Lào Cai: Nỗi đau sau tuyết trắng

ANTĐ - Những lớp tuyết cuối cùng còn sót lại trên dãy Hoàng Liên Sơn đã tan, làn sương muối cuối cùng cũng đã trôi đi. Những hiện tượng thiên nhiên kì thú đối với người dân ở vùng núi cao không hề được chào đón vì những thiệt hại khủng khiếp mà chúng gây ra đối với đời sống người dân nơi đây. Đằng sau lớp tuyết trắng tinh khôi, khắp các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai lộ ra màu chết chóc.

Dưới màu tuyết trắng... 

Đây là lần thứ hai liên tiếp, các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai hứng chịu đợt rét đậm, rét hại. Đợt rét này chưa qua, đợt rét khác đã tới khiến cho cuộc sống của người dân ở đây lâm vào cảnh hoang tàn, không thể gượng dậy được. Đi dọc quốc lộ 4D từ thành phố Lào Cai lên thị trấn Sapa những ngày này là la liệt những sạp hàng của người dân bán thịt trâu, thịt bò bị chết trong đợt rét vừa qua.

Ông Lò Díu Sìu đã đứng ở ven đường từ 3,4 ngày nay để bán thịt 2 con nghé non của gia đình ông bị chết trên đường đi tránh rét. Một con chết trước, một con chết sau, thịt trâu non bán rẻ như cho, nhưng cũng phải chấp nhận vì không thể nào ăn hết được. Tuyết vừa rơi, gia đình ông Sìu cùng với mấy người hàng xóm đã hò nhau lùa đàn cả trâu, nghé, bò, bê men theo đường quốc lộ xuống thành phố Lào Cai để tránh rét, nhưng vẫn không kịp vì rét và không có cỏ làm thức ăn cho đàn gia súc.

Đàn trâu đi đường, chết đến đâu xẻ thịt đến đó, thịt trâu có mùi đặc trưng, lại thâm đen do bị chết rét nên giá bán rất rẻ mạt. Một con trâu bình thường có giá đến cả 50 triệu đồng nhưng xẻ thịt bán đắt lắm cũng chỉ độ 200 ngàn/kg. Người dân mua về ăn thì ít, chủ yếu là bán cho các cơ sở chế biến thịt trâu khô thì nhiều vì giá rẻ.

Nhớ lại đợt rét trước đó, gia đình anh Giàng A Sùng ở xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai phải bán tống bán tháo 2 con nghé bị chết với giá chưa đến 1 triệu đồng/con. Hôm tuyết rơi dày đặc, mọi sinh hoạt của gia đình anh đều đình trệ hết. Cả bản ngồi quây nhau vào một đống lửa, bên nồi thịt hầm của một con trâu chết rét. Khách du lịch lên chơi những ngày tuyết dày thì thích thú, nhưng đối với các hộ dân ở đây, đó là những ngày chết chóc: trẻ con nghỉ học, người lớn ngồi nhìn hoa màu, trâu bò, lợn gà bị hủy hoại mà không thể làm gì. Những dàn su su gây giống bên đèo Ô Quy Hồ chỉ còn trơ lại những chiếc cọc bê tông gãy nát, lởm chởm dây thép đã bị tuyết trắng đè sập.

Sau đợt mưa tuyết tháng trước, ông Nguyễn Quang Tạo, tổ trưởng tổ dân phố 14, thị trấn Sapa đã bắt tay vào dựng lại dàn su su của gia đình bị gần 50cm tuyết dày đè nặng nhưng công việc lại phải đừng lại vì có thêm một đợi mưa tuyết gần đây nữa. Chưa kịp làm xong đất, giàn hỏng, giống hư, đã gần bước vào tháng 2 âm lịch mà màu xanh của su su vẫn chưa xuất hiện ở thị trấn Sapa. May mắn đợt tuyết thứ hai không nhiều như đợt tuyết trước, nhưng cũng làm cho nhiều hộ dân trồng rau và hoa màu ở Sapa một phen hú vía.

Thui trâu chết bên đường quốc lộ

Bà Nguyễn Thị Thúy lo lắng nhìn luống rau của gia đình vừa mới chỉ nhú mầm. Sau đợt tuyết khủng khiếp trước, tưởng rằng sẽ có rau để bán trong tháng hai âm lịch này nhưng thời tiết khắc nghiệt quá rau cũng không thể nào mọc được. Sau đợt mưa tuyết hai ngày, thêm hai ngày sương muối phủ kín ruộng vườn, dường như các hộ trồng rau, trồng hoa đều mất hết hi vọng, sợ rằng cả vườn rau vừa được gieo trồng lại sau đợt tuyết trước sẽ lại bị vùi đen, may mà vẫn cố gắng phủ bát, che rau. Sự thất thường của "mẹ thiên nhiên" không thể nào dự đoán nổi, nhất là ở những vùng núi cao khắc nghiệt như Sapa là nỗi lo lắng muôn thuở của người dân ở đây. Vườn rau dập nát, trâu bò lợn gà chết rét, thực phẩm đắt đỏ khiến cuộc sống của người dân vùng núi cao của tỉnh Lào Cai lại thêm bội phần vất vả.

Y Tý là xã xa nhất huyện Bát Xát, cách trung tâm huyện gần l00km, đồng thời cũng là xã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do rét đậm, rét hại, sương muối và băng tuyết gây ra. Trong hai đợt rét, hàng trăm con trâu bò bị chết, bán tống bán tháo không thể đủ để gây dựng lại đàn gia súc như trước đây. Thiệt hại nặng nề nhất là trên l00ha thảo quả bị tuyết phủ đã bị khô héo và phải ít nhất là 3-4 năm nữa mới có thể phục hồi lại được.

Tái tê gượng dậy

Không đợi thời tiết nắng ấm trở lại, đồng bào các dân tộc: Hà Nhì, Mông, Dao vẫn khẩn trương chống lại giá rét, bảo vệ tài sản của mình và gắng gượng phục hồi lại cuộc sống giữa cái giá lạnh tới 3 độ C. Đợt mưa tuyết vừa rồi tuy diễn ra trong vòng hai ngày nhưng cảnh tượng tuyết phủ trắng núi đồi Y Tý, nhất là khu vực thôn Nhìu Cổ San, Phin Hồ, kéo dài sang phía xã Ngải Thâu vẫn còn là nỗi ám ảnh của người dân ở đây. Tuy tuyết rơi không dày và lâu như cuối năm 2013, nhưng cũng ảnh hưởng không nhỏ tới sản xuất và đời sống của người dân.

Sau những đợt rét đậm, rét hại và đợt mưa tuyết trước, toàn bộ cỏ trên địa bàn xã đã bị khô héo và chết hết nên nguồn thức ăn cho gia súc vô cùng khan hiếm. Để bảo vệ "đầu cơ nghiệp" của mình, người dân phải đi hàng chục km mới cắt được bó cỏ tươi về cho trâu, bò ăn. Nguồn thức ăn khô như rơm rạ dự trữ cũng đang cạn dần khiến bà con lo lắng. Anh Sần Có Xe, thôn Choản Thèn chia sẻ: Tối qua, con nghé hơn 1 tuổi của mình bị chết rét rồi. Giờ mình đang cố gắng đi tìm cỏ về cho con trâu mẹ ăn vì đó là tài sản lớn nhất của gia đình mình. Trâu mẹ mà chết rét nữa thì không biết lấy trâu đâu để cày bừa, trồng lúa, trồng ngô...

Gần nhà anh Xe, anh Sần Gì Lúy cũng cùng cảnh ngộ khi con nghé gần 1 tuổi không chịu được giá rét đã chết trong chuồng. Anh Lúy nét mặt bần thần như người mất hồn nhìn lên bầu trời đầy sương mù bảo: Trâu bị chết, thảo quả cũng chết héo hết trong rừng, mình cũng không biết phải làm gì bây giờ... Được biết, hầu hết trâu bị chết rét tại Y Tý trong những ngày qua là trâu nghé từ 1 đến 3 tuổi. Vì người dân không kịp đưa trâu từ trên núi cao về chuồng khi rét đậm và mưa tuyết kéo đến, nên trâu bị chết là điều khó tránh khỏi. Trong những ngày này, cùng với bảo vệ đàn gia súc, để chống lại giá rét, người dân vùng cao Y Tý vẫn phải lặn lội vào rừng lấy thêm củi về sưởi ấm, tiếp tục trồng và chăm sóc vườn rau để có thực phẩm hằng ngày.

Người dân đi xa hàng chục km để cắt cỏ cho trâu bò

Những ngày giá rét, đối với các trường học vùng cao, việc huy động học sinh tới trường là bài toán khó đối với các thầy, cô giáo. Theo quy định, học sinh mầm non, tiểu học sẽ được nghỉ tránh rét nếu nhiệt độ dưới 10 độ C và học sinh THCS được nghỉ học nếu nhiệt độ dưới 7 độ C. Tuy nhiên, ở Y Tý, mùa đông nhiệt độ thường xuyên dưới 10 độ C nên nếu cho học sinh nghỉ học thì chương trình năm học sẽ bị chậm.

Bản thân các thầy cô giáo cũng đang phải sống trong những phòng công vụ tạm bợ, bên trong phải dùng bạt để che cho sương gió khỏi lùa vào... Mặc dù trời rét cóng tay chân, các thầy cô vẫn phải thường xuyên vào các thôn, bản vận động học sinh ra lớp. Tuy nhiên, ở những bản xa như: Hống Ngài, Sim San, Phan Cán Sử, việc huy động học sinh gặp rất nhiều trợ ngại... Đối với các trường mầm non, tiểu học, do có phân hiệu, điểm trường đến tận thôn, bản , nên tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần vẫn đạt trên 90%.

Tại trường THCS Y Tý, thầy Đào Văn Phấn, Phó hiệu trưởng nhà trường bộc bạch: Trường mình có l0 lớp với trên 320 học sinh. Trong đó, có gần 150 học sinh ở bán trú tại trường. Hôm nay, tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần được trên 70%. Đó đã là sự cố gắng, nỗ lực hết sức của các thầy cô giáo rồi. Trường còn nhiều khó khăn lắm vì phòng ở bán trú còn chật chội, bếp ăn và phòng ăn của các em chỉ là phòng tạm. Đến bữa, nhiều em không có chỗ ngồi ăn phải mang cơm về phòng ở bán trú để ăn. Nhà trường còn tới 3 phòng học tạm và hiện nay thiếu nhiều phòng chức năng nên học sinh phải chịu thiệt thòi. Đặc biệt, trường luôn quan tâm đảm bảo bữa ăn có cơm nóng, canh nóng, đủ dinh dưỡng cho học sinh đảm bảo sức khỏe, chống lại thời tiết khắc nghiệt.

Ông Tráng A Lử, Chủ tịch UBND xã Y Tý cho biết: Thảo quả là loại cây có giá trị kinh tế cao, cũng là nguồn thu nhập chính của nhân dân xã Y Tý, nên chắc chắn cuộc sống của người dân sẽ rất khó khăn trong những năm tới. Từ đầu năm 2014 đến nay, tuy mới chỉ 2 tháng, nhưng trên địa bàn xã Y Tý thường xuyên chịu ảnh hưởng cửa rét đậm, rét hại, sương muối và băng tuyết. Đối với người dân nơi đây, cuộc sống thêm khốn đốn vì thiên tai, khó khăn lại chồng lên khó khăn, như đám mây mù bao phủ chưa biết bao giờ mới tan.

Sau cuộc họp khẩn cấp để bàn biện pháp giảm thiểu thiệt hại trong giá rét, các huyện vùng cao của tỉnh Lào Cai triển khai ngay việc che đậy cây cối, hoa màu; tăng cường chăm sóc gia súc đang được nuôi nhốt trong chuồng; phía công an tăng cường đảm bảo an toàn giao thông tại những tuyến đường trọng điểm...

Ông Nguyễn Văn Tuyển - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Lào Cai cho biết lãnh đạo ngành NN&PTNT các tỉnh miền núi phía Bắc đã chia thành nhiều đoàn xuống cơ sở để đôn đốc, kiểm tra tình hình phòng, chống rét cho gia súc, gia cầm và cây trồng. Đây cũng là thời điểm chuẩn bị cho vụ lúa xuân, do đó bà con cần áp dụng những biện pháp chống rét triệt để, nhằm đảm bảo sản xuất thắng lợi.