Lãnh đạo nhiều hơn cán bộ: "Đúng quy trình" cũng phải xem xét lại

ANTD.VN - Những ngày gần đây, câu chuyện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có 46 biên chế thì trong đó có tới 44 người làm cán bộ quản lý khiến dư luận không khỏi ngạc nhiên về công tác cán bộ tại địa phương này. Trao đổi với báo chí, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cho rằng, đây là vụ việc không bình thường. 

Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương đang gây bức xúc dư luận vì bổ nhiệm tràn lan

Theo thông tin phản ánh, trong số 46 biên chế của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương hiện nay, chỉ có 2 người là chuyên viên, 44 người còn lại đều có chức vụ từ Phó Trưởng phòng trở lên. Hầu hết các phòng của Sở này đều có Trưởng phòng và 4-5 Phó Trưởng phòng như: Văn phòng Sở có Chánh văn phòng và 4 Phó Chánh văn phòng; Phòng Kế hoạch Tài chính có Trưởng phòng và 4 Phó Trưởng phòng; Phòng Việc làm - An toàn lao động có Trưởng phòng và 5 Phó Trưởng phòng; Phòng Lao động, Tiền lương và Bảo hiểm xã hội có Trưởng phòng và 4 Phó Trưởng phòng; Thanh tra Sở có Chánh thanh tra và 4 Phó Chánh thanh tra… 

Chia sẻ với báo chí về vấn đề này, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, ngay cả khi việc bổ nhiệm cán bộ ở Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương có đúng về quy trình thủ tục, đáp ứng được điều kiện tiêu chuẩn đi chăng nữa thì việc bổ nhiệm quá nhiều cán bộ quản lý như vậy cũng cần xem xét lại.

“Hiện tượng bổ nhiệm cán bộ quản lý tràn lan không phải là hy hữu hay mới xảy ra. Chính vì vậy, tại diễn đàn Quốc hội đã có đại biểu nói về khái niệm “hoàng hôn nhiệm kỳ”. Khi chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ một cách ồ ạt, gây ra sự phản cảm khiến dư luận lên án”, ĐB Nguyễn Sỹ Cương phân tích và cho rằng, từ vụ việc này nên rà soát, siết chặt lại quy trình bổ nhiệm cán bộ ở nước ta hiện nay.

ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cũng cho rằng, việc một Sở của một tỉnh mà có tới 44/46 biên chế làm lãnh đạo từ cấp phòng trở lên là điều… không bình thường. “Lãnh đạo nhiều hơn cán bộ thì lãnh đạo ai, ai lãnh đạo, quá trình triển khai công việc mang lại hiệu quả thế nào? Cần xem xét, đánh giá vì sao như thế, nếu có điều gì chưa đúng trong công tác cán bộ thì phải có biện pháp chấn chỉnh, xử lý” - ĐBQH Nguyễn Thái Học nói - “Khi xem xét vụ việc cần gắn với trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan đơn vị sử dụng cán bộ, dù chưa rõ người đứng đầu đơn vị đó có tiêu cực gì trong việc sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ hay không nhưng để tồn tại thực tế không bình thường như thế thì phải có trách nhiệm”.