Lao động hợp đồng dưới 3 tháng cũng phải đóng bảo hiểm xã hội?

ANTĐ - Nhằm mở rộng nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc cũng như siết chặt tình trạng trốn đóng BHXH, Luật BHXH sửa đổi dự kiến đưa thêm quy định bắt buộc những lao động có hợp đồng từ 1-3 tháng cũng phải đóng BHXH. Cùng với đó, những doanh nghiệp trốn đóng BHXH và chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động sẽ bị xử lý hình sự thay vì hành chính như hiện nay.

Không được đóng bảo hiểm xã hội, quyền lợi người lao động khó được đảm bảo
 (Ảnh minh họa)

50% doanh nghiệp trốn đóng BHXH

Tại Hội nghị đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật BHXH khu vực phía Bắc do Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức cuối tuần qua, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, đến thời điểm này số tiền nợ đọng BHXH trên cả nước đã lên đến hơn 12.400 tỷ đồng, ở mức rất báo động. Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thêm, tình trạng doanh nghiệp nợ, chậm đóng BHXH đang diễn ra ngày càng phổ biến với hơn 50% doanh nghiệp không tham gia BHXH, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn thu quỹ, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động. 

Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, TS Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, qua 7 năm thi hành Luật BHXH năm 2006 cho thấy, tồn tại lớn nhất chính là tính tuân thủ pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động còn thấp. Các chế tài, cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý, xử phạt, khởi kiện, thậm chí là hình sự hóa vấn đề này cũng chưa được thực hiện tốt. Vì vậy, sửa đổi Luật BHXH lần này sẽ giao thêm thẩm quyền cho Thanh tra lao động và nâng mức xử phạt. Đặc biệt, cần sửa đổi theo hướng có thể xử lý hình sự các chủ sử dụng lao động làm ăn có lãi nhưng trốn đóng, nợ đọng BHXH.

Song song với việc xử phạt, Luật BHXH sửa đổi cũng sẽ siết chặt tình trạng trốn đóng BHXH của doanh nghiệp bằng cách mở rộng nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Cụ thể, những đối tượng lao động hợp đồng có thời hạn từ 1-3 tháng trong các doanh nghiệp cũng phải đóng BHXH bắt buộc. Ông Bùi Sỹ Lợi phân tích, cả nước có khoảng 17 triệu lao động đang có quan hệ lao động bắt buộc tham gia BHXH nhưng hiện mới chỉ có khoảng 10,8 triệu người tham gia. Nhiều doanh nghiệp cố ý “lách luật” bằng cách chỉ ký hợp đồng thử việc, ngắn hạn (dưới 3 tháng) cho người lao động để trốn đóng BHXH. Trong khi thực chất nhóm lao động có hợp đồng từ 1-3 tháng vẫn là lực lượng lao động trong khu vực có quan hệ lao động. Nếu thực hiện theo quy định mới này dự tính sẽ thu hút thêm khoảng 7 triệu lao động tham gia vào hệ thống BHXH.

Nâng quyền lợi người tham gia

Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam khi góp ý về sửa đổi này đã thẳng thắn chỉ ra, nếu chưa hoàn thiện bộ máy tổ chức và hệ thống BHXH thì việc quy định như vậy là chưa phù hợp. Thực tế hiện nay, việc làm thủ tục tham gia, đóng BHXH mất rất nhiều thời gian. Đơn cử một doanh nghiệp làm thủ tục tham gia BHXH cho người lao động, có khi từ lúc tham gia đến 6 tháng sau mới lấy được sổ bảo hiểm.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngoài việc siết chặt đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì muốn cân đối, đảm bảo được quỹ BHXH cần thiết phải mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Hiện nay, các đối tượng tham gia BHXH bắt buộc ở nước ta mới chiếm khoảng 20%, trong khi hơn 70% lực lượng lao động còn lại (ước tính khoảng 37 triệu người) là đối tượng tham gia BHXH tự nguyện. Tuy nhiên đến cuối năm 2013, trong số 37 triệu người này mới chỉ có khoảng 173.000 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm 0,5% tổng số lao động thuộc diện tham gia. Về vấn đề này, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, Luật BHXH sửa đổi sẽ có những quy định về hỗ trợ, trong đó Nhà nước sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để khuyến khích người tham gia BHXH tự nguyện, bởi thực tế có đến 15/37 triệu người thuộc đối tượng này là lao động ở khu vực nông thôn, nông nghiệp, điều kiện kinh tế còn khó khăn. 

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi Luật BHXH cần quan tâm đến 2 mục tiêu quan trọng là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân và đảm bảo, cân đối Quỹ BHXH. Do vậy, việc sửa đổi Luật lần này sẽ theo hướng mở rộng đối tượng tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện; đồng thời giảm số lượng người hưởng trợ cấp một lần và thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng để bảo đảm cân bằng quỹ BHXH.

Đa số công nhân không đồng tình tăng tuổi nghỉ hưu

Theo dự báo của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), quỹ bảo hiểm hưu trí và tử tuất ở Việt Nam có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, nguyên nhân một phần là do tuổi nghỉ hưu thực tế hiện nay thấp hơn quy định, dẫn tới thời gian đóng BHXH của người lao động ngắn, thời gian hưởng lương hưu dài. Tại hội nghị đối thoại chính sách trong sửa đổi Luật BHXH, đại diện Sở LĐ-TB&XH một số địa phương kiến nghị cần tăng tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, theo nhiều ý kiến cũng như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thì qua khảo sát, đại đa số công nhân lao động không đồng tình việc nâng tuổi nghỉ hưu, nhất là lao động nữ, vì vậy cần cân nhắc kỹ quy định tăng tuổi nghỉ hưu.