Lao động xuất khẩu vẫn phải chịu phí ngoài luồng

(ANTĐ) - Chiều 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo của Đoàn giám sát UBTVQH về “Việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Đây được xem là bức tranh phản ánh hiện trạng liên quan tới khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Lao động xuất khẩu vẫn phải chịu phí ngoài luồng

(ANTĐ) - Chiều 14-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét báo cáo của Đoàn giám sát UBTVQH về “Việc tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về NLĐ VN đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”. Đây được xem là bức tranh phản ánh hiện trạng liên quan tới khoảng 500.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Quyền lợi của người lao động nhiều khi chưa được đảm bảo

Quyền lợi của người lao động nhiều khi chưa được đảm bảo

Không xuất ngoại  bằng mọi giá

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay, một số nước và vùng lãnh thổ đang nhận số lượng lớn người lao động (NLĐ) Việt Nam như Malaysia (90.000), Đài Loan (trên 80.000), Hàn Quốc (45.000)... Mỗi năm NLĐ gửi về Việt Nam khoảng 1,6-2 tỷ USD. Tuy vậy, dự thảo báo cáo giám sát đã thẳng thắn chỉ rõ nhiều tồn tại, hạn chế cả từ phía người lao động lẫn các doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc. Tình trạng người có nhu cầu bị các cá nhân hoặc doanh nghiệp lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài vẫn là một thực tế bức xúc.

“Theo báo cáo của Bộ Công an, thời gian qua đã điều tra, xử lý 137 vụ, khởi tố 186 bị can... Tổng giá trị tài sản bị thiệt hại là 37,7 tỷ đồng và 1.450USD với gần 5.500 người bị hại” - bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm UB về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết. Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, tranh giành hợp đồng cung ứng lao động vẫn xảy ra giữa các doanh nghiệp chưa được xử lý hiệu quả; Phần lớn doanh nghiệp chưa nghiêm túc thực hiện quy định của Luật về chế độ báo cáo với cơ quan có thẩm quyền cũng như thông báo những vấn đề liên quan đến người lao động với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài...

Cũng theo dự thảo báo cáo của Đoàn giám sát, công tác quản lý XKLĐ chưa quản lý, kiểm soát và đánh giá được thực trạng hoạt động của các DN tham gia hoạt động dịch vụ; việc đăng ký, chấp thuận hợp đồng cung ứng lao động của DN thực chất là thẩm định, cấp phép nhưng chất lượng của việc đăng ký khó tránh khỏi hình thức vì còn thiếu cơ sở đầy đủ để thẩm định.

Quỹ hỗ trợ hoạt động không hiệu quả

Về Quỹ hỗ trợ XKLĐ, hiện số dư của quỹ lên tới gần 114,3 tỷ đồng, trong đó thu từ các DN là 29,1 tỷ đồng. Song từ năm 2006-2009, mới chỉ chi trên 5 tỷ đồng. Theo báo cáo của Chính phủ, việc triển khai các hoạt động của quỹ còn chưa đáp ứng yêu cầu. Ban điều hành quỹ chưa chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất để có chính sách hỗ trợ cho NLĐ.

Một số thành viên UBTVQH cùng có băn khoăn về cơ cấu lao động xuất khẩu và đề nghị Chính phủ có giải pháp để đảm bảo sự cân đối giữa thị trường lao động xuất khẩu và thị trường nội địa. Bà Trương Thị Mai cung cấp thêm thông tin, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) cho rằng, mặc dù lao động di cư là xu thế tất yếu của toàn cầu hóa, nhưng các quốc gia cần có sự cân nhắc thận trọng về mức độ và cơ cấu xuất khẩu lao động để đảm bảo sự cân đối với thị trường trong nước. “Quan điểm của chúng tôi là không đưa lao động đi bằng mọi giá mà phải đảm bảo lợi ích nhiều mặt. Có lợi cho hình ảnh, vị thế của quốc gia, cho bản thân người lao động và xã hội” - bà Trương Thị Mai nói.

Khó dẹp được nạn lừa đảo 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, một trong số nguyên nhân cơ bản của việc lao động bỏ trốn ra ngoài làm là do các chi phí XKLĐ hiện nay chưa đảm bảo được công khai minh bạch. NLĐ vẫn phải trả chi phí ngoài luồng rất lớn. Họ phải trốn ra ngoài để bù hoàn lại chi phí vốn quá cao trong nước. Ông đặt câu hỏi: “Cơ quan quản lý bấy lâu đã xử lý vấn đề này đến đâu?”

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, nhiều lao động bỏ trốn với lý do vay nợ cao nên phải trả nợ. Nhưng đa số đối tượng bị bắt đều bị trục xuất về nước và sẽ khó có cơ hội đi xuất khẩu tiếp. “Chuyện lao động bị lừa đảo là có thật. Luật quy định chỉ phải nộp khoản phí quản lý DN nhưng NLĐ thiếu thông tin và nhận thức kém nên nhiều người mất khoản tiền cho môi giới, cò mồi. Các DN lừa đảo là những DN không đủ điều kiện và cấp phép. Còn DN được cấp phép không lừa đảo nhưng một bộ phận không có năng lực, đưa đi ít hoặc đưa sang thì vô trách nhiệm, mang con bỏ chợ. Đơn cử như đi làm ở Hàn Quốc theo chương trình tu nghiệp sinh chỉ mất hơn 600USD nhưng nhiều NLĐ muốn đi được phải thêm 60 triệu”, bà Ngân cho biết. Ngán ngẩm trước thực trạng này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước đề nghị: “Nên sàng lọc, rút bớt các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả; nâng cao chất lượng các trung tâm dạy nghề...”.

Thành Nam