Lãnh đạo Triều Tiên trực tiếp chỉ huy tập trận phóng tên lửa nhằm căn cứ quân sự Mỹ

ANTĐ - Triều Tiên đang khiến Mỹ ngày càng trở nên lo lắng khi nước này nhận được sự giúp đỡ của Nga trong việc phát triển bom xung điện từ. Khi nỗi lo này chưa lắng xuống thì ngày 26-7, phía Triều Tiên đã tiến hành "diễn tập phóng tên lửa" để giả định một vụ tấn công vào các căn cứ quân sự ở Hàn Quốc, nơi 28.500 quân Mỹ đang đóng.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chỉ huy tập trận phóng tên lửa nhằm căn cứ quân sự Mỹ
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 27-7 cho biết, cuộc tập trận diễn ra đúng 1 ngày trước lễ kỷ niệm 61 năm ký kết Hiệp định đình chiến kết thúc cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953).

Cũng theo KCNA, cuộc tập trận này được một lực lượng chiến lược của Triều Tiên thực hiện dù hãng không công bố cụ thời gian và địa điểm cụ thể của cuộc tập trận.

Lãnh đạo Triều Tiên trực tiếp chỉ huy tập trận phóng tên lửa nhằm căn cứ quân sự Mỹ ảnh 1
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jun Un trực tiếp chỉ huy cuộc tập trận


Trong thông tin của mình, KCNA nêu rõ: “Chủ tịch Kim Jong-un đã kiểm tra kế hoạch bắn tên lửa nhằm vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Hàn Quốc được vạch rõ trên bản đồ và khả năng có thể tấn công và tiêu diệt các căn cứ này trước khi trực tiếp chỉ đạo buỗi diễn tập”.

Trong khi đó, Yonhap dẫn lời giới chức quân sự Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã bắn một quả tên lửa tầm ngắn vào vùng biển phía Đông nước này vào đêm 26-7.

Bộ Tổng tham mưu liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết tên lửa do Triều Tiên phóng ra có thể là tên lửa Scud với tầm bắn khoảng 500km và được bắn đi từ Mũi Jangsan của Triều Tiên.

Cuộc tập trận đêm 26-7 là cuộc phóng thử rocket lần thứ 15 và phóng tên lửa đạn đạo lần thứ 6 do Triều Tiên tiến hành trong năm nay. 

Mỹ quan ngại Nga giúp Triều Tiên phát triển bom xung điện từ

Đài KBS đưa tin, Cựu Giám đốc Cơ quan tình báo trung ương Mỹ (CIA) James Woolsey mới đây đã tiết lộ rằng, hồi năm 2004, phía Moskva từng thừa nhận với Washington rằng, một số người Nga đã giúp Triều Tiên phát triển bom xung điện từ (EMP).
EMP khi phát nổ sẽ tạo ra một trường điện từ cực lớn, phá hủy tất cả các thiết bị có chứa chíp bán dẫn, làm tê liệt hệ thống radar, máy bay, hệ thống phòng không, cũng như hệ thống chỉ huy điều khiển có sử dụng máy vi tính.
Chiến đấu cơ hoặc tàu thuyền của kẻ địch bị bom xung điện từ tấn công sẽ bị mất kiểm soát tạm thời, có thể bị rơi hoặc tê liệt hoạt động.

Lâu nay đã xuất hiện nhiều đồn đoán việc Triều Tiên nghiên cứu phát triển EMP từ với sự trợ giúp của một cường quốc, song đây là lần đầu tiên một cựu quan chức ngành tình báo Mỹ tiết lộ về thông tin này.

Ông Woolsey cho rằng, Triều Tiên sẽ sớm đuổi kịp Nga hay Trung Quốc về công nghệ bom xung điện từ, đồng thời bày tỏ lo ngại rằng Mỹ hiện chưa có một giải pháp cụ thể nào để đối phó với loại vũ khí này.
Trong một thông tin liên quan, một nguồn tin ngoại giao từ Washington hôm 25-7 cho biết Mỹ ngày càng lo ngại khả năng Triều Tiên tấn công bằng bom xung điện từ. Tuy nhiên cho tới nay, Mỹ vẫn chưa nắm rõ được trình độ kỹ thuật mà Bình Nhưỡng đã đạt được đối với loại vũ khí này.
Mối quan hệ giữa Nga và phương Tây ngày càng căng thẳng sau vụ MH17

Trả lời phỏng vấn RIA, Thượng Nghị sỹ Nga Valery Shnyakin nhấn mạnh, những lời cáo buộc của Mỹ rằng Nga có liên quan đến vụ máy bay của hãng Malaysia Airlines bị bắn hạ sẽ là bước khởi đầu cho một cuộc Chiến tranh lạnh mới giữa Nga và phương Tây.

Lãnh đạo Triều Tiên trực tiếp chỉ huy tập trận phóng tên lửa nhằm căn cứ quân sự Mỹ ảnh 2
Những mảnh vỡ của chiếc máy bay MH17 


Trước đó, ngày 26-7 người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố Washington buộc tội lãnh đạo Nga có liên quan đến thảm kịch nói trên.

Theo ông Earnest, chiếc máy bay MH17 bị một quả tên lửa phóng từ khu vực do lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine bắn hạ và lực lượng này nhận được vũ khí từ Nga.

“Sau khi Mỹ đưa ra cáo buộc nhằm vào lãnh đạo Nga như vậy, có thể nói rằng một cuộc Chiến tranh lạnh giữa Nga và phương Tây đã nổ ra”, ông Shnyakin nói.

Trả lời câu hỏi về những tuyên bố chống lại Nga gần đây, ông Shnyakin nhấn mạnh rằng, những tuyên bố như vậy không thể bị bỏ qua và Nga “cần phải nghĩ về các biện pháp trả đũa, có thể là áp đặt lệnh trừng phạt chống lại Mỹ và Liên minh châu Âu”.
Mỹ chỉ trích Trung Quốc thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh, gây bất ổn

Mỹ lên tiếng chỉ trích Trung Quốc vừa bắn thử nghiệm một loại tên lửa được thiết kế để tiêu diệt các vệ tinh, đồng thời kêu gọi Bắc Kinh ngừng những hành động gây bất ổn này.

Hãng tin AP (Mỹ) ngày 26-7 dẫn lời nữ phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho biết cuộc thử nghiệm trên diễn ra vào ngày 23-7.

Lãnh đạo Triều Tiên trực tiếp chỉ huy tập trận phóng tên lửa nhằm căn cứ quân sự Mỹ ảnh 3
Ảnh minh họa tên lửa Delta IV của Mỹ dùng để đưa vệ tinh vào không gian - Ảnh: Reuters


Bà Harf cho rằng, Bắc Kinh từng bắn thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh vào năm 2007, để lại hàng ngàn mảnh vỡ nguy hiểm trong không gian.

Việc Trung Quốc tiếp tục phát triển và thử nghiệm các hệ thống tên lửa chống vệ tinh đe dọa an ninh lâu dài và sự bền vững của một không gian mà tất cả các quốc gia đều phụ thuộc vào, bà Harf nói.

Tân Hoa xã dẫn thông cáo của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng cuộc thử nghiệm một hệ thống tên lửa đánh chặn của nước này đã được tiến hành thành công vào ngày 23-7.

Mặc dù Tân Hoa xã không tiết lộ đây là một hệ thống tên lửa diệt vệ tinh, nhưng cho rằng những cuộc thử nghiệm như thế này có thể giúp tăng cường sức mạnh hệ thống phòng không chống lại các tên lửa đạn đạo.