Lập danh sách cơ sở trọng điểm tiềm ẩn cháy, nổ

ANTD.VN - Qua kiểm tra thực tế và rà soát địa bàn, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH (CAH Hoài Đức) cảnh báo nhiều khu dân cư xen kẽ với làng nghề, hoặc nằm trong ngõ sâu nhưng lại tham gia sản xuất kinh doanh đang tiềm ẩn nguy cơ hỏa hoạn rất cao...

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAH Hoài Đức tuyên truyền, tập huấn cho người dân kỹ năng PCCC

Phát huy phương châm 4 tại chỗ

Ngay từ những ngày đầu năm 2019 Hà Nội đã xảy ra liên tiếp nhiều vụ hỏa hoạn tại các cơ sở sản xuất, nhà dân mà nguyên nhân phần lớn xuất phát từ sự chủ quan. Điển hình, vào khoảng 22h40 ngày 15-1 xảy ra vụ cháy đường dây điện tại Quốc lộ 32, thôn Thượng Thụy, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức.

Tiếp đến, khoảng 0h45 ngày 19-1 xảy ra vụ cháy tại nhà ông Ngô Văn Lộc (SN 1954), ở xã La Phù và khoảng 14h21 ngày 8-2 đã xảy ra vụ cháy tại nhà ông Nguyễn Văn Thịnh, ở xã Đức Giang. Mới đây nhất là khoảng 16h30 ngày 15-3 lại xảy ra vụ cháy tại một hộ dân có nhà vừa dùng làm nơi ở, vừa kết hợp kinh doanh thuộc xã La Phù. Rất may, các vụ hỏa hoạn nêu trên không có thiệt hại về người.

Nói về nguy cơ hỏa hoạn tiềm ẩn trên địa bàn, Đại tá Đỗ Đức Quang, Trưởng CAH Hoài Đức chia sẻ: “Địa bàn huyện Hoài Đức là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh. Ở đây có làng nghề La Phù truyền thống lâu đời với đủ loại ngành nghề sản xuất, kinh doanh, nên việc sử dụng máy móc công nghiệp cũng rất đa dạng. Tuy nhiên, điều đáng nói là người dân chưa thực sự quan tâm cũng như không có sự hiểu biết về kỹ năng PCCC. Do vậy, họ chưa nhận thức hết được tầm quan trọng của công tác PCCC hoặc đánh giá đúng những nguy hiểm, thiệt hại do cháy gây ra. Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, CAH Hoài Đức đã chỉ đạo lực lượng PCCC&CNCH triển khai xây dựng, nhân rộng mô hình PCCC, phát huy phương châm 4 tại chỗ, lấy lực lượng cơ sở làm nòng cốt để triển khai nhanh công tác xử lý ban đầu”.

“Nhằm mục tiêu đưa công tác PCCC về với từng người dân, nhiều tháng qua lực lượng công an đã phối hợp tốt với các cơ quan thông tin tuyên truyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tăng cường công tác thông tin về PCCC, đặc biệt vào các đợt cao điểm như: Tuần lễ vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; Ngày toàn dân PCCC và cao điểm PCCC mùa hanh khô...”.

Đại tá Đỗ Đức Quang - Trưởng CAH Hoài Đức

Cũng theo chỉ huy CAH Hoài Đức, thực hiện Kế hoạch 205 của UBND huyện Hoài Đức ngày 9-8-2018 về việc tuyên truyền nghiệp vụ công tác PCCC&CNCH cho người dân, CAH đã chủ động xây dựng kế hoạch công tác tuyên truyền theo lịch, chi tiết cụ thể đến từng thôn và thường xuyên tập huấn PCCC cho người dân. Trung tá Nguyễn Minh Hiếu, Đội trưởng Đội PCCC&CNCH cho biết: “Việc tuyên truyền sâu rộng đến từng hộ dân về công tác PCCC không chỉ giúp họ nhận thức được vị trí, tầm quan trọng của công tác PCCC, thấy rõ được nghĩa vụ và quyền lợi của mình mà còn nâng cao ý thức trách nhiệm và bồi dưỡng kiến thức cho người dân về công tác này”.

Được biết, ngay từ những ngày đầu năm 2019, CAH Hoài Đức đã tổ chức rà soát và triển khai nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền PCCC tại khu dân cư, thôn, xóm. “Phát huy phong trào toàn dân tham gia PCCC,  nhiệm vụ đầu tiên là các viên chức, công chức, cán bộ các ban ngành, đoàn thể ở địa phương phải gương mẫu đi đầu. Chính vì vậy, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, tuyên truyền cho những người đứng đầu cơ sở nắm vững công tác PCCC và xác định phương châm “4 tại chỗ” là nhiệm vụ quan trọng số 1 để công tác chữa cháy đạt hiệu quả” - Trung tá Nguyễn Minh Hiếu nêu rõ.

Lập danh sách cơ sở trọng điểm tiềm ẩn cháy, nổ ảnh 2

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Huyện Hoài Đức hiện có 20 xã, thị trấn với 136 thôn và 5 khu dân cư. Trên địa bàn còn 972 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có trên 800 cơ sở đang hoạt động và 74 cơ sở bị tạm đình chỉ và đình chỉ vì vi phạm an toàn PCCC. Cùng với nhiệm vụ tuyên truyền, tập huấn, chỉ huy CAH Hoài Đức đã tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn cháy lớn đối với các chợ, trung tâm thương mại, nhà cao tầng và làng nghề.

Ngay khi Kế hoạch 205 của UBND huyện Hoài Đức ban hành, CAH đã cụ thể hóa bằng việc rà soát 216 ngõ, ngách, có chiều dài hơn 200 mét và xe chữa cháy không vào được; 44 cơ sở trọng điểm xe chữa cháy không tiếp cận được; 5 xã phía Nam Đại lộ Thăng Long có số lượng cầu cạn, cầu vượt bắc qua hạn chế việc di chuyển của xe chữa cháy. Công tác rà soát cũng chỉ ra toàn huyện có 145 nguồn nước tự nhiên, trong đó 129 nguồn nước có thể lấy được, 16 nguồn không lấy được, 66 nguồn nước xe chữa cháy có thể tiếp cận và 107 máy bơm chữa cháy có thể lấy được nước.

Huyện Hoài Đức hiện có 20 xã, thị trấn với 136 thôn và 5 khu dân cư. Trên địa bàn còn 972 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có trên 800 cơ sở đang hoạt động và 74 cơ sở bị tạm đình chỉ và đình chỉ vì vi phạm an toàn PCCC. 

Đây là những hạng mục phục vụ công tác chữa cháy vốn được xem là rất quan trọng, song với vai trò và trách nhiệm của những người lính cứu hỏa thì công tác PCCC&CNCH luôn phải ”lấy phòng làm chính”. Muốn thực hiện hiệu quả nhiệm vụ này, việc đầu tiên là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về pháp luật về PCCC tới tất cả địa bàn dân cư.

“Nhằm mục tiêu đưa công tác PCCC về với từng người dân, nhiều tháng qua lực lượng công an đã phối hợp tốt với các cơ quan thông tin tuyên truyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tổ chức tăng cường công tác thông tin về PCCC, đặc biệt vào các đợt cao điểm như: Tuần lễ vệ sinh an toàn lao động, phòng chống cháy nổ; Ngày toàn dân PCCC và cao điểm PCCC mùa hanh khô...” - Đại tá Đỗ Đức Quang nói.

Thời gian qua, CAH đã kiểm tra nhiều cơ sở, phối hợp với lực lượng PCCC&CNCH của CATP tổ chức nghiệm thu PCCC đối với nhiều công trình. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường kiểm tra, hướng dẫn về an toàn PCCC, tập trung vào các cơ sở kinh doanh xăng dầu, khí gas hóa lỏng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng hóa chất dễ cháy và các cơ sở chế biến nông - lâm sản trên địa bàn.