Lão nông nghèo cắm sổ đỏ mua 9.000 đồ cổ gắn lên tường nhà

ANTĐ - Đang yên ổn làm nghề mộc bất ngờ ông Nguyễn Văn Trường (SN 1961 ở làng Kiệu Sơn; xã Chấn Hưng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bỏ nghề chuyển sang đi buôn đồ cổ nhưng chẳng phải để mua đi bán lại kiếm lời mà cứ mua được món đồ nào ông lại lau chùi sạch sẽ để gắn hết lên tường nhà. Sau 15 năm tìm kiếm, nhặt nhạnh ông Trường đã gắn lên tường nhà mình gần 9.000 đĩa cổ… tạo cho ngôi nhà vẻ bề ngoài hết sức kỳ dị, độc đáo có một không hai.

Nướng tiền vào đồ cổ

Xuất ngũ năm 1989 ông Trường về quê lấy vợ và làm nghề sơn bàn ghế kiếm sống. Trong một lần đi sơn bàn ghế cho một ông lão buôn bán đồ cổ nổi tiếng trong huyện, được nghe ông lão giới thiệu về đồ cổ và tận mắt chứng kiến những món đồ độc đáo mà ông ta sưu tầm được làm ông Trường mê tít. Về nhà lúc nào ông cũng cứ tưởng tượng ra mình là chủ sở hữu của những món đồ cổ thì đó là một niềm ao ước lớn. Ông Trường về nhà bàn với vợ chuyển nghề buôn đồ cổ. 

Bao nhiêu tiền của hai vợ chồng tích cóp được sau nhiều năm làm lụng vất vả ông Trường bỏ hết vào việc thu mua đồ cổ, các món đồ cũng ngày một nhiều vậy nhưng ông Trường không chịu bán bất cứ món đồ cổ nào dù có người trả giá cao gấp đôi, gấp ba lần. Mặc cho trong nhà không còn gì ăn, vợ con không có tiền mua gạo ông cũng quyết giữ khư khư kho đồ cổ của mình. 

Hết vốn ông Trường bỏ hết đồ cổ vào một góc nhà rồi mang ba lô đi bộ sang các xã, huyện lân cận để tìm kiếm đồ cổ. “Nhìn đồ cổ bị người ta mua rồi bán ra nước ngoài tôi buồn lắm, bán hết đi mai này lấy gì để lại cho con cháu, làm sao để con cháu đời sau biết được tài hoa chế tác ra những hoa văn trên chén, đĩa, đồ gốm cổ… Nghĩ vậy nên dù khó khăn, nghèo đói thế nào tôi cũng mua cho được những món đồ quý”, ông Trường bày tỏ.

Có những chuyến ông còn lên tận Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang… tìm mua. Để có tiền cho những chuyến đi rong ruổi ấy, ông Trường còn mang luôn sổ đỏ đi cầm cố ngân hàng. “Lúc đầu tôi vay mượn xóm làng, anh em nhưng về sau người ta biết tôi lấy tiền “nướng” vào đồ cổ nên không ai cho mượn nữa, cắm cái sổ đỏ được hơn 10 triệu đồng tôi dành hết để mua, mua xong không có tiền bắt xe về quê vậy là đi bộ mấy ngày liền để mang đồ cổ về nhà”, ông Trường nhớ lại.

Kể về những ngày tháng rong ruổi khắp các bãi cát dọc sông Hồng lượm lặt đồ cổ ông Trường cười bảo: “Đam mê ngấm vào máu rồi đố mà từ bỏ được, có những hôm nắng chang chang nóng rát chân tôi vẫn đào bới từng đống cát lên để tìm đồ cổ, cho dù là một miếng gốm nhỏ nhất tôi cũng cất đặt cẩn thận để mang về nhà”.

Hết tiền ông Trường lại ở nhà dăm bảy hôm xin đi phụ hồ, sơn bàn ghế, có được khoản tiền nho nhỏ ông lại tiếp tục bắt xe đi đến các tỉnh lân cận để săn lùng đồ cổ. Nhiều lần khuyên nhủ chồng không được nên bà Hồ Thị Nga vợ ông Trường cũng đành chấp nhận, tất cả cuộc sống gia đình, chăm sóc con cái đều đổ xuống  đôi vai bà Nga. “Ông ấy mê đồ cổ đến mức tôi phải phát điên, nhiều lúc tôi ôm con bỏ đi xem ông ấy có chịu bỏ đồ cổ không nhưng cuối cùng đành ôm con về lại vì ông ấy vẫn xách túi lang bạt khắp nơi, không biết trời đày hay đồ cổ đày ông ấy nên tôi cũng đành chấp nhận”, bà Nga tâm sự.

Bên trong được gắn đĩa cổ rất cầu kỳ

Ngôi nhà kỳ dị

Công việc tìm kiếm đồ cổ cứ kéo dài như vậy cho đến khoảng năm 1998 khi căn nhà cấp 4 cũ kỹ của ông Trường không còn có chỗ để cất giữ đồ cổ, nhà lại nghèo không có tiền để mua tủ kính trưng bày nên ông Trường nghĩ ra cách gắn hết số đĩa cổ và toàn bộ cổ vật mình tìm kiếm được lên tường nhà. “Hai vợ chồng bòn mót xây được căn nhà cấp 4 nhưng khổ nỗi không có tiền trát tường cho đẹp nên nhân tiện tôi mua xi măng về trát lại nhà rồi gắn đĩa vào luôn, một phần để bảo quản đồ cổ, phần để cho tường nhà thêm chắc chắn, đẹp và độc đáo”, ông Trường chia sẻ.

Công việc ốp đĩa, chén và số cổ vật lên tường nhà của ông Trường cũng không hề đơn giản. Sau thời gian dài đi tìm từng chiếc chén, chiếc đĩa ông Trường về nhà tranh thủ xin đi phụ hồ để kiếm tiền mua xi măng và cát. Đêm đến một mình ông thắp điện rồi trộn hồ và bắt đầu công việc gắn đồ cổ lên tường. “Để chén đĩa bám chắc vào tường tôi trộn hồ theo công thức 2 cát 1 xi măng, tôi hì hục làm một mình vì không muốn người khác phá vỡ ý tưởng của mình”, ông Trường chia sẻ.

Công việc đó cứ kéo dài như vậy trong suốt 15 năm qua, gắn hết mặt trong ông lại gắn luôn mặt ngoài tường, gắn xong nhà rồi cổng và hòn non bộ. Cho đến nay ông Trường đã gắn lên tường, cổng và hòn non bộ nhà mình gần 9.000 chiếc đĩa cổ, 120kg xèng, 30kg tiền xu, khuy áo… tạo cho ngôi nhà một vẻ đẹp độc đáo và kỳ dị. “Tôi phải mất rất nhiều thời gian để thiết kế rồi mới bắt đầu ý tưởng, gắn làm sao để vừa đẹp vừa bảo vệ được cổ vật, lại chơi được đồ cổ theo cách riêng của mình mà vừa hợp phong thủy”, ông Trường chia sẻ.

Đến nhà ông Trường ai cũng cảm tưởng ngôi nhà của gia đình ông giống như một bức tranh. Phía ngoài tường rào là hàng trăm chiếc chén, đĩa được gắn theo những hình thù khác nhau, gần cổng được ông Trường gắn thêm 2 con rồng đá, khi bước qua cổng, bên phải là một cây si, đến một am thờ và hòn non bộ lớn được gắn lên hàng trăm chiếc đĩa cổ, bát và mảnh gốm. Phía bên trái là căn nhà được gắn hàng nghìn chiếc đĩa, bát của ông. 

Nhiều người đến chơi nhà ông Trường đều tỏ ra rất ngạc nhiên nhưng cũng không ít người tò mò tại sao ông lại làm như vậy. “Có người cho rằng chơi đồ cổ như tôi chẳng quá là phá hoại đồ cổ nhưng tôi lại nghĩ khác, chỉ có gắn hết lên tường như vậy tôi mới bảo quản được tất cả đồ cổ tôi sưu tầm được mà không lo ai lấy trộm, hay lo ai đó bán đi mất. Tôi làm vậy là muốn bảo quản đồ cổ, bảo quản những nét tinh hoa mà cha ông để lại cho con cháu đời sau”, ông Trường chia sẻ.

Những ngày đầu bỏ nghề sơn đi theo nghề sưu tầm đồ cổ nhiều người cho rằng ông Trường bị điên, bị khùng, cơm không có ăn lại đi chơi đồ cổ. Mặc cho thiên hạ nói vào nói ra ông vẫn kiên trì theo đuổi đam mê của mình. “Tôi thích nhất là sưu tầm đĩa cổ và chén bát cổ vậy nên nghe ở đâu có đĩa cổ dù đắt đến mấy tôi cũng kiếm tiền mua cho bằng được. Trong gần 9.000 cổ vật tôi gắn lên tường nhà có những chiếc đĩa có niên đại từ thế kỷ 17, 18, 19”, ông Trường nói.

Theo ông Trường ngày trước ông đi mua mỗi chiếc đĩa cổ chỉ có giá từ 50.000 đến 100.000 đồng nhưng nay có người đến trả giá cả triệu đồng. Biết căn nhà ông độc đáo gắn hàng nghìn chén, đĩa cổ nhiều người đến trả tiền tỷ để mua nhưng ông vẫn nhất quyết không bán. “Bao nhiêu tiền tôi cũng không bán vì đó là tâm huyết cả đời của tôi. Tôi bảo các con nếu sau này tôi chết đi các con có tiền cũng không bao giờ được đập phá hay bán căn nhà này. Nếu có tiền cứ mua đất chỗ khác xây nhà để căn nhà lại bảo quản đồ cổ cho bố”, ông Trường chia sẻ.

Nay các con đã khôn lớn, cuộc sống cũng đã bớt khó khó khăn, dù tuổi đã cao nhưng hàng ngày ông Trường vẫn xách túi đi tìm đồ cổ. Biết bố đam mê và vất vả nên cậu con trai cả lâu lâu cũng hỗ trợ thêm vài triệu đồng để ông làm lộ phí. Rít hơi thuốc lào ông Trường vui vẻ: “Năm ngoái con trai tôi mới trả hết 30 triệu đồng tiền nợ tôi vay đi mua đồ cổ và lấy lại được cái sổ đỏ. Thương con nhưng yêu đồ cổ quá nên không biết làm sao được”.