Lấp hố ngăn giàu - nghèo

ANTĐ - Bất bình đẳng thu nhập trên thế giới đang ngày càng nới rộng. Nó không chỉ tạo thách thức về kinh tế - xã hội từng nước, mà còn là mối rủi ro mang tính toàn cầu trong vòng 10 năm tới.

Nghịch cảnh trên đường phố Toronto của Canada

Phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) hôm 8-7, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã lưu ý tới một thực tế là tuy đời sống của con người nói chung trong những năm qua đã được cải thiện đáng kể, song khoảng cách giàu - nghèo tại hầu hết các quốc gia ngày càng nới rộng. Trong khi 1,2 tỷ người nghèo trên Trái đất chỉ sở hữu 1% tổng tài sản nhân loại, thì 1 tỷ người giàu lại chiếm tới 72% khối tài sản khổng lồ này.

Sự bất bình đẳng ấy thể hiện rõ giữa các quốc gia, cũng như giữa các tầng lớp nhân dân trong mỗi nước cụ thể. Và càng ở những nước phát triển thì khoảng cách về thu nhập càng lớn. Chẳng hạn ở Mỹ, cường quốc kinh tế số 1 thế giới, những người giàu nhất chỉ chiếm 7% dân số, nhưng tổng tài sản trung bình của họ tăng từ 56% trong năm 2009 lên 63% trong năm 2011, còn tài sản của 93% dân số Mỹ lại giảm. 

Đi tìm nguyên nhân tình trạng bất bình đẳng thu nhập trên thế giới ngày càng bị nới rộng trong thời gian gần đây, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho rằng có hai lý do. Trước hết, là do các công ty lớn đều lo vun vén lợi nhuận hơn là mạnh tay đầu tư để tạo việc làm. Nguyên nhân thứ hai là do tiền lương của giới quản lý liên tục được nâng lên.

Bằng chứng là tại những nước phát triển nhất thế giới, đầu tư đã giảm từ 21,6% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2007 xuống còn 18,5% GDP trong năm ngoái. Cùng khoảng thời gian trên, khoản tiền mặt mà các công ty ở những quốc gia này nắm giữ tăng từ 11,8% tổng tài sản trong năm 2008 lên 12,4% trong năm 2011. Trong khi đó, những công ty được niêm yết công khai đã tăng khoản tiền nắm giữ từ 2,3 nghìn tỷ USD năm 2000 lên 5,2 nghìn tỷ USD năm 2008, và 6,5 nghìn tỷ USD năm 2011. 

Liên quan đến tiền lương của giới lãnh đạo công ty, con số này đang tăng trở lại, và trong một số trường hợp vượt quá mức trước khủng hoảng. Tại Đức và Hồng Kông (Trung Quốc), mức lương trung bình của giới lãnh đạo công ty giàu có nhất đã tăng 25% từ năm 2007 đến 2011, trong khi lương của những ông chủ hàng đầu ở Đức tăng từ 150 đến 190 lần so với mức lương trung bình của công nhân. Sự chênh lệch này còn cao hơn nhiều tại Mỹ, khi giới giám đốc điều hành kiếm được số tiền nhiều hơn 508 lần so với mức trung bình của một công nhân trong năm 2011.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới ảm đạm, người dân nhiều nước phải “thắt lưng, buộc bụng”, đây rõ ràng là một nghịch lý. Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã phải thốt lên rằng, sự bất bình đẳng là vấn đề không thể tồn tại trong nền văn minh nhân loại hiện nay, đi ngược lại Hiến chương LHQ. Chính nó là nguyên nhân gây ra xung đột, hận thù giữa các dân tộc, sắc tộc, làm gia tăng tình trạng tội phạm, bệnh dịch, môi trường bị hủy hoại... đồng thời là một trong những trở ngại chính đối với quá trình phát triển kinh tế, xã hội của nhân loại.

Thế giới sẽ chỉ có thể vượt qua thách thức này nếu cùng chung tay giải quyết, trước hết là tăng cường đầu tư cho lĩnh vực y tế, giáo dục và xã hội, kiến tạo việc làm, tạo sự công bằng tối đa trong cuộc sống của con người, nỗ lực đẩy lùi nạn đói nghèo. Đây là những yếu tố then chốt tạo nên một xã hội ổn định và phát triển bền vững.