viên theo quy định. Với lỗi này, đoàn kiểm tra đã phạt hành chính XN 400.000 đồng và yêu cầu khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Nhiều bến, bãi kinh doanh vi phạm gây mất an toàn đê điều

Nhiều bến, bãi kinh doanh vi phạm gây mất an toàn đê điều

Điểm thứ 2 là bãi khai thác cát sỏi ở bến Bạc thuộc địa bàn xã Đông Ngạc, huyện Từ Liêm thuộc sự quản lý của HTX Liên Thắng, gồm 9 doanh nghiệp tham gia kinh doanh, trung chuyển vật liệu xây dựng. Dễ dàng nhận ra, các doanh nghiệp (DN) ở đây đều vi phạm quy định về chất tải. Những đống cát, sỏi chất cao chất ngất, đe dọa đến an toàn bờ bến sông khi mùa bão lũ đã cận kề. Lý giải về điều này, ông Phạm Xuân Hòa, Chủ nhiệm HTX Liên Thắng phân bua, các DN biết quy định của TP không được chất tải cao, nhất là trong mùa mưa bão, nhưng hầu hết đều vi phạm vì DN nào cũng muốn tích trữ cát, sỏi tối đa để kiếm lời.

Quá trình kiểm tra phát hiện, giấy phép hoạt động bến thủy nội địa đã quá hạn, toàn bộ máy xúc, máy ủi của 9 DN đều chưa đăng ký, đăng kiểm. Với 2 lỗi vi phạm này, đoàn kiểm tra quyết định phạt hành chính HTX Liên Thắng 1.850.000 đồng và yêu cầu HTX khẩn trương đến cơ quan chức năng gia hạn giấy phép, nếu không sẽ đình chỉ hoạt động.

Dự kiến, cao điểm này lực lượng liên ngành sẽ kiểm tra 20 ngày gồm tất cả các bến bãi, bến thủy nội địa, bến khách ngang sông… Tuy nhiên, không khí xử lý ngày đầu tiên lại trái với cuộc họp trước đó, một số ý kiến tỏ ra quyết tâm, khí thế và bức xúc về tình trạng vi phạm nhưng khi kiểm tra thì lại khiêm tốn (bằng đường bộ, kiểm tra qua giấy tờ, thiếu giấy tờ gì thì xử phạt lỗi đó). Có thể nói, vi phạm ATGT đường thủy xảy ra nằm dọc các tuyến sông, việc kiểm tra được thực hiện bằng phương tiện đường bộ chẳng khác nào “cưỡi ngựa xem hoa”, hay có chăng chỉ mang tính “thám thính” tình hình chứ khó có thể xử lý đúng bản chất vi phạm, sai phạm.

Bởi, không thể phát hiện được những sai phạm khi quan sát từ trên bờ. Mặt khác, nếu vi phạm thì cũng khó cưỡng chế, xử lý phương tiện vi phạm, chứng cứ hiện trường… để áp các quy định, yêu cầu khắc phục hậu quả ra sao. Các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân có hành vi vi phạm ATGT đường thủy cũng sẽ trở nên “nhờn” bài thuốc của cơ quan chức năng, “đến hẹn lại lên”, không cần thiết phải lo khắc phục hậu quả, sửa chữa cải tạo phương tiện cho đúng quy định, chỉ cần nộp phạt hành chính với giá “mềm” so với lợi nhuận đem lại.

Không chỉ riêng đảm bảo ATGT đường thủy nội địa cần phải được đảm bảo mà các công trình giao thông, công trình phòng chống lũ, cầu… cần phải được tiến hành giải tỏa khi mùa mưa lũ đến. Bởi các vi phạm cũng gián tiếp gây ảnh hưởng đến những công trình này. Nếu lực lượng chức năng vẫn chỉ kiểm tra vi phạm đường thủy bằng đường bộ sẽ khó có thể giải tỏa, ngăn ngừa được các vi phạm, “chiến dịch” 20 ngày nếu không quyết liệt thì chỉ là xới xáo vấn đề lên mà thôi.

Ngân Tuyền