- Gần 800 lao động theo diện EPS “quên” lĩnh bảo hiểm hồi hương
- Trường hợp nào không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi chấm dứt hợp đồng lao động?
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết tính đến ngày 4/11/2024, toàn quốc có 19,365 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, tăng 11,39% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong đó, có 17,281 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng 8,3%; có 2,084 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 45,8%. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 15,56 triệu người, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Về giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, toàn quốc có 78.746 người nhận chế độ hằng tháng; gần 5,5 triệu người nhận hưởng chế độ ốm đau; hơn 1,25 triệu người hưởng chế độ thai sản; hơn 773.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp.
Đáng chú ý, số người nhận bảo hiểm xã hội một lần giảm đáng kể, toàn quốc có gần 1,1 triệu người nhận chế độ này, giảm 7.599 người so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý và chi trả cho hơn 3,3 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng.
Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đánh giá 10 tháng qua, công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của ngành tiếp tục có nhiều khởi sắc trong bối cảnh thuận lợi, khó khăn, thách thức đan xen.
Diện bao phủ bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng cao, cùng với số người nhận bảo hiểm xã hội một lần giảm mạnh cho thấy niềm tin của người dân, người lao động, doanh nghiệp vào chính sách được nâng cao.
Điều này có được do hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện, tăng quyền lợi người tham gia. Gần đây nhất là việc Quốc hội thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế sắp được thông qua trong tháng 11 này…
Thời gian qua, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng tham gia phối hợp trong việc đề xuất, xây dựng, sửa đổi các dự luật, văn bản quan trọng liên quan đến chế độ, chính sách, quản lý Quỹ Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược…
Đồng thời, tham gia xây dựng, hoàn thiện các dự thảo Nghị định, Thông tư, đặc biệt các nội dung liên quan tới Luật Bảo hiểm xã hội 2024, nhằm cụ thể hóa, triển khai thực hiện với mục tiêu đảm bảo quyền lợi cho người lao động và thúc đẩy sự phát triển bền vững của hệ thống an sinh xã hội, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong bối cảnh kinh tế xã hội hiện nay.