Lao ô tô chặn kẻ cướp, có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

ANTD.VN - Ngày 20-4, ông Nguyễn Văn H. (SN 1967, là nhân viên lái xe taxi) đang trên đường đón khách thì bất ngờ nghe thấy tiếng tri hô thất thanh: “Cướp, cướp...” từ một cô gái phía trước...

... Cùng lúc đó, một nam thanh niên điều khiển xe máy cầm theo túi xách của cô gái trẻ chạy nhanh về hướng ngược lại với xe của ông H. Nghi là tên cướp đã giật túi xách của cô gái trẻ, ông H. liền nhanh chóng điều khiển xe rẽ vào lề để cản đường tên cướp. Bị cú tông bất ngờ, nam thanh niên ngã vào lề đường rồi nhanh chóng choàng dậy bỏ lại chiếc xe máy và túi xách vừa cướp được để chạy bộ thoát thân. Sau đó, ông H. đã chủ động đến cơ quan chức năng để tường trình, đồng thời trao trả lại toàn bộ tài sản mà tên cướp đã bỏ lại để đưa cho cô gái.

Vấn đề cần tranh luận là hành vi của ông H. nếu gây thương tích nghiêm trọng cho đối tượng cướp giật thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Nếu có thì phạm tội gì?

Ý kiến bạn đọc

Ông Nguyễn Văn H. không phạm tội

Theo Điều 46, Hiến pháp 2013 đã nêu rõ: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”.

Điều 4, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về trách nhiệm đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm cũng quy định: “Mọi công dân có nghĩa vụ tích cực tham gia đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm”. Hành vi của ông H., cũng như bất cứ người dân nào tham gia bắt giữ đối tượng đang có hành vi vi phạm pháp luật là việc làm đáng được tuyên dương và được pháp luật cho phép.

Do đó, trong trường hợp nếu ông H. vì ngăn cản hành vi phạm tội mà gây thương tích nghiêm trọng cho đối tượng cướp giật tài sản thì ông H. không phải chịu trách nhiệm hình sự. 

Nguyễn Hoàng Hà (Ba Đình - Hà Nội)

Là hành vi quá mức cần thiết

Theo tôi được biết, bất kỳ người dân nào khi tham gia bắt giữ đối tượng phạm tội quả tang cướp giật tài sản đều được coi là người thi hành công vụ. Bởi lẽ công dân vì lợi ích chung của xã hội mà sử dụng công cụ, phương tiện giúp cho các cơ quan pháp luật ngăn chặn hoặc truy đuổi bắt người phạm tội thì cũng được coi là người thi hành công vụ.

Trong trường hợp này, nếu ông H. điều khiển xe ô tô đâm thẳng vào đối tượng cướp giật tài sản mà gây thương tích nặng cho đối tượng này là hành vi quá mức cần thiết, gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của đối tượng.

Theo quy định của pháp luật, hành vi của ông H. sẽ bị xử lý tương ứng theo hậu quả được quy định tại theo Điều 107, Bộ luật Hình sự về tội gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong khi thi hành công vụ như sau: Nếu gây thương tích cho đối tượng từ 31% theo kết quả giám định của cơ quan chuyên môn thì có thể sẽ bị xử lý về hành vi gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác trong khi thi hành công vụ. 

Hồ Quốc Thắng (Thanh Chương - Nghệ An)

Hành vi cố ý gây thương tích

Pháp luật quy định mọi người dân có quyền truy bắt người phạm tội quả tang nhưng phải bàn giao cho cơ quan công an nơi gần nhất để xử lý theo thẩm quyền chứ không có luật nào quy định cho người điều khiển phương tiện đâm vào tên cướp, mặc dù tên cướp đó vừa thực hiện hành vi cướp tài sản. Không ai có quyền tước đoạt sinh mạng người khác, kể cả đó là tên cướp; quy định tội danh cướp tài sản trong pháp luật hiện hành cũng không áp dụng hình phạt tử hình.

Mặc dù ông H. trông thấy hành vi cướp tài sản nhưng chỉ có quyền đuổi bắt để đưa người đó đến cơ quan công an gần nhất xử lý theo thẩm quyền. Việc ông H.  đâm thẳng xe ô tô vào tên cướp là không được phép. Pháp luật hiện hành cũng quy định ô tô, xe máy được coi là nguồn nguy hiểm cao độ. Người sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ để lao thẳng vào người khác buộc phải nhận thức được rằng có thể xảy ra hậu quả chết người.

Trong vụ việc nêu trên, nếu ông H. gây thương tích nghiêm trọng cho đối tượng cướp giật tài sản sẽ bị xử lý hình sự về tội cố ý gây thương tích. Tuy nhiên ông H. sẽ được xem xét giảm nhẹ vì hành vi với lý do để ngăn chặn cướp.

Hoàng Thị Kiều Anh (Thái Thụy - Thái Bình)

Bình luận của luật sư

Điều 82, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định bất cứ người nào cũng có quyền bắt, giải ngay người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt hoặc người đang bị truy nã đến cơ quan công an, Viện kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản và giải ngay người bị bắt đến cơ quan điều tra có thẩm quyền. Khi bắt người phạm tội quả tang hoặc người đang bị truy nã thì người nào cũng có quyền tước vũ khí, hung khí của người bị bắt...

Như vậy, trường hợp nam thanh niên điều khiển xe máy cầm theo túi xách của cô gái trẻ là hành vi phạm pháp quả tang và việc ông Nguyễn Văn H. truy bắt đối tượng là điều được pháp luật cho phép. Nhưng vấn đề cần tranh luận ở đây là việc ông H. đâm xe ô tô taxi của mình vào tên cướp có phạm tội hay không?

Trên thực tế, tên cướp đã không bị thương tích và đã bỏ trốn thành công, để lại chiếc xe máy, đây là cơ sở để cơ quan điều tra bắt giữ tội phạm. Với thực tế này, ông H. sẽ không bị xem xét về mặt hình sự. Tuy nhiên đặt giả thiết nếu hành vi của ông H. gây thương tích nghiêm trọng cho tên cướp thì có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không? Và nếu có thì theo tội danh nào quy định trong Bộ luật Hình sự? 

Để tranh luận theo đúng tình tiết đã được nói ở trên trước hết chúng ta phải khẳng định ông H. đã cố ý đâm xe ô tô taxi của mình vào xe của tên cướp. Việc làm này của ông H. là nhằm vô hiệu sự chạy trốn của đối tượng cướp tài sản này.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 15, Bộ luật Hình sự, trường hợp ông H. dùng taxi ngăn chặn hành vi cướp giật có thể xem như là trường hợp phòng vệ chính đáng (Khoản 1, Điều 15, Bộ luật Hình sự quy định: “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tổ chức, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác, mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”. Pháp luật quy định, phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm vì đó là hành động bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc người khác.

Điều 106. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng 

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên hoặc dẫn đến chết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm.

2. Phạm tội đối với nhiều người thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm.

Tuy nhiên, cần phải hiểu, việc phòng vệ này có phải là cần thiết hay đã vượt quá giới hạn, để từ đó xem lại từng tội danh khác nhau và có được cái nhìn chính xác. Cụ thể, trong vụ việc nói trên, điều cần phải làm rõ đó là việc ông H. điều khiển xe ô tô taxi đâm vào tên cướp để ngăn chặn tên cướp bỏ trốn nhưng lại gây thương tích nghiêm trọng cho đối tượng này có vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hay không?

 Để làm rõ điều này cần xác định thời điểm hành vi phạm tội xảy ra, thời điểm tội phạm hoàn thành để coi đó là căn cứ xác định việc làm của ông H. Theo quy định của pháp luật, nếu hành vi phạm tội đang diễn ra và chưa hoàn thành thì việc chống trả một cách cần thiết được xem là phòng vệ chính đáng. Còn nếu tội phạm đã hoàn thành thì không thể coi là hành vi phòng vệ chính đáng mà chỉ có thể coi đó là truy bắt người phạm tội quả tang.

Trong vụ việc này có thể thấy, hành vi cướp giật túi xách cô gái trẻ của đối tượng đi xe máy đã hoàn thành nhưng tội phạm chưa kết thúc. Tên cướp đang phải bỏ chạy, chưa thể tự do định đoạt chiếc túi xách nên ông H. vẫn có quyền thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng để bảo vệ lợi ích chính đáng của cô gái.

Tuy nhiên, hành vi phòng vệ của ông H. trong trường hợp này là đâm xe ô tô gây thương tích nghiêm trọng cho đối tượng rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Do đó, hành vi của ông H. phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng theo Điều 106, Bộ luật Hình sự.

Mỗi công dân đều có quyền và nghĩa vụ cùng tham gia hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, nhưng vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải làm gì khi tham gia giữ gìn an ninh trật tự, khi đuổi bắt tội phạm để không dẫn đến vi phạm pháp luật hình sự. Theo chúng tôi, việc xác định biện pháp thích hợp, cần thiết khi đuổi bắt đối tượng phạm tội cần phải đặt trong bối cảnh, tính chất, mức độ mà hành vi phạm tội thực hiện.

Theo quy định của pháp luật, việc bắt người phạm tội quả tang đối với người dân là quyền chứ không phải là nghĩa vụ, do đó người truy bắt người phạm tội quả tang cần cân nhắc, so sánh giữa một bên là giá trị tài sản bị chiếm đoạt và một bên là tính mạng, sức khỏe của người phạm tội quả tang. Bởi nếu vượt quá mức cần thiết thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự của người đuổi bắt sẽ dựa trên hậu quả xảy ra.

Như trong vụ việc nói trên, do điều kiện đường sá thành thị có nhiều người lưu thông, việc ông H lao xe taxi vào đối tượng cướp giật như vậy nhiều khi không thể lường trước được mọi hậu quả. Mặt khác, do xe taxi lại là nguồn nguy hiểm cao độ, dùng nó đâm vào xe máy có thể gây đến hậu quả chết người. Điều này khiến cho việc làm tưởng như là tốt của ông H, lại vô tình trở thành hành vi vi phạm pháp luật.

Luật sư Đoàn Mạnh Hùng, (Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)