Lao động du lịch sẽ được tự do ra nước ngoài làm việc

ANTĐ - “Người có chứng chỉ lao động trong lĩnh vực du lịch có thể tham gia lao động ở một quốc gia khác trong khu vực ASEAN”,  đó là nội dung quan trọng trong Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA-TP) mà Việt Nam hiện đang trong quá trình triển khai. Những người làm trong lĩnh vực du lịch đã bày tỏ suy nghĩ trước ký kết quan trọng này.  
Lao động du lịch sẽ được tự do ra nước ngoài làm việc ảnh 1

Lao động trong ngành du lịch tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội hội nhập quốc tế 

Có thua trên sân nhà?

Theo lộ trình vào cuối năm nay, Việt Nam sẽ gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN AEC. Trong đó, du lịch là một trong những lĩnh vực tiên phong hội nhập khi Việt Nam đã ký kết Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về lao động du lịch trong ASEAN (MRA-TP) cùng các nước thành viên. Điều này cho phép người lao động sẽ được quyền tham gia lao động ở những quốc gia trong khối. “Tự do hóa luồng lao động”, đó là điều được nhắc đến nhiều trong thỏa thuận này, khi ngành du lịch Việt Nam, cụ thể là những người đang hoạt động trong lĩnh vực du lịch đang đứng trước thời cơ và thách thức trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi bỏ ngỏ xung quanh thỏa thuận này.

Việc triển khai MRA-TP có chăng sẽ dẫn đến việc làn sóng lao động nước ngoài tràn vào Việt Nam? Mối lo ngại này rất có cơ sở khi hoạt động lữ hành, lưu trú Việt Nam nhiều năm nay vẫn ở trong tình trạng khó kiểm soát, phần đông là do sự tham gia của các đối tượng hành nghề trái phép, “chìm nổi” từ nước ngoài hoạt động ngày càng phức tạp, tinh vi.

Nhận định về vấn đề này, ông Lưu Đức Kế - Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist cho biết: “Doanh nghiệp du lịch nước ngoài vào kinh doanh “chui” thì ai cũng biết nhưng chúng ta chưa giải quyết được. Trong khi chúng tôi, những doanh nghiệp chấp hành nghiêm túc thì thua ngay ở lĩnh vực thuế, chưa kể đến quy định bắt buộc phải tuân theo”.

Tuy nhiên, theo ông Kế, không vì thế mà các doanh nghiệp Việt Nam e ngại, “các doanh nghiệp du lịch phải chuẩn bị sẵn tâm thế hội nhập, phải nhìn thấy được rằng người lao động các nước vào đây là tốt cho Việt Nam. Họ vào đây là làm sản phẩm Việt Nam, phục vụ khách du lịch và thu lợi nhuận trên đất nước Việt Nam. Vấn đề còn lại là quản lý lợi nhuận như thế nào chứ không phải đây là mối đe dọa các doanh nghiệp phá sản!”.

Lao động du lịch sẽ được tự do ra nước ngoài làm việc ảnh 2

Nghề hướng dẫn viên nằm ngoài cuộc chơi

Theo MRA-TP, chỉ có 6 nghề du lịch được tham gia vào luồng lao động chung. Đó là nghề lễ tân, buồng, phục vụ nhà hàng, chế biến món ăn, điều hành du lịch và đại lý lữ hành. Đây được xem là những nghề thu hút du lịch đông đảo nhất hiện nay. Tuy nhiên, hướng dẫn viên - một trong nghề chính yếu của du lịch lại nằm ngoài cuộc chơi. Sở dĩ có việc này, ông Trần Phú Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Tổng cục Du lịch cho biết, “các nước ASEAN chưa muốn “chung” nghề hướng dẫn viên, vì đây là nghề đặc thù đòi hỏi vốn hiểu biết về văn hóa bản địa”.

Tuy nhiên, nếu không tính đến sự vắng mặt của lực lượng lao động mang tính chất chính yếu này thì có một điều rất khó cho người lao động Việt Nam trong quá trình hội nhập chung là chúng ta chưa có bộ tiêu chuẩn nghề thống nhất về du lịch. Hiện nay, nếu không tính đến bộ tiêu chuẩn chung của ASEAN thì chúng ta có bộ tiêu chuẩn VTOS (bộ tiêu chuẩn được các doanh nghiệp ứng dụng phổ biến), bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia… Điều này gây lúng túng cho các cơ sở đào tạo nghề và các doanh nghiệp kinh doanh, lưu trú trong lĩnh vực du lịch. 

Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, người lao động Việt Nam có lợi thế chăm chỉ, thông minh, linh hoạt… tuy nhiên, thiếu về tính kỷ luật, nghiêm túc. Đặc biệt, kỹ năng về ngoại ngữ vẫn là một điểm hạn chế lớn khi lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc. Bởi vậy, để tranh thủ lợi ích từ MRA-TP thì các cơ sở đào tạo về du lịch cần tăng cường quản lý phát triển nguồn nhân lực, trình độ chuyên môn của người lao động để đáp ứng tiêu chuẩn ASEAN. Cũng theo ông Hà Văn Siêu, “mặc dù “làm chủ cuộc chơi” là tương đối khó, nhưng chúng ta vẫn hết sức lạc quan. Bởi nếu nắm được yếu tố độc quyền địa phương, phát huy được những giá trị văn hóa bản địa thì du lịch vẫn sẽ đủ sức cạnh tranh, giữ chân du khách kể cả khi hội nhập quốc tế”.