Lao đao khi nhà băng khép hầu bao

(ANTĐ) - Tín dụng bị thắt chặt, lãi suất cao chót vót trong khi thị trường lại trầm lắng nên doanh nghiệp không thể huy động được vốn từ 2 kênh quan trọng là ngân hàng và nhà đầu tư. Một số vùng vẫy bằng mọi cách để thu hút những đồng vốn ít ỏi từ trong dân, số còn lại đành “ngồi chơi” vì với lãi suất quá cao, càng làm càng lỗ.
Nên tiếp tục cho vay đối với các dự án đã hoàn thành được 75% công việc

Tiến thoái lưỡng nan

Sau chưa đầy 4 tháng thắt chặt tín dụng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản (BĐS) kêu trời vì đói vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Theo Bộ Xây dựng, hệ lụy này diễn ra nhanh hơn dự kiến bởi các doanh nghiệp BĐS lâu nay dường như lệ thuộc quá sâu vào hệ thống ngân hàng. Thế nên, sau khi các ông chủ nhà băng khép hầu bao, các doanh nghiệp này chỉ cầm cự được vài tháng ngắn ngủi.

Trong khi một số doanh nghiệp chọn giải pháp ngồi im chịu trận, chờ tới khi có được nguồn tín dụng mới, một số khác lại loay hoay tìm mọi cách để hút nốt những đồng vốn ít ỏi từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đủ các hình thức khuyến mãi được tung ra để hấp dẫn khách hàng, từ giảm giá, chiết khấu cao tới mua căn hộ, tặng cửa hàng... đều đã được tung ra nhưng lượng giao dịch thành công thực sự vẫn không thể khỏa lấp cơn đói vốn của các chủ đầu tư dự án BĐS.

Không chỉ các dự án nhà ở thương mại khốn đốn, các dự án nhà ở sinh viên, nhà ở xã hội cũng kẹt tiến độ vì bí vốn. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, không chỉ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư bất động sản lao đao mà tác động tiêu cực còn tiếp tục lan rộng ra các ngành sản xuất liên quan, đặc biệt là khối sản xuất vật liệu xây dựng.

Ông Nguyễn Thành Công - Giám đốc một công ty nhỏ chuyên phân phối thép tại thị trường Hà Nội than thở: “Chủ dự án chung cư đói vốn, chỉ muốn mua thép nợ. Nhưng tiền mua thép đó chúng tôi cũng phải đi vay ngân hàng với lãi suất cao chứ đâu phải vốn tự có. Thế nên thôi, đành ngồi nhà chơi, không bán hàng ra nữa, có khi đỡ thua lỗ hơn là bán nợ...”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam phân tích: “Thời điểm này, vốn tự có của các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực BĐS không nhiều, phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vay ngân hàng. Dự án thì phải xây xong móng mới được huy động tài chính. Nhiều công trình, nhiều dự án đã hoàn thành 70 đến 80%, bỗng bị ngừng cho vay, dẫn tới chậm tiến độ và ảnh hưởng tới tính thanh khoản. Hàng hóa phải dừng lại ở dạng bán thành phẩm, không giao được cho khách hàng”.

Ông Nguyễn Trần Nam cho rằng, nếu không tiếp tục được “nhồi” thêm vốn, mọi thứ sẽ lửng lơ, dự án không được hoàn thiện và không có sản phẩm để bán thu hồi vốn, trong khi nợ cũ vẫn tồn đọng... Thứ trưởng Bộ Xây dựng cảnh báo, các ngân hàng có thể giảm dư nợ cho vay kể từ nay trở đi, song điều này cũng đồng nghĩa với việc tăng tỷ lệ nợ xấu, nợ khó đòi đối với các khoản vay từ nay trở về trước.

Thanh lọc thị trường

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, mỗi khi ngân hàng thắt chặt tín dụng, việc các dự án bị sang nhượng, trì hoãn, thậm chí phải “đắp chiếu” là điều tất yếu xảy ra. Ông Đặng Hùng Võ nói: “Thách thức đối với người này sẽ là cơ hội của nhà đầu tư khác. Đây chính là thời điểm thích hợp để thanh lọc thị trường, chỉ có những doanh nghiệp thực sự có tiềm lực tài chính, có hướng đầu tư tốt mới có thể tiếp tục tồn tại trên thị trường...”. Chuyên gia hàng đầu về đất đai cũng nhìn nhận khả năng thị trường bất động sản sẽ còn tiếp tục khó khăn dài dài nếu tín dụng không được mở.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Nguyễn Trần Nam cho biết, kế hoạch đặt ra là từ nay tới ngày 30-9, tổng dư nợ cho vay của toàn hệ thống ngân hàng phải đạt mức 22% và giảm về 16% đến ngày 31-12. Tuy nhiên, khó có thể lạc quan khi dòng vốn trên thị trường không được lưu thông, không thu hồi được nợ và tỷ lệ nợ xấu vẫn còn ở mức cao như hiện nay. Ông nói thêm: “Chính nguồn vốn trong dân hiện nay cũng đang bị “co cụm” do các nhà đầu tư đang kỳ vọng giá bất động sản có thể sẽ còn sụt giảm hơn nữa. Vì thế, các doanh nghiệp rất cần sự trợ giúp của Nhà nước, của hệ thống ngân hàng để cùng khơi thông hoạt động thị trường BĐS”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng đề cập tới khả năng kích cầu BĐS: “Trước mắt, nên duy trì việc cho vay, với lãi suất ổn định đối với một số doanh nghiệp, dự án, công trình theo các tiêu chí định sẵn. Chẳng hạn, các dự án đạt tỷ lệ hoàn thành từ 75 đến 80%. Các dự án có quy mô nhỏ và vừa với mức giá thấp và dễ dàng tiêu thụ hay các doanh nghiệp có uy tín, có tỷ lệ nợ xấu thấp và sản phẩm có tính thanh khoản cao trên thị trường... Cùng với đó, cần tăng cường cho vay ở phía người tiêu dùng nhằm tăng lực cho “cầu”, giúp người dân mở rộng hơn cơ hội tiếp cận BĐS...”.