Lao động trẻ thất nghiệp: Khổ vì mải chạy theo ngành "hot"

ANTĐ - Nhiều lao động trẻ Việt Nam, bao gồm cả lao động có trình độ cử nhân, thạc sỹ, khó xin việc không phải vì kiến thức chuyên môn hạn chế mà do thiếu các kỹ năng mà nhà tuyển dụng cần.

Lao động trẻ thất nghiệp: Khổ vì mải chạy theo ngành "hot" ảnh 1Nhiều lao động trẻ mất cơ hội thăng tiến trong công việc

vì kém ngoại ngữ, khả năng giao tiếp

Cung cầu không gặp nhau

Theo số liệu khảo sát của Bản tin thị trường lao động Việt Nam mới nhất được Bộ LĐ-TB&XH công bố, cả nước có hơn 1 triệu người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp. Trong đó, nhóm thanh niên (15-24 tuổi) là hơn 550 nghìn người, chiếm khoảng 53%, trong đó hơn 417 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật. Mặc dù vậy, phân tích về cung - cầu của thị trường lao động, các chuyên gia nghiên cứu về việc làm cho biết, thị trường vẫn đang thiếu nhân lực, đặc biệt là nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Nguyên nhân dẫn tới cung - cầu không gặp nhau là do chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Ngoài ra, tâm lý chọn việc, kỳ vọng vào những vị trí lương cao cũng ảnh hưởng tới khả năng kiếm được việc làm.

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội phân tích, Việt Nam đang trong quá trình từ nông nghiệp chuyển sang công nghiệp, nghĩa là phải tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề. Tuy nhiên, hiện nay, nhu cầu của người muốn “học cao” rất lớn trong khi khả năng tiếp nhận của thị trường là hữu hạn. Các trường đại học không sử dụng thông tin về thị trường lao động để đào tạo dẫn đến tình trạng học sinh đổ xô theo học một số ngành “hot” (ở thời điểm học) dẫn đến bão hòa khi ra trường nên không thể xin việc. Bên cạnh đó, các nhà tuyển dụng không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn mà còn cần đến kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp, làm việc nhóm…

Chủ động nâng cao ngoại ngữ, kỹ năng

Tại tọa đàm “Bí quyết tìm việc làm thành công”, có đến hơn 30% số sinh viên được hỏi cho biết chưa nghe nói đến AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN). Từ thực tế này, TS. Nguyễn Lê Minh, nguyên Phó Cục trưởng Cục Việc làm - Bộ LĐ-TB&XH đánh giá, nguồn nhân lực trẻ mà cụ thể là nhóm học sinh, sinh viên vẫn đang tiếp thu kiến thức một cách thụ động. Việc Việt Nam gia nhập AEC mở ra thị trường lao động rộng lớn, với sự tự do dịch chuyển lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, cơ hội đó dường như lại nằm ngoài hiểu biết của lao động trẻ do sự bị động, thờ ơ. Ngược lại, họ có thể sẽ càng gặp nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với nguồn lao động chất lượng cao từ nhiều quốc gia trong khu vực.

Ở các quốc gia phát triển, ngoài đào tạo kiến thức chuyên môn, nhà trường rất chú trọng đến kiến thức thực tế và phát triển kỹ năng mềm (khả năng giao tiếp, ngoại ngữ, làm việc nhóm, giải quyết khủng hoảng…). Song ở Việt Nam, đa phần chỉ dừng lại ở những buổi học ngoại khóa “cưỡi ngựa xem hoa”. Do đó, không ít sinh viên yếu hoặc thiếu các kỹ năng mềm cần thiết khi ra trường.

Ông Nguyễn Lê Minh cho rằng, trong khi chờ đợi các nhà quản lý giáo dục nghiên cứu phương thức đưa kỹ năng mềm vào trường học thì bản thân sinh viên cần dành thời gian, chủ động trang bị cho mình những kiến thức cần thiết này. Nhận diện được khó khăn, thách thức lớn nhất đối với lao động trẻ là yếu ngoại ngữ, sinh viên cần chủ động hơn nữa, không phải học để thi đạt điểm cao mà phải vận dụng được trong quá trình giao tiếp hiệu quả hàng ngày.