Lấp "khoảng trống" kỹ năng sống

ANTD.VN - Trải qua mấy cuộc đổi mới, cải cách giáo dục từ tổ chức thi tốt nghiệp, tuyển sinh đại học cho đến biên soạn sách giáo khoa, chương trình giảng dạy, gần đây nhất là chương trình giáo dục phổ thông mới, dư luận xã hội, đặc biệt là hàng triệu cha mẹ học sinh trên cả nước vẫn hết sức quan tâm, bày tỏ lo ngại về một khoảng trống rất lớn đã tồn tại từ nhiều năm nay, khó lấp đầy một sớm một chiều. 

Đó là hiện trạng học sinh hầu như không được trang bị kỹ năng sống, ngơ ngác như “gà công nghiệp”, trong khi bị nhồi nhét kiến thức đến mức... bội thực.

Thực trạng “đói” kỹ năng sống đã diễn ra nhiều thập kỷ mà hệ lụy và hậu quả có thể thấy ngay trước mắt. Hàng vạn sinh viên tốt nghiệp được tuyển chọn vào công ty, doanh nghiệp, nhất là các cơ sở có vốn đầu tư nước ngoài thường rơi vào tình trạng thiếu kỹ năng tối thiểu.

Trong khi đó, ở các nước có nền giáo dục tiên tiến trong khu vực cũng như trên thế giới, kỹ năng sống, khả năng sáng tạo, tính độc lập và thích nghi trong làm việc tập thể... lại là những tiêu chuẩn được đánh giá, coi trọng thậm chí hơn cả kiến thức, bằng cấp. Lâu nay, ngành giáo dục nước ta luôn nêu cao khẩu hiệu: “Học đi đôi với hành”, nhưng “hành” như thế nào, kết quả ra sao thì thực tế đã quá rõ.

Áp lực chương trình giáo dục quá nặng nề, nhiều môn học nặng về kiến thức khô khan, thầy đọc học trò ghi chép, cộng thêm nạn dạy thêm, học thêm, thử hỏi học sinh còn thời gian đâu mà thực hành, nói gì tới kỹ năng sống. Ngay cả những công việc thường ngày không đòi hỏi “kỹ năng” gì cao siêu, học sinh cũng hết sức lúng túng, vụng về.

Trong bối cảnh này, hiện đang rộ lên trào lưu gần như một “làn sóng” ngay trong nhà trường và các gia đình là “bồi dưỡng” kỹ năng sống cho trẻ đến mức khiên cưỡng, thậm chí quá đà và sa vào hình thức. Đơn cử, có trường học tổ chức cho tất cả học sinh nữ lẫn nam học khâu vá, thêu thùa, đan lát. Ngược lại, có trường còn dạy trẻ “kỹ năng” sử dụng kìm, búa, cưa đục. Thế nhưng, lại “bỏ quên” những kỹ năng cực kỳ cần thiết trong cuộc sống như bơi lội, sơ cứu, tự vệ hoặc chống bạo lực, xâm hại tình dục...

Giáo dục kỹ năng sống cho học sinh là hết sức cần thiết và cấp bách. Tuy nhiên, không thể “tùy hứng” và tùy tiện, phải được các chuyên gia chuyên sâu nghiên cứu kỹ lưỡng để đưa vào chương trình giáo dục một cách căn cơ, bài bản; tránh tình trạng nhồi nhét, trút thêm gánh nặng vốn đã oằn vai lứa tuổi cần ăn, học và chơi.