Lập đàn cầu siêu cho nỗi u buồn và giải cứu "oan hồn" trong tác phẩm

ANTD.VN -Họa sỹ Phạm Trần Việt Nam đã tạo nên một bài văn tế vừa day dứt, vừa lặng thinh bằng ngôn ngữ của hội họa. Có điều, các tác phẩm của anh thách thức người xem ở khả năng cảm nhận bởi đây là những tác phẩm lấy cảm hứng từ bài “Văn tế thập loại chúng sinh” (Văn tế chiêu hồn) của đại thi hào Nguyễn Du.

Bài văn tế được Nguyễn Du viết sau một mùa dịch khủng khiếp làm hàng triệu người chết, âm khí nặng nề khắp cả nước. Ở các chùa, người ta lập đàn giải thoát, cầu siêu cho hàng triệu linh hồn này. Còn lý do để một họa sỹ trẻ như Phạm Trần Việt Nam (SN 1985) quan tâm và chú trọng phát triển đề tài này vào nghệ thuật lại là một câu chuyện dài.

Họa sỹ tâm sự, mỗi con người trong xã hội hiện đại luôn ẩn chứa nỗi lo sợ trước các biến động của đời sống. Bản thân anh cũng từng “đóng cửa” trong suốt 7 năm để vật lộn cho các sáng tạo của mình. Nhưng chỉ đến khi đọc “Văn tế thập loại chúng sinh” của Đại thi hào Nguyễn Du, anh đã như gặp được nhân duyên của mình.

Trích đoạn tác phẩm nghệ thuật “Văn tế thập loại chúng sinh” của Phạm Trần Việt Nam. Ảnh: Trí Nguyễn

Cũng trong khoảng thời gian ấy, họa sỹ bị trầm cảm kéo dài. Và bài văn tế đã đưa đến anh cảm hứng sáng tác để dứt khỏi sự cô đơn và u sầu. Vì thế, Phạm Trần Việt Nam đã vẽ loạt tranh sơn dầu trên toan với mọi hình thù của ma quỷ và các sinh vật của sự đau khổ. Thấy anh đi vào đề tài lạ, có nhà sưu tầm đã tìm tới hỏi mua. Nhưng Phạm Trần Việt Nam nhất quyết không bán. Như không muốn để người khác biết những u buồn của bản thân, sau này, anh còn lấy kéo cắt nát các bức tranh ấy.

Nhưng thật may, nhờ đắm chìm vào hội họa và lấy cảm hứng sáng tạo từ bài văn tế của Nguyễn Du, Phạm Trần Việt Nam đã bước ra khỏi những nỗi buồn và thoát khỏi tình trạng trầm cảm. Vì tiếc các bức tranh do chính mình hủy hoại, họa sỹ đã dùng kim chỉ để khâu và ghép lại các mảng tranh, tỉ mỉ hàn gắn những mảnh vụn của nhân thế bằng tay hoặc tăm bông. Kết quả là những dải băng với kích thước cực lớn, dài và rộng nhiều mét đã được tạo ra và gây nên hiệu ứng thị giác khác lạ.

Họa sỹ Phạm Trần Việt Nam

Với triển lãm “Văn tế thập loại chúng sinh” tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory, Quận 2, TP.HCM , Phạm Trần Việt Nam đã đưa đến người xem một tổ hợp các loạt tranh sơn dầu khổ lớn và những dải tranh-sắp đặt hoành tráng dài hàng chục mét, được treo rủ từ trên cao rồi trải ra trên nền phòng triển lãm. Do vậy, để thưởng thức các tác phẩm như vậy, người xem buộc phải có cái nhìn tổng thể cho đến từng tác phẩm và cuối cùng là khám phá những chi tiết được thực hiện công phu, tỉ mỉ trong nhiều năm.

Họa sỹ, nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân đã bày tỏ xúc động khi xem tác phẩm của Phạm Trần Việt Nam. Theo ông, họa sỹ đã thể hiện được cái tôi cá nhân của người nghệ sỹ, có chiều sâu, khác hẳn với các nghệ sỹ đương đại trong cùng khu vực thường na ná nhau.

Phạm Trần Việt Nam đã lập đàn cầu siêu cho chính nỗi u sầu mà anh đã trải qua trong khoảng thời gian khá dài. Và hiện nay, “cơn bão” trong lòng người nghệ sỹ đã phần nào nguôi ngoai. Những thứ ma quỷ, gián bọ, chết chóc giờ không còn rõ hình thù mà được an nghỉ ở một dạng mới.

Điều đặc biệt, họa sỹ đã thể hiện tinh thần hồi sinh và tươi mới của cuộc sống hiện tại bằng việc tạo ra các hoa văn rễ cây đang bắt đầu lớn lên và đến cuối nhỏ dần như thể hiện cho sự siêu thoát và mong muốn ở một cuộc sống mới. Có thể nói, triển lãm “Văn tế thập loại chúng sinh” là một sự giải cứu của anh đối với bản thân và những "oan hồn” trong tác phẩm của mình. 

Phạm Trần Việt Nam sinh năm 1985 tại Đà Nẵng, tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh năm 2010. Đã tham gia các triển lãm “Chị tôi” (Sàn Art, TP. Hồ Chí Minh – 2010), “Miền Méo Miệng” (Bảo tàng nghệ thuật đương đại Bildmuseet, Umea, Thụy Điển – 2015), “Vietnam Eye” (Trung tâm Văn hóa Ý, Hà Nội – 2016), Giải thưởng tranh chân dung Dogma (Heritage Space, Hà Nội – 2017).

Là con trai nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng, anh đã có triển lãm chung với thân phụ – “Ảo vọng và ước vọng” tại Trung tâm Văn hóa Pháp L’Espace (Hà Nội, 2009) và triển lãm tranh cá nhân “Phía sau tri thức” (gallery Tự Do, TP. Hồ Chí Minh – 2010). Dù tốt nghiệp khoa điêu khắc nhưng Phạm Trần Việt Nam chủ yếu thực hành hội họa.

Triển lãm “Văn tế thập loại chúng sinh” của Phạm Trần Việt Nam diễn ra đến hết ngày 13-7-2018.