Lập “lá chắn” bảo vệ trẻ em

ANTĐ - Liên hợp quốc kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động quyết liệt để bảo vệ hàng trăm triệu trẻ em đang là nạn nhân của các cuộc xung đột diễn ra khắp nơi trên thế giới hiện nay.

Lập “lá chắn” bảo vệ trẻ em ảnh 1Các trẻ em người Kurd ở Kobani, Syria sống giữa làn đạn khi bị lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tấn công

Phát biểu ngày 25-3 tại phiên thảo luận của Hội đồng Bảo an LHQ về tình trạng trẻ em bị mắc kẹt trong các cuộc chiến, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nhanh chóng phối hợp hành động nhằm bảo vệ trẻ em trong bối cảnh các cuộc xung đột ngày càng gia tăng trên toàn cầu. Người đứng đầu LHQ cho biết, ngày càng nhiều trẻ em bị tước đoạt các quyền cơ bản, đó là quyền được học tập và được gia đình chăm sóc, thay vào đó, các em bị các nhóm vũ trang bắt cóc và bị đẩy vào cuộc sống bạo lực và nỗi khiếp sợ. 

Cũng tại phiên thảo luận, Đặc phái viên LHQ về trẻ em và xung đột vũ trang, bà Leila Zerougui thừa nhận, mặc dù có sự đồng thuận và nỗ lực chung của thế giới trong việc giải phóng trẻ em khỏi các cuộc chiến, song cộng đồng quốc tế đang đối mặt với những thách thức ngày càng tăng. Vì vậy, bà Zerougui cho rằng, điều cần thiết lúc này là tiến hành đối thoại mang tính xây dựng với các nhóm vũ trang nhằm thuyết phục lực lượng này không ép buộc trẻ em phải cầm súng.

LHQ ước tính hiện có khoảng 230 triệu trẻ em đang sinh sống ở các quốc gia, khu vực diễn ra xung đột giữa các nhóm vũ trang và khoảng 15 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi bạo lực. Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) cho biết, chưa năm nào mà nhiều trẻ em trên thế giới phải hứng chịu sự tàn bạo như 2014, khi có khoảng 15 triệu trẻ em bị mắc kẹt trong các cuộc xung đột ở khắp nơi trên thế giới.

Cụ thể, theo UNICEF, 15 triệu trẻ em đang bị mắc kẹt trong các cuộc xung đột bạo lực ở Cộng hòa Trung Phi, Iraq, Nam Sudan, Syria, Ukraine và vùng lãnh thổ Palestine, trong đó có những trẻ em đang sống trong các trại tị nạn. Ngoài ra, còn có khoảng 230 triệu trẻ em sống ở những quốc gia và khu vực chịu ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột vũ trang, cuộc khủng hoảng kéo dài như ở Afghanistan, CHDC Congo, Nigeria, Pakistan, Somalia, Sudan... Hàng triệu trẻ bị thiệt mạng khi đang học ở trường và cả khi đang ngủ; bị bắt cóc, tra tấn, hãm hiếp hoặc thậm chí bị bán làm nô lệ. 

Một trong những vấn đề nghiêm trọng nhất với trẻ em trong các cuộc xung đột là bị bắt đi lính. Số liệu thống kê của LHQ cho thấy hiện có hơn 250.000 trẻ em dưới 18 tuổi đang phải làm các công việc của những người lính chiến thực thụ trong các cuộc xung đột. Trong số đó, nhiều trẻ em bị bắt ép đi lính, nhiều trẻ khác gia nhập các nhóm vũ trang vì "miếng cơm manh áo", không muốn làm gánh nặng cho gia đình... Theo LHQ, Cộng hòa Trung Phi là nước có tình trạng bắt lính trẻ em nhiều nhất, với khoảng 6.000 em.

Nhằm bảo vệ, lập các “lá chắn” bảo vệ trẻ em, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhanh chóng hành động tập thể nhằm ngăn chặn tình trạng trẻ em trở thành nạn nhân của các cuộc xung đột. Ông nhấn mạnh, thế giới văn minh không thể chấp nhận tình trạng trẻ em bị bắt làm lính, phải tham gia các hành động bạo lực, hay bị thương, bị bắt cóc, phải chịu bạo lực tình dục, và bị chết vì xung đột.